23/01/2020 13:09 GMT+7

Khẳng định vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số của nền kinh tế

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - VNPT chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế.

Khẳng định vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số của nền kinh tế - Ảnh 1.

Với VNPT những năm tới chuyển đổi số không chỉ là mệnh lệnh, sứ mệnh mà còn quyết định số mệnh của VNPT - Tổng giám đốc Phạm Đức Long khẳng định, Ảnh: THUÝ QUỲNH

Đó là chia sẻ của ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT. Trao đổi với Tuổi trẻ Online, ông Long nhìn nhận:

Với VNPT những năm tới chuyển đổi số không chỉ là mệnh lệnh, sứ mệnh mà còn quyết định số mệnh của VNPT. Bởi, trong bối cảnh mảng viễn thông ngày càng suy thoái, cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì chuyển đổi số sẽ mở ra cơ hội sinh tồn và phát triển bằng việc cung cấp các dịch vụ số, công nghệ số mới cho các doanh nghiệp, tổ chức trong một nền kinh tế số đang ngày càng rộng mở. Trong thời đại số, làm thế nào để phát triển nhanh, đưa ra sản phẩm phù hợp thị trường là bài toán quan trọng để đưa VNPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ số thành công

Hạ tầng cho chuyển đổi số quốc gia Từ năm 2017, VNPT đã xây dựng Chiến lược VNPT4.0 trong đó định vị VNPT phải trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành Trung tâm dịch vụ Số (Digital Hub) của Châu Á vào năm 2030, trên thực tế, VNPT đã thực hiện được mục tiêu này đến đâu, thưa ông? 

Ông Phạm Đức Long: Chúng tôi xác định VNPT phải giữ vai trò chủ đạo trong cách mạng số tại Việt Nam. Nghĩa là, VNPT phải tham gia với vai trò dẫn dắt trong việc xây dựng chính quyền và nền kinh tế số tại Việt Nam, trở thành lá cờ đầu trong chuyển đổi số tại Việt Nam. Mục tiêu này đã được VNPT cụ thể hóa thành những kết quả triển khai trên thực tế. 

 Trước hết phải nói đến Trục liên thông văn bản quốc gia. Chỉ sau hơn 4 tháng, VNPT được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng, Trục liên thông văn bản quốc gia đã hoàn thành đi vào hoạt động. Đến cuối tháng 12-2019, Trục liên thông văn bản quốc gia đã thực hiện gửi 1 triệu văn bản, tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách,giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. 

 Trong lĩnh vực công, ngoài Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ công Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động từ tháng 12-2019 cũng sẽ tiết kiệm được hơn 4.200 tỷ đồng/năm. Hiện Chính phủ đang giao VNPT xây dựng hệ thống xác thực định danh. Bộ giải pháp Chính phủ điện tử của VNPT đã được triển khai sâu rộng tới 61/63 tỉnh thành trên cả nước. 

Hệ sinh thái CNTT chuyên ngành Y tế VNPT-HIS của VNPT đã được triển khai tại 60/63 tỉnh, thành phố. Mạng giáo dục vnEdu của VNPT cũng đã được triển khai tới hơn 12.000 trường tại 63/63 tỉnh, thành phố. 

Trong triển khai thành phố thông minh, VNPT cũng đã tiếp cận, giới thiệu, triển khai mô hình xây dựng thành phố thông minh (Smart City) cho 28 tỉnh, thành phố. Hệ thống văn bản điện tử đã được VNPT triển khai cho hơn 43 tỉnh thành,trong đó 20 tỉnh thành, Bộ ngành đã triển khai trên quy mô toàn đơn vị. 

Chúng tôi xác định: Trước khi muốn đóng vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi nền kinh tế số thì bản thân VNPT phải chuyển đổi thành một doanh nghiệp số. Vì vậy, những năm gần đây VNPT đã đưa ứng dụng các công nghệ trong hệ sinh thái số của mình để chuyển đổi số trong nội bộ VNPT, sau đó áp dụng công nghệ này vào các sản phẩm đang cung cấp cho khách hàng.

Khẳng định vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số của nền kinh tế - Ảnh 2.

Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long cho biết tập đoàn đã ứng dụng các công nghệ trong hệ sinh thái số của mình trước khi cung cấp cho khách hàng, Ảnh: THUÝ QUỲNH

Xây dựng Dải ngân hà số

Triển khai chính phủ điện tử và thành phố thông minh đến nhiều tỉnh thành khác nhau trong cả nước, vậy VNPT xây dựng platform thành phố thông minh như thế nào để có thể phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương?

Ông Phạm Đức Long: Mới đây nhất, cuối tháng 12-2019, VNPT cùng UBND tỉnh Lâm Đồng khai trương Trung tâm điều hành thông minh Thành phố Đà Lạt (IOC – Intelligent Operation Center). 

Có thể hình dung thế này: Bằng trung tâm IOC, lãnh đạo các cấp ở địa phương có thể thấy ngay hàng ngày, ở bất kỳ đâu trên địa bàn của mình bệnh viện nào quá tải, nơi nào có dịch bệnh, trường học nào có bạo lực học đường, xã nào thu ngân sách đang thiếu, mưa to ngập lụt ở khu vực nào…để ngay lập tức chỉ đạo, điều hành kịp thời. 

Đặc biệt hơn nữa, Trung tâm IOC bằng các công nghệ được áp dụng hiện nay, sẽ thực hiện phân tích dữ liệu lớn để phát ra các cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định cho lãnh đạo. Đây sẽ là một cuộc cách mạng trong Chính phủ số.

Khẳng định vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số của nền kinh tế - Ảnh 3.

Trung tâm Điều hành thống minh thành phố Đà Lạt do VNPT triển khai, Ảnh: THUÝ QUỲNH

Chính phủ điện tử và thành phố thông minh thực ra là tên của một bộ giải pháp chứ không phải một giải pháp đơn thuần. Ví dụ như để có một đô thị thực sự gọi là thông minh, sẽ phải có hệ thống giám sát thông minh, điều hành thông minh, giao thông minh… và cả các công dân số.

Do đó, ở VNPT, khi nói đến dịch vụ số, chúng tôi nói đến một khái niệm gọi là "Dải ngân hà số". Ở "dải ngân hà số" của VNPT sẽ có đầy đủ các dịch vụ số được kết nối với nhau để tạo thành một xã hội số thông minh. Trong xã hội số đó, sẽ có Chính phủ điện tử, Thành phố thông minh, Doanh nghiệp số và những Công dân số.

Với một "dải ngân hà số" như vậy, VNPT có khả năng tùy chỉnh rất linh hoạt các giải pháp của mình theo nhu cầu của từng địa phương. Tỉnh nào có nhu cầu về một thành phần nào trong bộ giải pháp Chính phủ điện tử hay Thành phố thông minh, VNPT triển khai thành phần đó. Đồng thời, nhờ việc nghiên cứu và phát triển các nền tảng như tôi đã nói ở trên, VNPT có khả năng tùy chỉnh tính năng các ứng dụng theo nhu cầu từng địa phương. Điều đó giúp VNPT có thể tháo gỡ những vướng mắc mang tính đặc trưng của mỗi tỉnh.

Năm 2020, VNPT sẽ cùng chính quyền các tỉnh xây dựng hơn 20 Trung tâm IOC trên cả nước.

Trở thành "điểm tựa" cho doanh nghiệp Việt

Nhưng không chỉ có lĩnh vực công, chuyển đổi số của nền kinh tế còn phải gắn liền với các doanh nghiệp, các ngành kinh tế, VNPT sẽ đóng vai trò như thế nào trong lộ trình chuyển đổi số có tính cạnh tranh rất cao của các doanh nghiệp, thưa ông ?

Chúng tôi đã chọn hướng tiếp cận "đồng hành cùng doanh nghiệp Việt để chuyển đổi số". VNPT đã bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp bằng phát triển nông nghiệp thông minh công nghệ cao và nông nghiệp sạch. Hiện Giải pháp Nông nghiệp thông minh (Smart Agriculture) của VNPT đang bước đầu ứng dụng tại Bắc Ninh, Đà Lạt, Phú Yên…

Khi mà 40% lực lượng lao động trên cả nước đang làm trong lĩnh vực này và đây vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn thì việc áp dụng công nghệ để có các sản phẩm nông sản sạch, với chi phí sản xuất hợp lý, tốn ít nhân công được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu nông dân Việt Nam. Đó là mong ước của tôi, của hàng chục ngàn cán bộ VNPT.

Bước đột phá mới của VNPT năm 2019 là hợp tác với OPTiM của Nhật Bản. Bằng việc sử dụng AI, IoT, Bigdata, Robotic…VNPT và OPTiM sẽ triển khai ứng dụng nông nghiệp thông minh cho cánh đồng mở, quy mô lớn, kiểm soát quá trình sản xuất nông sản từ khi gieo trồng cho đến tận tay người dùng các sản phẩm nông sản sạch.

Khẳng định vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số của nền kinh tế - Ảnh 4.

CEO Phạm Đức Long cho biết VNPT đã chọn hướng tiếp cận "đồng hành cùng doanh nghiệp Việt để chuyển đổi số", Ảnh: THUÝ QUỲNH

Một lĩnh vực khác mà VNPT đang tích cực tham gia chuyển đổi số là du lịch. VNPT đang giúp 40 tỉnh, thành phố trên cả nước xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh. Hệ sinh thái này không chỉ giúp tăng lượng du khách, doanh thu cho địa phương, giúp chính quyền quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, thương hiệu và hình ảnh du lịch của mà còn làm thay đổi cả ngành du lịch, giúp ngành kinh tế không khói phát triển ở một cấp độ cao hơn.

Ngoài chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực, VNPT tiến hành thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp, xem đây là một sứ mệnh lớn. Ở khối Tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn, VNPT thực hiện chuyển đổi số cho Tổng Công ty Xi-măng Việt Nam, Vietnam Airlines, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn cao su Việt Nam …

Đặc biệt, VNPT quan tâm đến khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), bởi vì họ vừa không có động lực vừa không có nguồn lực. Doanh nghiệp SME không có nền tảng công nghệ nhưng lại rất đa dạng, nên không thể xây dựng một giải pháp chuyển đổi số cho tất cả doanh nghiệp. Do đó, VNPT, sẽ phải dẫn dắt, đưa ra giải pháp cho từng nhóm doanh nghiệp với các Flatform phù hợp với nhu cầu, điều kiện của từng doanh nghiệp đó. Hiện VNPT đã phát triển hệ sinh thái các giải pháp để có thể giúp số hóa hoàn toàn một doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông !

Đặt mục tiêu cao trong năm 2020!

Năm 2020, VNPT phấn đấu đạt tổng doanh thu 171.300 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2019, lợi nhuận tăng trưởng 5-10%.

VNPT xác định năm 2020 là năm bản lề để VNPT phát triển, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số mới như: Trung tâm điều hành IOC thông minh, Fintech…một cách chuyên sâu, chuyên nghiệp, bài bản và hiệu quả hơn.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên