10/10/2014 08:16 GMT+7

​Khánh thành đài tưởng niệm người lao động Đông Dương

H.ANH
H.ANH

TT - Cách đây bốn năm, sau hơn nửa thế kỷ làm ngơ, chịu sức ép báo chí và công luận Pháp, ngày 9-12-2010 thị xã Arles thuộc vùng Camargue tổ chức lễ ghi công những người lao động Đông Dương.

Tượng tưởng niệm người lao động Đông Dương của họa sĩ Lê Bá Đảng - Ảnh: Provence-Alpes
Tượng tưởng niệm người lao động Đông Dương của họa sĩ Lê Bá Đảng - Ảnh: Provence-Alpes

Trong buổi lễ này người ta hứa sẽ làm một tượng đài ghi công “lính thợ” Việt Nam và người được giao làm tượng là họa sĩ Lê Bá Đảng - vốn là một lính thợ.

Là sáng kiến của Hội đoàn Mémorial pour les ouvriers indochinois (MOI), được thị xã Arles hỗ trợ, đài tưởng niệm những người lao động Việt Nam được xây dựng tại Salin-de-Giraud ở cửa khẩu sông Rhône vừa khánh thành ngày 5-10-2014.

Đài tưởng niệm sẽ mang tính lịch sử đối với 20.000 người Việt Nam bị chính quyền thực dân cưỡng bức sang Pháp lao động trong Thế chiến thứ hai - những người thường được gọi là “lính thợ” hay “công binh” dù không phải binh lính, mà chỉ bị quản lý lao động theo chế độ quân sự. 

Qua diễn từ của Bộ trưởng cựu chiến binh Kader Arif tại lễ khánh thành đài tưởng niệm, Chính phủ Pháp lần đầu tiên công nhận:

“Cách đây 70 năm, 20.000 người lao động Đông Dương đã bị bứt ra khỏi quê hương của họ, ép buộc đi sang đất Pháp. Từ đó, lịch sử của họ được đánh dấu bởi những cụm từ: bị bật rễ, tồn tại cô đơn, lao động trong điều kiện kinh hoàng, bị lãng quên”.

Ghi nhận “di sản” mà những lao động này để lại cho nước Pháp ngày nay, Bộ trưởng Arif cho rằng:

“Sự hiện diện của họ đã tạc hình lãnh thổ nước ta. Họ đã để lại đó một phần linh hồn của họ. Đặc biệt đó là trường hợp của tỉnh Bouche-du-Rhône và vùng Camargue, nơi những người lao động này đã thúc đẩy và truyền đạt kỹ thuật trồng lúa”.

Bộ trưởng Arif còn khẳng định: “Ngày hôm nay, sự tôn vinh và ghi ơn của nước Pháp phải tương xứng với những hi sinh của những con người đó”.

Tuy nhiên, ông không cho biết chính quyền sẽ làm gì cụ thể để thể hiện điều này đối với các lính thợ đã được Pháp đưa về lại Việt Nam không có bù đắp, rồi quên lãng.

Ca ngợi sáng kiến của MOI và thị xã Arles, đại diện Chính phủ Pháp nói: “Dựng tấm bia tại đất nước cộng hòa, quý vị trả lại cho những người này chỗ đứng của họ trong ký ức quốc gia.

Quý vị cũng giúp con cháu những người lao động đó hiểu rõ lịch sử của họ - một lịch sử mà họ cùng có chung với con cháu của những người chính quốc”.

Bức tượng bằng thép cao 2m, đặt trên bục đá cao 80cm có bia khắc chữ tiếng Pháp và tiếng Việt của họa sĩ Lê Bá Đảng rất hiện đại, sống động.

Nhưng cảm xúc nổi bật chính là góc nhìn nhân văn của ông khi chọn làm tượng một nông dân vác cuốc ra đồng với tư thế tươi vui ở quê hương, chứ không phải tư thế cùng khổ nô lệ trên xứ người.

H.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên