11/06/2011 22:00 GMT+7

Khánh thành bia tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TTO - Ngày 11-6, nhân lễ giỗ lần thứ ba của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tỉnh An Giang long trọng tổ chức khánh thành bia tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bia được xây dựng tại đầu ngả ba kinh T5 (kinh Võ Văn Kiệt) và kinh Vĩnh Tế thuộc xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn.

KkM7KE8w.jpgPhóng to
Ảnh: Đức Vịnh

Tham gia buổi lễ ngoài lãnh đạo tỉnh An Giang, các cấp chính quyền và đông đảo người dân địa phương còn có hàng trăm người từng làm việc với cố Thủ tướng, nhiều cán bộ cách mạng lão thành…

Tại đây vào ngày 25-7-1996, trong quá trình nghiên cứu tìm giải pháp chống ngập lụt và phát triển nông nghiệp nông thôn cho vùng đầu nguồn ĐBSCL, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến khảo sát rồi quyết định cho đào kinh T5 cùng hệ thống thủy lợi đưa lũ thoát ra biển Tây nhằm tháo chua rửa phèn, cải tạo đất, đồng thời cho triển khai chương trình tuyến cụm dân cư vượt lũ để bố trí ổn định nơi ở cho dân.

Từ đó 500 ngàn ha đất hoang hóa vùng tứ giác Long Xuyên (thuộc ba tỉnh An Giang, Kiên Giang và một phần thuộc Cần Thơ) được khai phá và trở thành vựa lúa trọng điểm canh tác ba vụ mỗi năm, kinh tế xã hội ngày càng phát triển toàn diện.

Kinh T5 được khởi công ngày 22-4-1997 và hoàn thành sau hơn 220 ngày thi công, tổng chiều dài 36.7km nằm trên địa phận An Giang và Kiên Giang với tổng mức đầu tư hơn 97 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành người dân gọi kinh T5 là kinh ông Kiệt. Vào 7/2009 HĐND tỉnh An Giang chính thức quyết định đặt tên kinh Võ Văn Kiệt

Bia nằm trong phần tượng đài được xây dựng trên khu vực quy hoạch làm công viên văn hóa Võ Văn Kiệt với diện tích 4.628m2 có các hạng mục như phần tượng đài, sân lễ, đường đi, thềm, nơi trồng hoa viên, cây xanh…

Phần tượng đài do họa sĩ Dương Đình Chiến, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang phác thảo thiết kế. Toàn bộ công trình do tỉnh An Giang đầu tư với tổng kinh phí 4,72 tỉ đồng.

Bia có dòng chữ: Người nhớ đất để sống. Đất nhớ Người có tên. Người nhớ Người dẫn lối. Uống nước nhớ nguồn là đạo lý ngàn đời của ông cha ta… Ông đã ghi dấu ấn trên đồng đất miến Tây Nam bộ. Người dân gọi đó là dấu ấn Võ Văn Kiệt. Kinh Võ Văn Kiệt nối tiếp kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên