Anh Nguyễn Hoài Thi (trái) trao đổi công việc với đối tác nước ngoài - Ảnh: CÔNG NHẬT
Hoài Thi tốt nghiệp khoa tự động hóa ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) với điểm luận văn 9,5, nhưng thu nhập giai đoạn mới ra trường chỉ 1,8 triệu đồng/tháng.
Nhìn lại chính mình
"Thời điểm đó cuộc sống chật vật nhưng nhìn lại, tôi không than trách vì biết rằng mình học được rất nhiều, biết được ưu khuyết điểm bản thân từ khoảng thời gian hai năm đó và buộc mình phải chăm chỉ học hỏi" - anh nhớ lại khoảng thời gian làm lập trình viên tự động hóa.
Hoài Thi sau đó quyết định chuyển qua làm nhân viên kinh doanh để cải thiện mức thu nhập còm cõi, và anh cũng tin đây là mảng phù hợp hơn với bản thân. Nào ngờ ngay trong giai đoạn đầu đi bán hàng, anh chào giá thiết bị sai và phải bỏ ra gần một tháng lương để bù lỗ cho công ty.
"Đó có thể gọi là bài học tôi nhớ nhất: Mình phải trả giá, chịu trách nhiệm cho những điều mình làm, sau này nhất thiết cần cẩn trọng hơn" - Hoài Thi nói.
Tháng 12-2010, Hoài Thi quyết định lập công ty riêng Việt An chuyên lắp hệ thống quan trắc tự động khi thấy bản thân tích lũy đủ kiến thức để trở thành chuyên gia trong ngành. "Tôi không chắc mình sẽ thành công, chỉ đơn giản ra riêng để tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc thật sự trong công việc. Tôi khát khao tạo ra một sản phẩm "made in Vietnam" (chế tạo tại VN) chất lượng cao" - Hoài Thi chia sẻ.
Khi ấy anh quyết định vét hết 140 triệu đồng trong túi khởi nghiệp cùng người bạn. Sản phẩm của anh giúp giải bài toán về quan trắc môi trường tự động liên tục cũng như công cụ phần mềm giám sát trên nền tảng web và thiết bị di động.
Công ty ra đời trong lúc nhu cầu về sản phẩm tăng cao nên liên tục gặt về "quả ngọt". Dẫu vậy, Hoài Thi chưa bao giờ quên về giai đoạn đầu năm 2013, thời điểm khủng hoảng kinh tế tác động mạnh mẽ. Trong suốt nửa năm công ty không có lấy một đơn hàng đem về!
Chọn đi vào "tâm bão"
"Chúng tôi hoang mang, mất niềm tin thật sự. Nhưng sau đó khi ngồi ngẫm nghĩ kỹ chúng tôi nhận ra vấn đề không hẳn do thị trường, khách hàng, mà do chính mình không dám nhìn thẳng vấn đề để xử lý quyết liệt" - Hoài Thi nói.
Xác định được mấu chốt vấn đề là công ty không có hợp đồng, anh chủ động rời ghế văn phòng đi khắp nơi kiếm đơn hàng cùng nhân viên, nhân viên nào non nghề thì đào tạo nghiệp vụ nhiều và sâu hơn.
Quyết định chọn đi vào "tâm bão" để hóa giải khó khăn, làm việc vì lợi ích và thành công của khách hàng lên đầu, đây cũng là điều anh thường chia sẻ với các lớp khởi nghiệp sau này. Hiện Việt An có doanh thu ổn định trên 200 tỉ đồng/năm.
Đặc biệt thời điểm năm 2016, sản phẩm công ty này đã gây tiếng vang khi vượt qua nhiều đối thủ trong nước lẫn nước ngoài để giành gói thầu cung cấp trạm quan trắc môi trường tự động cho một tập đoàn lớn tại Hà Tĩnh sau khi một sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra tại đây. Phi vụ này có tổng giá trị lên tới 91 tỉ đồng.
Để rèn luyện khả năng lãnh đạo hiệu quả phải thường xuyên đọc sách, tự học và luôn tôn trọng, đặt thành công của khách hàng, đối tác, đồng nghiệp lên đầu
NGUYỄN HOÀI THI
Hoài Thi cho biết tham vọng của anh chưa dừng lại ở đó, mà muốn được đem ba từ "made in Vietnam" ra khắp năm châu. Công ty vừa khánh thành văn phòng mới ở tiểu bang Washington (Hoa Kỳ), anh cũng kiên trì ngược xuôi liên tục để hiện thực hóa giấc mơ bao năm của mình.
"Việc mở văn phòng ở Mỹ là bước đầu tư chiến lược giúp chúng tôi đo lường thị hiếu, đưa sản phẩm tiếp cận quốc tế dễ dàng hơn, nhân sự có cả người Việt lẫn người Mỹ. Trung tâm nghiên cứu thì vẫn đặt ở VN vì tôi khát khao sớm đến ngày các đối tác nước ngoài sẽ trầm trồ khen ngợi trước các sản phẩm làm tại VN.
Câu chuyện Samsung qua VN không tìm được bất kỳ doanh nghiệp Việt nào làm được ốc vít đạt tiêu chuẩn của họ vẫn khiến tôi trăn trở bao năm qua" - Hoài Thi nói.
Và cũng chính vì lý do này mà anh không ngại tìm hiểu, cố vấn và đầu tư vào các dự án khởi nghiệp của giới trẻ trong nước. Gần đây nhất, dự án ứng dụng CNTT vào mô hình giáo dục trực tuyến Tungtung.vn (ĐH Kinh tế TP.HCM) mà anh nhận đầu tư đã đoạt giải nhất toàn quốc cuộc thi Khởi nghiệp sinh viên Dynamic 2017.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn "Chọn và đi"
Sau tọa đàm "Có niềm tin, có sức mạnh" do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào ngày 24-3, nhiều bạn đọc đã phản hồi thể hiện sự quan tâm, mong muốn duy trì tuyến nội dung và tọa đàm ý nghĩa này.
Từ ngày 17-4, báo Tuổi Trẻ khởi đăng tuyến bài 3 kỳ với chủ đề "Chọn và đi" trên nhật báo Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Online, đăng tải các quan điểm, câu chuyện, tấm gương chân thật đã tin vào chính mình, tin vào con đường mình chọn và bước đi, dù vấp ngã nhưng đứng lên kiên cường, sức mạnh niềm tin được tạo nên từ chính bản thân.
Để diễn đàn diễn tiếp tục lan tỏa hiệu quả, báo Tuổi Trẻ mong nhận được ý kiến, đóng góp, câu chuyện từ bạn đọc về giá trị của "Chọn và đi", cụ thể là chọn tin vào chính mình, đi trên con đường mình đã chọn để thành công.
Bài viết bạn đọc gửi về sẽ được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ Online và có nhuận bút.
Các ý kiến chia sẻ vui lòng gửi về: [email protected].
Dự kiến đầu tháng 5, báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức tọa đàm với chủ đề này tại Phú Quốc (Kiên Giang). Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả, bạn trẻ khởi nghiệp, nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận