21/12/2021 09:05 GMT+7

Khánh Phương và ước mơ trở thành cô giáo dạy văn

MINH CHIẾN
MINH CHIẾN

TTO - Không biết mặt ba từ khi mới sinh, mẹ lại bị khuyết tật ở chân, hằng ngày cô sinh viên Ngô Khánh Phương (TP Nha Trang, Khánh Hòa) phải tất bật làm thêm ở shop quần áo, phục vụ quán cơm… phụ giúp gia đình.

Khánh Phương và ước mơ trở thành cô giáo dạy văn - Ảnh 1.

Phương đẩy xe lăn giúp mẹ - Ảnh: MINH CHIẾN

Nằm gần cuối đường Đô Lương, căn nhà trọ chưa đầy 20m2 của mẹ con Phương lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng.

"Tôi không muốn con bé cũng khổ như tôi"

Cẩn thận ủi từng chiếc áo xếp vào bao, Phương tâm sự một mình mẹ chăm sóc em từ khi còn bé đến bây giờ. Cơ thể vốn ốm yếu nên Phương rất hay bị bệnh, có những đêm em lên cơn sốt, mẹ em lại lái chiếc xe lăn chạy đôn chạy đáo đi mua thuốc, rồi thức cả đêm để lo cho con gái.

Phương kể từ cấp II đến cấp III em luôn tận dụng mọi thời gian để đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống, có những hôm 23h khuya mới về tới nhà. Mấy tháng nay do dịch nên em không đi làm thêm được, chỉ ở nhà phụ mẹ may vá đồ.

"Biết nhà em khó khăn, dịch không làm gì được nên chủ nhà cho nợ tiền hơn ba tháng nay. Nhà em thuộc diện hộ nghèo nên hằng tháng nhận được 500.000 đồng, mấy cô chú hàng xóm cũng thương tình cho rau củ với mấy gói mì, hai mẹ con rau cháo cũng ăn qua ngày" - Phương tâm sự.

Loay hoay với chiếc bếp dầu hỏa gần nửa tiếng chưa xong, chị Ngô Thị Thanh Lý (53 tuổi, mẹ Phương) cho biết chiếc bếp cũ này chị dùng đã gần 10 năm nên mồi lửa rất khó cháy. Bữa tối của hai mẹ con chỉ là một nồi cháo trắng với hành, chị Lý nói: "Nhà chị ăn vậy quen rồi, miễn có cái lót dạ là được".

Nhìn cô con gái, chị Lý kể lúc nhỏ chị bị sốt bại liệt nên hai chân teo nhỏ, sinh hoạt rất khó khăn nhưng tập dần rồi quen. Chị rất thích đi học nhưng vì điều kiện không cho phép nên chị đành ở nhà tự học, lớn hơn một chút thì tự mày mò nghề may vá. Nhưng nay người ta đều mua đồ may sẵn, nên những đơn hàng của chị rất ít. Công may đồ rất thấp chỉ 100.000 đồng/bộ, tiền sửa đồ chỉ 10.000 đồng.

"Phương đến với tôi như một món quà, có nó tôi không cảm thấy cô đơn nữa. Hai mẹ con cứ vậy mà sống với nhau. Lúc sinh Phương ra cơ thể lành lặn tôi mừng lắm, nhà có nghèo thiệt nhưng tôi cũng ráng lo cho nó vì tôi biết chỉ có học mới thoát nghèo. Đời tôi đã khổ, tôi không muốn con bé cũng khổ như tôi" - chị Lý tâm sự.

Chậm 1 năm để kiếm tiền vào ĐH

Ý thức về hoàn cảnh của mình, từ năm lớp 1 đến khi hết cấp II Phương đều là học sinh giỏi và nằm trong đội tuyển học sinh giỏi ngữ văn của trường. Tuy nhiên, khi lên cấp III việc thay đổi môi trường, mối quan hệ bạn bè đã khiến Phương sa sút trong học tập, từng có ý định nghỉ học. Nhưng nhờ sự động viên của thầy cô và mẹ, Phương đã lấy lại "phong độ", kết quả em đã vươn lên học sinh giỏi năm lớp 12.

Sau đó Phương trúng tuyển vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, vì nỗi lo cơm áo gạo tiền, vì mẹ, Phương đành tạm gác lại giấc mơ vào ngôi trường mà mình hằng mơ ước.

"Lúc đó em rất phân vân, nửa muốn đi nửa muốn không. Nếu em đi rồi, ai sẽ là người chăm sóc cho mẹ, chưa kể tiền trọ, tiền ăn ở, nhà còn không đủ, mẹ lấy tiền đâu để lo cho em. Nên cuối cùng em chọn học Trường ĐH Khánh Hòa để vừa ít học phí, đỡ tốn tiền cho mẹ" - Phương nói, rơm rớm nước mắt.

Nhưng sau một thời gian học cảm thấy không phù hợp, Phương đã ngưng việc học tại ĐH Khánh Hòa, chấp nhận chậm một năm để làm lại từ đầu. Phương dành toàn bộ thời gian để ôn thi lại. Sáng đi làm thêm, số tiền kiếm được một nửa Phương gửi mẹ, một nửa cất lại để dành khi nhập học, tối về nhà ôn bài. Cuối cùng công sức của Phương bỏ ra đã được đền đáp, em đã đậu vào ngành văn học, ĐH Sư phạm TP.HCM.

Phương dự định vào TP.HCM sẽ ở ký túc xá để giảm tiền sinh hoạt, rồi tranh thủ kiếm việc làm thêm, ráng học thật tốt để giành được các suất học bổng.

"Bằng đôi chân của mình em sẽ tự đi đến giảng đường ĐH, thực hiện ước mơ làm cô giáo dạy văn của em, thực hiện luôn cả ước mơ đi học của mẹ nữa. Sau khi ra trường em muốn mở một lớp dạy miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh giống như em, thuê một căn nhà khác đầy đủ hơn để lo cho mẹ" - Phương chia sẻ.

Trao 77 suất học bổng ở Ninh Thuận, Khánh Hòa và Bình Định

Theo ban tổ chức chương trình "Tiếp sức đến trường", dự kiến ngày 21-12 tại TP Nha Trang, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng tỉnh đoàn và sở giáo dục - đào tạo các tỉnh: Ninh Thuận, Khánh Hòa và Bình Định tổ chức lễ tuyên dương và trao học bổng dành cho 77 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của ba tỉnh nói trên.

Trong đó, Khánh Hòa 35 em sinh viên nhận học bổng, Ninh Thuận 21 em và Bình Định 21 em. Mỗi suất học bổng có trị giá 10 triệu đồng và suất đặc biệt là 15 triệu đồng tiền mặt. Tổng kinh phí cho chương trình hơn 770 triệu đồng.

Vào đại học bằng gói xôi chia đôi Vào đại học bằng gói xôi chia đôi

TTO - "Dù biết Lành nghị lực, nhưng trong hoàn cảnh mẹ mất, bố ốm đau liên miên thì tôi lo cho em ấy quá...", dòng tin nhắn của một cô giáo dạy văn ở tỉnh Tây Ninh gửi lúc 22h đêm khiến chúng tôi trăn trở.

MINH CHIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên