27/10/2011 04:12 GMT+7

Kháng kháng sinh do "bắt chước" đơn thuốc

LAN ANH
LAN ANH

TT - Khảo sát tại Hà Nội, 88% người mua thuốc ở nội thành và 91% ở ngoại thành mua kháng sinh không có đơn, mà không biết rằng thói quen này dẫn đến việc vi khuẩn kháng kháng sinh đang lan rộng.

Tại hội thảo xây dựng kế hoạch hành động chống kháng thuốc 2011-2020 được Bộ Y tế tổ chức hôm 26-10 ở Hà Nội, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho hay một thực trạng: Qua nghiên cứu tại 19 bệnh viện ở TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội hai năm 2009-2010, có đến 74% trường hợp điều trị kháng sinh không phù hợp, phần lớn trường hợp nhiễm khuẩn sử dụng kháng sinh ngay khi chưa có kết quả phân lập vi khuẩn, kháng sinh đồ.

Bệnh gì cũng... kháng sinh

Tại cộng đồng thì phổ biến hiện tượng dùng lại đơn thuốc, bắt chước đơn thuốc hoặc... tự chữa. Bất kể con, cháu, người nhà ho, sốt, đau họng, đau chân... đều có thể mua kháng sinh về dùng, không cần biết ho đó là do nhiễm khuẩn hay ho gió do thời tiết. Một nghiên cứu công bố tại hội nghị khoa học truyền nhiễm toàn quốc tháng 9 vừa qua cho thấy 88-91% người mua kháng sinh ở nhà thuốc là không có đơn, 49,3% người mua tự yêu cầu loại thuốc, 50% do nhà thuốc hướng dẫn, mặc dù nhân viên nhà thuốc cũng không hề có nghiệp vụ về điều trị mà chỉ... nghe kể về tình trạng bệnh.

Theo ông Khuê, thực trạng kể trên đã khiến vi khuẩn kháng thuốc lan rộng ở VN, với các trường hợp mắc và tử vong do lao đa kháng thuốc. Tại các vùng có bệnh sốt rét lưu hành, xuất hiện hiện tượng kháng thuốc sốt rét thế hệ mới. Tại các bệnh viện đã xuất hiện những bệnh nhân bị kháng hầu hết các loại kháng sinh hiện có, kể cả kháng sinh thế hệ mới. Bốn loại vi khuẩn thường gặp Acinetobacter, Pseudomonas, E.coli, Klebsiella đều đa kháng kháng sinh mức độ cao, đặc biệt ở kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 3,4 khoảng 66-83%, tiếp theo là nhóm aminosid và fluoroquinolone tỉ lệ kháng xấp xỉ trên 60%.

Tương lai ra sao nếu không có kháng sinh?

Tại hội thảo, các thầy thuốc bày tỏ sự lo ngại nếu tình trạng kháng kháng sinh gia tăng, nhưng khả năng nghiên cứu sản xuất kháng sinh thế hệ mới không theo kịp sẽ dẫn đến không có thuốc chữa bệnh.

Theo trưởng khoa vi sinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM Phạm Hùng Vân, ngày càng khó tìm được phác đồ điều trị kháng sinh hiệu quả cho các bệnh nhân nhiễm khuẩn bệnh viện.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền cho hay do kiểm soát nhiễm khuẩn chưa hiệu quả, để chống nhiễm khuẩn chéo nên việc sử dụng kháng sinh ở nhiều bệnh viện rất lãng phí, có thể tiết kiệm 30-40%. TS Đoàn Phương Mai, khoa vi sinh Bệnh viện Bạch Mai, đề xuất thành lập ban quản lý kháng sinh tại các bệnh viện, có nhiệm vụ kiểm tra kê đơn, phân lập vi khuẩn, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện... nhằm phát hiện cơ chế đề kháng kháng sinh mới, định danh chính xác tác nhân gây bệnh, hướng dẫn sử dụng kháng sinh cho bác sĩ lâm sàng.

Ngày sức khỏe thế giới năm 2011, Tổ chức Y tế thế giới đã lấy khẩu hiệu “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” cho vấn đề kháng kháng sinh. Năm 2010, khi loại vi khuẩn siêu kháng thuốc xuất hiện từ Ấn Độ và lan đi nhiều nước, vấn đề kháng kháng sinh trở nên cực kỳ nguy hiểm. Nhưng ở VN vẫn chưa có vũ khí nào đáng kể để chống lại hiện tượng lạm dụng kháng sinh, cả từ phía thầy thuốc và bệnh nhân...

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên