Phóng to |
Áo dài ba đời của gia đình bà Tôn Nữ Thị Ninh (được thân mẫu của bà, bà và con dâu mặc trong ngày cưới) trưng bày tại Bảo tàng áo dài - Ảnh: T.T.D. |
Tại lễ khánh thành, họa sĩ Sĩ Hoàng khá xúc động khi kể lại những khó khăn trong suốt 12 năm qua và không quên nhắc lại sự giúp sức hết mình của mẹ, em trai, các cộng sự là những người thợ xây cũng như sự ủng hộ từ các cấp quản lý để anh có thể biến ước mơ của mình thành hiện thực.
"Cơ duyên đến với áo dài của tôi thật tình cờ, đó là năm 1989, khi tôi đang là giảng viên tập sự bộ môn mỹ thuật của Trường ÐH Mỹ thuật TP.HCM và được mời vẽ những chiếc áo dài đầu tiên cho cuộc thi hoa hậu áo dài do báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức. Từ đó, tôi có cơ hội tham gia giới thiệu chiếc áo dài VN đến trên 20 quốc gia trên toàn thế giới và cũng có dịp tham quan những bảo tàng nghệ thuật đẹp đẽ và đặc sắc nơi tôi từng đi qua. Trong số đó, nơi để lại ấn tượng sâu đậm nhất cho tôi là Bảo tàng kimono ở Nhật. Chính lần tham quan ở đó đã khiến tôi càng quyết tâm hoàn thành Bảo tàng áo dài này" - Sĩ Hoàng chia sẻ.
Sĩ Hoàng cũng nhấn mạnh sau khi khánh thành, bảo tàng này sẽ là "của chúng ta", là nơi dành cho những ai "thương áo dài". Bảo tàng cũng sẵn sàng đón nhận những tư liệu về áo dài, những kỷ vật áo dài của tất cả mọi người để có thể thay đổi các chủ đề trưng bày, cách thức trưng bày thật phong phú trong tương lai.
Bảo tàng áo dài tọa lạc trong khuôn viên nhà vườn Long Thuận rộng 20.000m2, theo kiến trúc nhà gỗ xưa Việt Nam với hệ sinh thái sạch và xanh vùng sông nước Nam bộ. Bảo tàng trưng bày và giới thiệu một câu chuyện đẹp về áo dài từ lúc hình thành đến nay. Hiện tại có hơn 60 chiếc áo dài đặc sắc, nổi tiếng cùng những câu chuyện về nó được trưng bày ở bảo tàng như áo dài của vua và hoàng tộc họ Nguyễn, của nhà quân sự Nguyễn Thị Ðịnh, nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình, Tôn Nữ Thị Ninh, nhà tâm lý Lý Thị Mai, nhà thiết kế Minh Hạnh, ca sĩ Cẩm Vân, diễn viên Trà Giang, Kiều Chinh, nghệ sĩ Bảy Nam, Kim Cương, Bạch Tuyết... cùng những chiếc áo dài đời thường qua các thời kỳ, thập niên khác nhau.
Bảo tàng cũng là nơi triển lãm những tác phẩm của các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, văn học, thơ, phim, ảnh, hội họa, điêu khắc, thời trang, gốm, thủ công mỹ nghệ... với cảm xúc sáng tạo từ áo dài. Khách tham quan sẽ có một trải nghiệm độc đáo khi tham quan quy trình thiết kế, cắt, may, vẽ, thêu áo dài "haute couture" (áo dài cao cấp) được thực hiện rất tinh xảo và hoàn toàn làm bằng tay.
Q.N.
Tại buổi lễ, bà Kim Anh - đại diện Sở VH-TT&DL TP.HCM - đã gửi lời chúc mừng đến họa sĩ Sĩ Hoàng cùng những cộng sự của anh. Bà Kim Anh cho biết Bảo tàng áo dài ra đời nâng tổng số bảo tàng tại TP.HCM lên 12 bảo tàng, trong đó có hai bảo tàng tư nhân. Khách tham quan có thể đến bằng phương tiện cá nhân hoặc phương tiện công cộng (tuyến xe buýt 88 từ chợ Bến Thành). Bảo tàng mở cửa từ 8g-17g mỗi ngày (riêng dịp Tết Giáp Ngọ 2014 sẽ nghỉ mồng 1). Giá vé tham quan 100.000 đồng, học sinh - sinh viên 30.000 đồng, miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi và người trên 70 tuổi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận