Sau 19 tháng nỗ lực vượt mọi khó khăn để hạ giải và trải qua đợt trùng tu căn bản, chiều 3-8 thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam đã làm lễ khánh thành dự án trùng tu Chùa Cầu Hội An.
Phó chủ tịch Quảng Nam nói ý kiến khác nhau là bình thường
Trong bài phát biểu đúc rút lại quá trình trùng tu Chùa Cầu, ông Nguyễn Văn Sơn - chủ tịch UBND TP Hội An - cho rằng dự án sẽ khó đảm bảo tiến độ nếu không có sự chung tay của các bên, đặc biệt là những chuyên gia Nhật Bản và bà con nhân dân Hội An cùng những người dân sống ngay công trình.
Theo ông Sơn, qua 400 năm Chùa Cầu dù đã được các thế hệ người Hội An giữ gìn nhưng không tránh khỏi xuống cấp. Đặc biệt việc chịu bão lụt hàng năm và thời gian dài không được trùng tu căn bản đã khiến di tích xuống cấp rất nghiêm trọng.
Chùa Cầu Hội An: Ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu là điều bình thường, phản ánh tình yêu di sản
Năm 2016, hội thảo về trùng tu Chùa Cầu đã đặt nền móng cho việc hạ giải quy mô di tích. Ngày 28-12-2022, dự án được khởi động trong sự kỳ vọng của chính quyền lẫn người dân.
Qua 19 tháng thi công nỗ lực, dự án đã cán đích. Từ một di tích ọp ẹp, đứng trước nguy cơ đổ sập, Chùa Cầu được khôi phục hình hài nguyên vẹn. Các chi tiết, cấu kiện được giữ lại tối đa. Các mục tiêu đặt ra ban đầu được giải quyết bài bản.
Theo ông Phan Thái Bình - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, dự án trùng tu Chùa Cầu ban đầu được đặt ra yêu cầu rất cao trên các mặt. Quá trình trùng tu được làm kỹ lưỡng về khoa học, lịch sử, văn hóa và các thủ tục pháp lý.
Ông Bình nói dù còn nhiều ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu di tích Chùa Cầu nhưng đó là điều rất bình thường.
Qua đó cũng cho thấy có rất nhiều người yêu mến Chùa Cầu, yêu mến Hội An. Địa phương, tỉnh và ngành văn hóa luôn cầu thị, tiếp thu để làm tốt hơn công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Đơn vị trùng tu Chùa Cầu báo cáo kết quả dự án
Tại lễ khánh thành dự án trùng tu Chùa Cầu, ông Phạm Phú Ngọc - giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - thay mặt đơn vị trùng tu báo cáo kết quả dự án.
Theo ông Ngọc, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng kinh phí phê duyệt là 20,2 tỉ đồng. Riêng giá trị xây lắp đơn vị trúng thầu 13,3 tỉ đồng từ nguồn 50% ngân sách tỉnh Quảng Nam và 50% ngân sách Hội An.
Tới ngày 3-8, hầu hết các nội dung về quy mô đầu tư, hạng mục công việc đều hoàn thành cơ bản theo đúng thiết kế được duyệt.
Quá trình làm cũng có một số điều chỉnh như giảm chiều dày lớp bê tông gia cố chân móng mố, trụ cầu; bổ sung phục hồi các đà dầm gỗ kết nối từ phần chùa ra phần cầu theo dấu vết kiến trúc được phát lộ; điều chỉnh khối lượng thay thế, gia cố, tận dụng các bộ phận, cấu kiện…
Ông Ngọc nói tới nay có thể khẳng định hình dáng kiến trúc, cấu trúc kết cấu Chùa Cầu từ tổng thể đến chi tiết được bảo tồn gần như nguyên vẹn.
60% gỗ cũ từ Chùa Cầu được giữ lại
Theo báo cáo trùng tu, Chùa Cầu sau khi tu bổ được bảo tồn tối đa các giá trị nguyên gốc. Có gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa trên mái, 35% số con giống được tái định vị sau khi tu bổ.
Di tích Chùa Cầu đã khắc phục gần như triệt để các khiếm khuyết, gia cường chắc chắn đảm bảo sự ổn định, bền vững để tiếp tục trường tồn cùng di sản văn hóa Hội An.
Bên cạnh bảo tồn và giữ gìn giá trị di tích, dự án cũng đã thực hiện đồng bộ đầu tư nâng cấp hạ tầng cảnh quan, môi trường xung quanh.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn và phục vụ phát huy hiệu quả lâu dài giá trị di tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận