Phóng to |
Robertson trong phim Unclaimed - Ảnh cắt từ bộ phim |
Về vụ việc này, báo Tuổi Trẻ đã có bài “Cựu binh Mỹ sống 45 năm ở VN: thông tin sai lạc?” đăng ngày 28-4-2013 đưa ra những chứng cứ cho thấy nhân vật “lính Mỹ mất tích còn sống” trong bộ phim tài liệu của đạo diễn người Canada Michael Jorgensen không phải là người được tìm kiếm nhiều năm qua.
Mọi chứng cứ đã rõ ràng
"Bộ phim này hoàn toàn là một sự lừa dối. Thật xấu hổ cho những ai muốn kiếm tiền từ những người đã chết" JACK FROSTbình luận trên Yahoo! |
Nay Đại sứ quán Mỹ dẫn thông báo của Văn phòng về tù binh/quân nhân mất tích của Bộ Quốc phòng (DPMO) như sau: trung sĩ nhất John H. Robertson, một quân nhân Mỹ đã bị mất tích trong chiến tranh Việt Nam, vẫn chưa được tìm thấy.
Công tác điều tra đã được tiến hành đối với tất cả những lời trình báo và lời kể về việc trông thấy người còn sống liên quan đến Robertson và đã xác định rằng đó là những thông tin sai.
Cách đây 45 năm, vào ngày 20-5-1968, Robertson có mặt trên máy bay trực thăng H-34 của không lực Việt Nam cộng hòa và trực thăng này đã bị bắn hạ bởi hỏa lực của đối phương từ mặt đất. Chiếc trực thăng đã đâm vào một hàng cây, nổ và rơi xuống.
Các quân nhân Mỹ chứng kiến vụ việc đã báo cáo không có người sống sót. Năm 1976, sau khi xem xét lại trường hợp của Robertson, một ban rà soát quân sự đã thay đổi tình trạng của Robertson từ “mất tích trong chiến đấu” thành “được cho là đã thiệt mạng”. Với Washington, Robertson được tuyên bố là đã chết và tên đã được khắc tại đài tưởng niệm các binh lính Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam.
Năm 2004, các quan chức chính phủ Mỹ đã nhận được những báo cáo về việc trông thấy một người còn sống bao gồm cả hình ảnh và một băng video mô tả một cá nhân tự nhận là Robertson. Người này đã được các điều tra viên Mỹ thẩm vấn ngày 20-4-2006 và được xác định là công dân Việt Nam.
Năm 2009, người đàn ông này được các viên chức Mỹ thẩm vấn một lần nữa, họ đã lấy dấu vân tay và mẫu tóc để phân tích. Cục Điều tra liên bang (FBI) phân tích dấu vân tay và xác định không khớp với dấu vân tay của Robertson trong hồ sơ lưu. Phòng xét nghiệm nhận dạng ADN của lực lượng vũ trang Mỹ (AFDIL) cũng đã xét nghiệm ADN lấy từ mẫu tóc đối chiếu mẫu của gia đình lấy từ người em trai và một trong những chị em gái của Robertson và nhận thấy hai bên không khớp nhau.
Lừa đảo lấy tiền
Tờ Daily Mail của Anh ngày 1-5 cũng có bài viết khẳng định nhân vật tự xưng Robertson là kẻ chuyên lừa đảo. Tờ báo dẫn lời một loạt cựu binh Mỹ từng theo dõi vấn đề tù binh mất tích nói nhân vật này đã lừa lấy hàng chục ngàn USD từ cộng đồng lính Mỹ. CIA từng xét nghiệm ADN bí mật đối với nhân vật này cách đây hơn 20 năm và xác định đây là nhân vật giả mạo.
Báo này cũng dẫn lời cựu lính đặc nhiệm Don Bendell cho biết nhiều khả năng nhân vật này là một người Việt gốc Pháp, người từng lừa đảo nhiều cựu binh đi tìm đồng đội mất tích kể từ năm 1991. Ông Bendell, tham gia lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Việt Nam từ năm 1968-1969, đã trực tiếp gửi email cho Liên hoan phim Hot Docs ở Toronto (Canada), nơi vừa trình chiếu phim Unclaimed, để khẳng định: “Người đàn ông trong bộ phim tài liệu tự xưng là John Hartley Robertson là một nhân vật từ Pháp, một kẻ giả mạo, từng lừa tiền của những cựu binh và nhiều người muốn cứu các tù nhân chiến tranh (POW)”.
Báo này còn cho biết các cựu thành viên trong lực lượng đặc nhiệm của Mỹ rất tức giận với việc có kẻ giả dạng làm Robertson. Đại úy Robert Noe, chủ trang web MACVSOG của nhóm thuộc bộ chỉ huy trợ giúp quân sự Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, nói: “Một điều khiến tôi chú ý là làm sao hắn có thể quên được tiếng Anh. Robertson là lính đặc nhiệm, điều đó có nghĩa anh ta phải có khả năng ngôn ngữ rất đặc biệt và anh ta là trung sĩ nhất khi 30 tuổi”. “Không ai quên tiếng mẹ đẻ sau thời gian như vậy. Những lập luận kiểu vậy là vớ vẩn” - ông Noe kết luận.
* Derek Suominen bình luận trên trang Facebook Fanpage của phim Unclaimed: “Đôi khi tham vọng khiến người ta không nhìn thấy sự thật” Không ai chất vấn ý định của ông Tom Faunce (cựu binh đã dẫn đường cho đạo diễn Jorgensen gặp “Robertson”), nhưng đôi khi tham vọng khiến người ta không nhìn thấy được sự thật. Đây không phải là một trò bịp mới mẻ. Ông ấy đã tự xưng là John Hartley Robertson từ những năm đầu thập niên 1980 và dường như tất cả mọi người, ngoại trừ Faunce và các nhà làm phim, đều biết được sự thật này. * Stephen Kaylor bình luận trên YouTube: “Có thể là một bộ phim hư cấu, nhưng...” Với tôi, nhân vật (John Hartley Robertson) thật hay giả không quan trọng. Nó có thể là một bộ phim Hollywood hư cấu. Có nhiều người mất người thân trong cuộc chiến Việt Nam và vẫn bám víu vào những tia hi vọng mong manh rằng người thân của mình đang còn sống. Nếu bộ phim này giúp tìm quân nhân mất tích cho những người đang mỏi mòn đợi chờ thì nó đã hoàn thành mục tiêu. Như bạn biết Titanic là một bộ phim tình cảm hư cấu nhưng chạm đến trái tim của chúng ta. Bởi vậy tôi rất muốn xem bộ phim này. QUỲNH TRUNGghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận