14/09/2023 10:45 GMT+7

Khát khao đến trường từ lớp học tình thương

Căn phòng trọ nhỏ hẹp, nơi Trần Thị Anh Thư ở cùng anh ruột và em họ tại quận Bình Tân (TP.HCM), nhưng vẫn dành một góc học tập luôn được cô bạn chăm chút tỉ mỉ.

Góc học tập của Anh Thư trong căn phòng trọ chật hẹp - Ảnh: BÌNH MINH

Góc học tập của Anh Thư trong căn phòng trọ chật hẹp - Ảnh: BÌNH MINH

Hành trình học tập của cô tân sinh viên ngành du lịch Trường ĐH Mở TP.HCM ấy vốn nhiều thác ghềnh. Từng bị nghỉ học từ hồi lớp 3 sau biến cố gia đình nhưng khát khao giành lấy con chữ chưa bao giờ dừng lại, cũng là mục tiêu giúp Thư tìm mọi cách vượt lên số phận.

Khúc khuỷu đường đến trường

Tuổi thơ của Anh Thư vốn yên bình ở Đồng Tháp. Gia đình đủ sống với thửa ruộng nhỏ trồng lúa cùng góc hàng bán cá của mẹ ở chợ. Rồi cha mẹ nuôi cá với hy vọng cuộc sống khấm khá hơn nhưng thua lỗ nặng, nợ nần khắp nơi.

Bán ruộng, ba mẹ tìm đường lên thành phố làm công trả nợ dần. Hai anh em Thư gửi nhờ ông bà nội, ngoại ở quê.

Từ trường tiểu học đang có bạn bè thân thuộc, cô bé 8 tuổi phải chuyển về ngôi trường nhỏ ở quê ngoại. 

Nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn, ông bà phải đi đánh cá xa, không ai trông coi nên còn chưa kịp học xong lớp 3, Thư buộc phải nghỉ.

Thư trầm ngâm: "Trong căn nhà nhỏ nhìn ra đường quê, thấy các bạn đi học ngang qua, tôi nôn nao rồi tự hỏi vì sao mình lại không được đi học".

Thư cũng không nhớ bao lâu nhưng sau đó cha mẹ đón hai anh em lên Sài Gòn ở cùng nhưng Thư vẫn chưa được đi học lại. Phải đến khi chuyển trọ sang phường 9 (quận Phú Nhuận), biết rõ hoàn cảnh, cô chủ nhà giới thiệu bé Thư đến lớp học tình thương tại UBND phường. Nghỉ học quá lâu, Thư bắt đầu lại từ lớp 2.

Đến lớp 4, Thư được chuyển sang lớp phổ cập ban đêm tại Trường tiểu học Nguyễn Đình Chính, mỗi tuần học 3-4 buổi. Lớp toàn những đứa trẻ khó khăn và chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng dường như khó khăn vẫn chưa hết.

Năm Thư học lớp 7, gia đình lại một lần nữa nợ nần, cha mẹ ly thân. Mẹ về lại quê làm mướn, Thư ở lại cùng cha để còn được đi học.

Tôi quý trọng những năm tháng được đến trường. Tôi muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch được đi khắp nơi, được là sứ giả giới thiệu cho mọi người biết về danh lam thắng cảnh của đất nước mình.
TRẦN THỊ ANH THƯ

Hạt mầm hy vọng lớn lên từng ngày

Nhưng cuộc đời vẫn may mắn khi cho Thư gặp được những người đưa đò tận tình. Những ngày mới nhập học trở lại lớp 2 ở Sài Gòn, cô bé không khỏi bỡ ngỡ.

Phước thay, Thư gặp cô Nguyễn Thị Oanh Loan ở lớp học tình thương, người tận tụy dạy lại cho Thư từng con chữ. Cô bé còn được tham gia lớp tin học, tiếng Anh và cả học nghề xâu chuỗi hạt. Để dù sau này lên lớp lớn hơn, Thư vẫn tiếp tục theo phụ cô Oanh Loan dạy cho các em nhỏ trong lớp tình thương.

Anh Thư vào cấp III tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên quận Phú Nhuận, tiếp tục gặp được nhiều thầy cô hết lòng vì học trò. Ở đó, Thư gặp được cô Phạm Hồi, giáo viên chủ nhiệm đầu tiên, luôn động viên bạn học.

Cô bé học giỏi, được nhận học bổng khuyến tài năm lớp 10. Lớp 11 đi thi và mang về giải ba môn sinh học cấp thành phố kỳ thi học viên giỏi giáo dục thường xuyên.

Năm cuối cấp, Thư được tin tưởng gửi vào đội tuyển địa lý. Vừa là môn học yêu thích, vừa để không phụ lòng tin của các thầy cô và Thư đã làm được khi giành giải nhất cấp thành phố môn địa lý kỳ thi học viên giỏi giáo dục thường xuyên về cho trung tâm.

Nói về người trò nhỏ, cô Phạm Hồi không giấu được sự tự hào, niềm tin ở cô bé. "Anh Thư làm lớp phó học tập ba năm liền, luôn gương mẫu, nhiệt tình, nghiêm túc trong các hoạt động của lớp, rất cởi mở, hay giúp đỡ các bạn. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Thư luôn mạnh mẽ, vui cười và cố gắng", cô Hồi nói.

Theo cô Hồi, nét đặc biệt ở Thư chính là khả năng đặt mục tiêu trong quá trình học tập, rất tự giác và phấn đấu hết mình để đạt mục tiêu đã đề ra. Không chỉ phấn đấu và học tốt để mong sau này có cuộc sống tốt hơn, với cô học trò quê vùng đất sen hồng, học còn là cách để bản thân có thể đóng góp dù chỉ là phần nhỏ bé thôi cho sự phát triển của đất nước.

Trúng tuyển đại học, đi kèm với niềm vui là nỗi lo gánh nặng tài chính, sợ không đủ sức theo trọn bốn năm học. Những ngày này, Thư xoay xở, hỏi thăm khắp nơi tìm chỗ tuyển dụng để xin đi làm thêm. "Tôi làm ở đâu cũng được, kể cả công việc chân tay cũng được, chỉ mong trang trải được học phí để theo học đại học", Thư bộc bạch.

Có những điều chẳng thể nói cùng ai

Anh trai Thư đang làm việc cho một xưởng sản xuất mái hiên di động tại quận Bình Tân (TP.HCM). Ở cùng nhưng thế giới của Anh Thư hầu như đơn độc, tự lo liệu mọi thứ một mình. Ngay từ lúc nhỏ, cô bé đã sớm hiểu cảm giác có những điều chỉ có thể giấu vào lòng, không nói với ai bởi không ai nghe, cũng không ai hiểu.

Ngày bị buộc phải nghỉ học, ngồi trong nhà nhìn ra đường thấy bạn bè tung tăng đến trường dù lòng buồn rười rượi nhưng Thư nói khi ấy mình còn bé quá, không tự quyết định được gì, cũng chẳng biết nói với ai. Cha mẹ ly thân, Anh Thư đang vào tuổi dậy thì. Không có bàn tay chăm sóc của mẹ, Thư phải tự xoay xở mọi thứ, kể cả những cảm xúc của một cô gái mới lớn.

Vì sức khỏe ông bà nội không tốt, hiện ba Thư đã phải nghỉ việc ở thành phố về quê bán vé số để tiện chăm sóc ông bà. Còn mẹ Thư giờ đang làm bảo vệ tại một công ty mà chỉ thi thoảng mới có thể gặp con gái.

Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023

Dồn dập tai ương, cậu học trò vẫn tin "sẽ có cách thôi"Dồn dập tai ương, cậu học trò vẫn tin 'sẽ có cách thôi'

Cha phát hiện bị lao, mẹ vừa bị lao vừa bị tan máu bẩm sinh nằm một chỗ. Ngoài giờ học và chăm cha mẹ, cậu học trò ấy phải tranh thủ ngược xuôi làm thêm đủ việc để có tiền trang trải.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên