29/11/2024 07:08 GMT+7

Khảo sát 500 KOLS: 62% đăng tùm lum trên mạng mà không thèm kiểm chứng

Nghiên cứu mới của Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cho thấy 62% người có sức ảnh hưởng trên mạng (thường được gọi tắt trong tiếng Anh là KOL) đã không kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ.

Tiết lộ bẽ bàng về kiểm chứng thông tin - Ảnh 1.

UNESCO nhấn mạnh rằng việc thiếu đánh giá thông tin nghiêm ngặt và chặt chẽ cho thấy cần thiết phải nâng cao kỹ năng tra cứu thông tin cho những nhà sáng tạo nội dung, đặc biệt là khả năng nhận diện và sử dụng các nguồn kiểm chứng đáng tin cậy - Ảnh: AFP

Trong bối cảnh các nhà sáng tạo nội dung trực tuyến trở thành nguồn thông tin chính cho nhiều người dùng, một nghiên cứu mới của UNESCO công bố tuần này đã hé lộ thực trạng đáng lo ngại: rất nhiều KOL đã không hề kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ.

Những con số bẽ bàng

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 500 nhà sáng tạo nội dung kỹ thuật số tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9-2024, tập trung vào những người có hơn 1.000 người theo dõi.

Nghiên cứu cho thấy 62% các KOL thừa nhận không kiểm tra thông tin trước khi chia sẻ với người theo dõi. Khoảng 1/3 cho biết họ sẵn sàng chia sẻ thông tin mà không kiểm chứng nếu xuất phát từ nguồn đáng tin cậy, trong khi chỉ 37% khẳng định luôn xác minh thông tin trước khi đăng tải.

UNESCO cảnh báo tỉ lệ kiểm chứng thông tin thấp như vậy cho thấy các KOL dễ bị thông tin sai lệch dẫn dắt, và điều này "có thể gây hậu quả sâu rộng đối với diễn ngôn công khai và lòng tin vào truyền thông".

Thay vì kiểm chứng thông tin, 40% các KOL cho biết họ dựa vào "mức độ phổ biến" của nguồn tin, như số lượt thích hoặc lượt xem, để đánh giá độ tin cậy. Trong khi đó, 20% cho rằng ý kiến từ chuyên gia và bạn bè tin cậy đóng vai trò quan trọng. Chỉ 17% xem tài liệu và bằng chứng là yếu tố hàng đầu để xác định tính chính xác của thông tin.

UNESCO nhấn mạnh việc thiếu đánh giá thông tin nghiêm ngặt và chặt chẽ cho thấy cần thiết phải nâng cao kỹ năng tra cứu thông tin cho những nhà sáng tạo nội dung, đặc biệt khả năng nhận diện và sử dụng các nguồn kiểm chứng đáng tin cậy.

Ảo nhưng gây hậu quả thực

Thông tin sai lệch hiện nay thường giật gân và hấp dẫn hơn, khiến chúng lan truyền nhanh hơn nhiều so với sự thật. Chúng cũng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng trong đời sống thực, như làm xói mòn lòng tin vào truyền thông, phá hoại các cuộc bầu cử và thúc đẩy các phát ngôn thù hận.

Nghiên cứu của UNESCO được công bố sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, trong đó các KOL trên mạng xã hội đóng vai trò quan trọng như một nguồn cung cấp thông tin cho cử tri.

Trong chiến dịch tranh cử, ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Kamala Harris đã khai thác các KOL trên mạng xã hội và những người làm podcast vốn có hàng triệu người theo dõi như Joe Rogan và Alex Cooper, để thu hút cử tri.

Theo báo cáo gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew, gần 40% người Mỹ trẻ tuổi từ 18 - 29 "thường xuyên" nhận tin tức từ các KOL, dù hầu hết các KOL này chưa bao giờ làm việc cho tổ chức tin tức nào. Một khảo sát riêng của Pew phát hiện hơn 1/2 người Mỹ trưởng thành "ít nhất là đôi khi" nhận tin tức từ mạng xã hội.

"Không giống các nhà báo vốn được trang bị các kỹ năng và công cụ để đánh giá độ tin cậy của nguồn tin và xác minh sự thật, những người sáng tạo nội dung số thường không được đào tạo chính thức trong các lĩnh vực này.

Điều đó có thể dẫn đến các thách thức trong việc đảm bảo tính chính xác của nội dung mà họ cung cấp", UNESCO chỉ ra.

Nghiên cứu của UNESCO chỉ ra rằng các KOL thường không dựa vào nguồn tin chính thức, như báo cáo hay tài liệu từ chính phủ. Anh Zhang Zhaoyuan, một KOL tại Trung Quốc, cho biết trong cuộc phỏng vấn với UNESCO: "Mọi thứ tôi đăng tải hoàn toàn dựa trên những trải nghiệm sống cá nhân của tôi".

Việc các KOL lan truyền thông tin sai lệch đã đặt ra thách thức cho chính phủ các nước. Hiện nay nhiều mạng xã hội đã gỡ bỏ các rào cản ngăn chặn lan truyền thông tin sai lệch, thay vào đó họ sử dụng cách tiếp cận khác.

Chẳng hạn mạng xã hội X của tỉ phú Mỹ Elon Musk dựa vào "Ghi chú cộng đồng" (Community Notes) để lưu ý về thông tin sai lệch và hiếm khi xóa nội dung.

Không minh bạch về quảng cáo

Một điểm đáng chú ý là các KOL thường sản xuất nội dung được tài trợ, nhưng không phải lúc nào họ cũng minh bạch về điều đó.

Theo UNESCO, 53% số người được khảo sát cho biết họ đã tạo nội dung được tài trợ hoặc quảng cáo cho các thương hiệu và sản phẩm.

Tuy nhiên 7% thừa nhận không công khai việc nhận tài trợ, mà trình bày nội dung như thể đó là ý kiến cá nhân hoặc không chịu sự chi phối tài chính.

9.000

UNESCO đã hợp tác với Trung tâm báo chí Knight tại châu Mỹ thuộc Đại học Texas để cung cấp khóa học trực tuyến "Cách trở thành tiếng nói đáng tin cậy trên mạng". Khóa học này tập trung vào việc kiểm chứng thông tin và tạo nội dung liên quan đến bầu cử hoặc các cuộc khủng hoảng.

UNESCO cho biết khoảng 9.000 KOL đã đăng ký tham gia khóa học miễn phí kéo dài một tháng này.

Tiết lộ bẽ bàng về kiểm chứng thông tin - Ảnh 2.Bầu cử Mỹ: FBI cảnh báo việc lan truyền thông tin sai lệch

Ngày 5-11, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã đưa ra cảnh báo về 2 đoạn video giả mạo đang lan truyền thông tin sai lệch về các mối đe dọa khủng bố và gian lận bầu cử.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên