29/10/2023 17:26 GMT+7

Khánh thành kho cảng LNG 6.500 tỉ đồng tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cắt băng khánh thành kho cảng LNG Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu, công trình trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư 6.500 tỉ đồng.

Hệ thống kho cảng LNG Thị Vải - Ảnh: PV Gas

Hệ thống kho cảng LNG Thị Vải - Ảnh: PV Gas

Chiều 29-10, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã dự lễ, cắt băng khánh thành kho chứa LNG Thị Vải tại thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Kho cảng LNG có sức chứa 180.000m3 với công suất qua kho trung bình 1 triệu tấn LNG/năm.

Kho cảng LNG đầu tiên của Việt Nam

Kho cảng LNG do Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 10-2019, với tổng mức đầu tư khoảng 6.500 tỉ đồng.

Hệ thống kho cảng gồm bồn khí LNG và hai cụm tái hóa khí với công suất tối đa 171 tấn/giờ; hệ thống trạm nạp xe bồn, trạm giảm áp, hệ thống đường ống dẫn khí kết nối; trung tâm điều khiển tự động toàn bộ quá trình vận hành, hệ thống PCCC

Trước đó vào tháng 7-2023, PV Gas đã nhập về 70.000 tấn LNG có trị giá khoảng 830 tỉ đồng. Mấy tháng qua việc vận hành, chạy thử kho cảng đã đảm bảo an toàn tuyệt đối. 

Bồn chứa khí LNG ở Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Bồn chứa khí LNG ở Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Tính đến thời điểm hiện tại, PV Gas là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG.

Ông Phạm Văn Phong - tổng giám đốc PV Gas - cho biết LNG rất quan trọng cho mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bởi trong bối cảnh nguồn cung khí trong nước đang suy giảm, nhu cầu sử dụng khí cho phát điện ngày càng tăng, việc triển khai điện khí LNG sẽ đáp ứng được nhu cầu trên.

Tàu chở khí LNG nhập khẩu vào kho cảng LNG Thị Vải của PV Gas tháng 7-2023 - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Tàu chở khí LNG nhập khẩu vào kho cảng LNG Thị Vải của PV Gas tháng 7-2023 - Ảnh: ĐÔNG HÀ


PV Gas cho biết thêm giai đoạn 2 của dự án kho cảng LNG Thị Vải sẽ sớm được triển khai để nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm. Ngoài ra PV Gas đang đầu tư xây dựng kho cảng LNG ở Sơn Mỹ, Bình Thuận.

Trước mắt, PV Gas đang cung cấp LNG cho các hộ tiêu thụ khí thấp áp. Và sẽ bổ sung nguồn cung khí cho các khách hàng tiêu thụ trong khu vực Đông Nam Bộ để bù đắp một phần lượng khí thiếu hụt trong nước từ năm 2024.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao việc hoàn thành và đưa vào sử dụng kho cảng LNG Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao việc hoàn thành và đưa vào sử dụng kho cảng LNG Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Chính phủ Việt Nam luôn hỗ trợ các dự án năng lượng sạch 

Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương những nỗ lực để hoàn thành công trình kho cảng LNG Thị Vải của chủ đầu tư và các nhà thầu.

Phó thủ tướng khẳng định đây là sự kiện quan trọng và ý nghĩa trong việc thực hiện các chiến lược tái cấu trúc của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng và chiến dịch chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững của Việt Nam nói chung.

Các đại biểu cắt băng khánh thành kho cảng LNG chiều 29-10 - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Các đại biểu cắt băng khánh thành kho cảng LNG chiều 29-10 - Ảnh: ĐÔNG HÀ

"Việc hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành dự án kho cảng LNG Thị Vải góp phần giúp thực hiện thành công chủ trương của Đảng, Chính phủ về định hướng và quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng quốc gia, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững", Phó thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Trong định hướng đến năm 2050 Việt Nam không còn dùng than để phát điện. Chưa hết, điện khí không bị ảnh hưởng bởi thời tiết như thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Do đó, việc đưa kho cảng LNG vào sử dụng góp phần hoàn thành cam kết của Chính phủ Việt Nam đưa phát thải khí nhà kính bằng 0.

Phó thủ tướng khẳng định Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ các dự án năng lượng, dầu khí, nhất là các dự án xanh, sạch, bền vững.

Kho cảng LNG vận hành, xử lý thế nào?

LNG là khí tự nhiên hóa lỏng. LNG có thành phần chủ yếu là CH4 - methane (94,3%), không màu, không mùi, không độc hại.

Trước khi vận chuyển, LNG được làm lạnh ở nhiệt độ -162ºC. Lúc này khí LNG đã chuyển sang thể lỏng. Sau khi được hóa lỏng, LNG chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí tự nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn (15ºC, 1 atm).

Xe bồn chờ để chở khí đi tiêu thụ tại kho cảng Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Xe bồn chờ để chở khí đi tiêu thụ tại kho cảng Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Để sử dụng, khí LNG ở thể lỏng được hóa khí trở lại. Khi cháy, LNG có thể tạo ra ngọn lửa có nhiệt độ rất cao (khoảng 1.880ºC). Nhưng không để lại cặn giúp các loại thiết bị, máy móc an toàn hơn, giảm hao mòn, tăng tuổi thọ.

Khi đốt LNG sản sinh khí thải CO2 ít hơn 40% so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ.

Huế sắp có nhà máy nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng trị giá 6 tỉ USDHuế sắp có nhà máy nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng trị giá 6 tỉ USD

TTO - Nhà máy nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng dự kiến đặt tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) có tổng công suất thiết kế 4.000 MW, với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỉ USD.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên