06/07/2024 11:22 GMT+7

Khảo sát 30.000 doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất vẫn là sức mua yếu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khảo sát khoảng 30.000 doanh nghiệp cho thấy khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là nhu cầu thị trường thấp, sức mua yếu, áp lực cạnh tranh và chi phí sản xuất tăng cao.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: VGP

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 6-7, đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc nhưng vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức.

Doanh nghiệp khó vì chi phí sản xuất tăng cao, hộ kinh doanh trả mặt bằng thuê

Với mức tăng trưởng khởi sắc, Chính phủ đã quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Tuy vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn, thách thức, cần tập trung cải thiện, tháo gỡ để tạo đột phá cho tăng trưởng cả năm.

Cụ thể về phía cung, tăng trưởng khu vực nông nghiệp và dịch vụ, du lịch 6 tháng bám sát kịch bản nhưng đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao, áp lực cạnh tranh gay gắt.

Khu vực công nghiệp và xây dựng là động lực chính cho tăng trưởng cao hơn so với kịch bản, nhưng phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi kinh tế và sức mua tại các thị trường xuất khẩu lớn.

Tăng trưởng ngành xây dựng phụ thuộc vào sự phục hồi thị trường bất động sản, tiến độ tháo gỡ vướng mắc, triển khai các dự án đầu tư, đầu tư công. Các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, AI, chip, bán dẫn... chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới và khu vực.

Về phía cầu, đầu tư phục hồi còn chậm, sức mua yếu trong 6 tháng đầu năm. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm tiếp tục phải sang nhượng, trả mặt bằng thuê. Quản lý kinh doanh trên môi trường điện tử vẫn là thách thức lớn, ảnh hưởng đến hàng hóa sản xuất trong nước.

Tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng có xu hướng chậm lại, một số thị trường lớn như Trung Quốc chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ, Nhật Bản tăng 1,8%. Cùng đó là rủi ro bị áp thuế chống bán phá giá; doanh nghiệp phải đáp ứng nhanh hơn và tốt hơn các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát thải carbon, phát triển bền vững (ESG)...

Bên cạnh các địa phương có tốc độ tăng trưởng tốt, còn 13 địa phương tăng trưởng 6 tháng dưới 5%, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,42%, Sơn La tăng 0,67%, Bắc Ninh tăng 2,32%, Quảng Nam tăng 2,68%...

Hai kịch bản tăng trưởng, phấn đấu mức trên 7%

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay đã làm việc với 20 hiệp hội và khảo sát khoảng 30.000 doanh nghiệp, cho thấy khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là nhu cầu thị trường thấp, áp lực cạnh tranh và chi phí sản xuất tăng cao. Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp khó khăn về tài chính, lãi suất vay vốn và thủ tục hành chính.

Cùng đó, bộ này nhận định ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Áp lực lạm phát lớn, trong khi lạm phát thường tăng vào cuối năm và có những yếu tố tác động rất khó dự báo, đặc biệt là biến động giá cả thế giới, tâm lý, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.

Áp lực tỉ giá có thể giảm bớt trong nửa cuối năm, nhưng vẫn là thách thức lớn. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức cao, yêu cầu chính sách tiền tệ phải dành nhiều nguồn lực hơn để ứng phó.

Thể chế, pháp luật có những vướng mắc, bất cập, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, ách tắc, chưa được cắt giảm triệt để; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm.

Trên cơ sở đó, bộ đã cập nhật hai kịch bản tăng trưởng bao gồm: Kịch bản thứ nhất: tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng quý 3 là 6,5%, quý 4 là 6,6%.

Kịch bản thứ hai: Tăng trưởng cả năm đạt 7%, tăng trưởng quý 3 là 7,4%, quý 4 là 7,6%, cao hơn kịch bản tại nghị quyết số 01 là 0,7% và 0,6%.

Từ đó, bộ kiến nghị kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5 - 7%, phấn đấu đạt mức cao 7%. Để thực hiện các giải pháp trọng tâm là khẩn trương cụ thể hóa, đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để áp dụng ngay các luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở từ 1-8.

Sớm thành lập ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập; thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới…

Năm địa phương đang dẫn đầu tăng trưởng GDPNăm địa phương đang dẫn đầu tăng trưởng GDP

Tổng cục Thống kê cho biết nửa đầu năm 2024, Bắc Giang, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Nam và Hải Phòng dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên