Hơn 300.000 học sinh ở Khánh Hòa sẽ được nghỉ học trong hai ngày 10 và 11-11 - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Theo đó, từ tối 5-11 vùng áp thấp nhiệt đới trên biển đông đã mạnh lên thành bão số 6, có tên quốc tế là Nakri.
Dự báo đến 4h ngày 10-11, bão sẽ đổ bộ vào khu vực cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa 260km về phía tây bắc. Cơn bão được sẽ có diễn biến phức tạp, UBND tỉnh yêu cầu các sở ban ngành, cơ quan đơn vị khẩn trưởng thực hiện các biện pháp phòng chống bão.
Sở GD & ĐT, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học và các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh được yêu cầu cho học sinh nghỉ học trong các ngày 10 và 11-11, có kế hoạch bố trí thời gian học bù thích hợp sau bão.
Bà Hoàng Thị Lý, phó giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã thông tin đến hơn 500 trường học trên địa bàn về kế hoạch nghỉ tránh bão. Khoảng 280.000 học sinh sẽ được sắp xếp để có kể hoạch học bù trong thời gian tới để tránh chậm trương trình học.
Cùng ngày, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị đài canh hướng dẫn các tàu cá hoạt động trên các vùng biển nắm được thông tin về bão và có kế hoạch chủ động phòng tránh an toàn.
Trong quá trình liên lạc, tàu cá số hiệu KH 98177-TS đang hoạt động tại khu vực biển Trường Sa bị mất liên lạc. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với chủ phương tiện và các cơ quan liên quan tập trung liên lạc liên tục trong 24 giờ qua.
Đến 9 giờ 30 ngày 8-11, theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, lực lượng chức năng đã liên lạc được với tàu cá KH 98177-TS đang trên đường về tránh trú tại khu vực Cam Ranh.
Các phương tiện giao thông trong đó có phương tiện chuyên chở du khách không được hoạt động từ 12h ngày 10-11. - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Ngày 8-11, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra công điện khẩn yêu cầu các tàu đánh bắt thủy sản, tàu du lịch và các phương tiện đường thủy không được ra khơi kể từ 12h ngày 10-11. Cáp treo Vinperland cũng phải ngưng hoạt động từ 18h chiều cùng ngày.
Đối với các ngư dân, các hộ nội trồng thủy sản trên các lồng bè trên biển, bắt buộc phải trở vào bờ trước 15h ngày 10-11. Hiện các địa phương có nhiều lồng bè, phương tiện giao thông thủy đã nhận được công điện và tích cực triển khai di dời người và tài sản tránh bão.
Ông Võ Lục Phẩm, phó chủ tịch huyện Vạn Ninh, cho biết đến trước 8h ngày 10-11, toàn bộ các phương tiện, lồng bè phải di chuyển về bờ. 10h cùng ngày, toàn bộ người dân trên các bè cũng phải vào bờ an toàn. Trường hợp không chịu thực hiện địa phương sẽ buộc phải cưỡng chế.
"Hai đồn Biên phòng tại xã Vạn Thạnh và Vạn Hưng những ngày qua cũng thường xuyên tuần tra nhắc nhở, vận động người lao động trên lồng bè vào đất liền. Ngoài ra các cán bộ chiến sĩ cũng sẵn sàng làm nhiệm vụ ứng cứu người và tài sản của dân khi có tình huống xấu xảy ra", ông Phẩm nói.
Tại TP Nha Trang, ông Nguyễn Sỹ Khánh, phó chủ tịch UBND thành phố, cho biết đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra các điểm xung yếu, nơi thường xuyên xảy ra sạt lở để di dời người dân về nơi tránh trú an toàn. Tuyên truyền người dân chủ động chằng chống nhà cửa; ghe, thuyền. Kiểm tra các phương tiện như áo phao, xuồng cứu hộ để ứng cứu khi có sự cố bất ngờ.
"Các cơ quan đơn vị đang theo dõi sát sao diễn biến của bão, tuyên truyền cho người dân không được lơ là, mất cảnh giác, đảm bảo lương thực thực phẩm trong qua trình chống bão", ông Khánh cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận