Khánh thành bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hi sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Huỳnh Thanh Nhân, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố cho biết vị trí xây dựng và phương án thiết kế bia tưởng niệm được các cơ quan cấp trung ương và TP thống nhất.
Theo đó, bia tưởng niệm được đặt tại nơi diễn ra cuộc chiến đấu của 15 chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định đã tấn công vào Dinh Độc Lập trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. HIện tại đây là vị trí cổng sau Hội trường Thống Nhất (số 108 Nguyễn Du, quận 1).
Bia tưởng niệm có hình tượng cờ Tổ quốc tượng trưng cho sức mạnh đoàn kết của dân tộc. Hình tượng đốt tre thể hiện nét đặc trưng trong kiến trúc của Dinh Độc lập.
Kích thước bia có chiều cao 4,5m, gồm 3 bục, chất liệu bằng đá granite có khắc chữ, lư hương bằng đá granite.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định sự kiện khánh thành bia tưởng niệm thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Ảnh: TỰ TRUNG
Bia tưởng niệm được thiết kế với phương châm: trang nghiêm, vững chãi, dân tộc, hiện đại, phù hợp với các công trình trong khu vực, đồng thời thể hiện tư tưởng "Những người đã khuất nhưng còn sống mãi trong lòng mọi người. Họ hi sinh để dân tộc Việt Nam hồi sinh, phát triển, đi lên".
Tham dự lễ khánh thành, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định sự kiện khánh thành bia tưởng niệm không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với chiến sĩ biệt động Sài Gòn, lực lượng vũ trang TP mà còn là sự lan tỏa truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc, giúp thế hệ trẻ hôm nay không ngừng phấn đấu, xứng đáng với các thế hệ tiền nhân.
Bà Ngô Thị Huệ (ngồi giữa) phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tham dự lễ khánh thành bia tưởng niệm -Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Phong đề nghị UBND quận 1 đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp tại khu vực bia tưởng niệm, tuyên truyền để cán bộ, công nhân viên, nhân dân đến dâng hương.
Ngoài bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hi sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM đã xây dựng và khánh thành 10 di tích, 9 bia tưởng niệm chiến sĩ biệt động hi sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 trên địa bàn thành phố.
Hiện UBND TP.HCM đang chỉ đạo triển khai thi công Khu tưởng niệm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh.
Lúc 1h30 ngày 31-1-1968 (rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân), 15 chiến sĩ đội 5, biệt động Sài Gòn- Gia Định, do đồng chí Tô Hoài Thanh chỉ huy đã tấn công vào Dinh Độc Lập- cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn tại cổng dinh phía đường Nguyễn Du.
Các chiến sĩ đã diệt được lính gác nhưng trước sự chống trả quyết liệt của lính bảo vệ dinh với hỏa lực mạnh, quân ta không vào được bên trong.
Địch điều xe thiết giáp đến ứng cứu, quân ta phải rút lui. Sau hơn một ngày đêm chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, đối đầu với lực lượng đông và mạnh hơn nhiều lần về hỏa lực, phía ta có 8 chiến sĩ anh dũng hi sinh, 7 chiến sĩ sa vào tay giặc.
Ghi nhận sự anh dũng hi sinh của các chiến sĩ, đơn vị đã được tặng thưởng Huân chương quân công hạng ba và được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1969.
Lãnh đạo, cán bộ lão thành và nhân dân TP.HCM dâng hương tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hi sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Ảnh TỰ TRUNG
Cán bộ lão thành và nhân dân TP.HCM dâng hương tưởng niệm - Ảnh: TỰ TRUNG
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang trò chuyện cùng cán bộ lão thành tham dự tại lễ khánh thành bia tưởng niệm - Ảnh: TỰ TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận