Chưa được chính thức kinh doanh tại Việt Nam, nhưng thuốc lá thế hệ mới vẫn bị bày bán tràn lan trên mạng - Ảnh: H.D
Các chuyên gia nhận định đây là giải pháp mạnh góp phần đẩy lui tình trạng mua bán trái phép các loại thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN) vốn đang ngày càng gia tăng.
Mua bán nhộn nhịp dù chưa được phép
Theo các báo cáo đã được công bố, chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, các lực lượng chức năng trên cả nước đã bắt giữ hơn 8.300 vụ, tịch thu hơn 8 triệu gói thuốc lá nhập lậu các loại. Riêng thuốc lá thế hệ mới (TLTHM), nếu trong năm 2019 chỉ có lác đác vài vụ ở Huế, ở Đà Nẵng và Hà Nội thì năm 2020, các vụ thu giữ đã mở rộng địa bàn thêm ở Nghệ An, Gia Lai, TP.HCM.
Riêng tại Hà Nội, năm 2019 chỉ có 6 vụ và thu giữ gần 1.000 các sản phẩm liên quan đến TLTHM, còn đến hết tháng 9 năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài ít nhất 4-5 tháng, lực lượng QLTT Hà Nội cũng đã xử phạt 6 vụ liên quan, thu giữ hàng nghìn các sản phẩm. Đáng kể, Hải quan TP.HCM thu giữ 4 kiện hàng hóa nghi là TLTHM, với tổng giá trị hàng hóa thu giữ được khoảng 1 tỷ đồng.
Ghi nhận của các chuyên gia từ Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội biên phòng, các sản phẩm TLTHM được nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu là hàng Trung Quốc vì giá rẻ. Sản phẩm trôi nổi không nguồn gốc xuất xứ đồng nghĩa với việc chất lượng sản phẩm sẽ không đảm bảo và ảnh hưởng tới sức khoẻ nói riêng và quyền lợi của người tiêu dùng nói chung là điều tất yếu.
Mới đây, Thủ tướng đã ban hành Nghị định số 98/2020 có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Nghị định này, dù chỉ buôn bán 1 bao thuốc lá điếu nhập lậu, người bán đã có khả năng bị xử phạt tới 3 triệu đồng. Trường hợp tái phạm các hành vi trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, điều đáng nói là các văn bản này không quy định cụ thể về xử lý đối với các loại thuốc lá thế hệ mới. Việc thiếu quy định cụ thể đã khiến các cơ quan chức năng lúng túng trong việc xử lý các trường hợp vi phạm.
Tại toạ đàm về khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới được tổ chức tại Hà Nội giữa tháng 11, ông Nguyễn Kỳ Minh, phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), nhận định: "Khung pháp lý để quản lý và quy định các chế tài xử lý sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là thực sự cần thiết để chúng tôi không lúng túng trong việc thu giữ và xử lý các sản phẩm nhập lậu này".
Thuốc lá thế hệ mới: Có thể áp dụng theo luật hiện hành hay không?
Tại Việt Nam, theo định nghĩa của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012, hiện chưa có quy định chính xác cho từng loại thuốc lá thế hệ mới gồm có TLLN (thuốc lá nung nóng) và TLĐT. Tuy nhiên, theo định nghĩa của Luật phòng chống tác hại thuốc lá thì TLLN do có thành phần nguyên liệu từ cây thuốc lá nên về mặt logic cần được xem là một "dạng thuốc lá khác". Còn TLĐT không cấu thành từ nguyên liệu thuốc lá, nên có được quản lý theo luật định này hay không thì cần được xem xét thêm.
TLĐT, TLLN, mặc dù được gọi tên là "thuốc lá", nhưng bản chất hoàn toàn khác nhau. Các chuyên gia cho rằng việc hiểu đúng cách vận hành của sản phẩm này và phân biệt rõ sự khác nhau của từng loại để xác định cơ chế pháp lý là điều cần thiết.
Theo đó, TLĐT có hai dạng đóng và mở. Trong hệ thống mở người dùng có thể bổ sung các hợp chất theo ý muốn, còn với hệ thống đóng người dùng chỉ có thể dùng theo chỉ định của nhà sản xuất.
Trong khi đó, TLLN được chế biến từ nguyên liệu thuốc lá, khi sử dụng thì thải ra phần lớn hơi nước, lượng nicotin phát thải bằng hoặc thấp hơn, đồng thời giảm hầu hết hàm lượng chất phát thải khác so với thuốc lá điếu.
TLLN sử dụng thiết bị để làm nóng thuốc lá mà không diễn ra quá trình đốt cháy. Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) phân loại sản phẩm TLLN theo mã HS.2403.99 (sản phẩm thuốc lá khác). Còn tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định TLLN là sản phẩm thuốc lá nên chịu sự điều chỉnh của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC).
Các chuyên gia cho biết hiện nay tại Nhật Bản, TLĐT có chứa nicotin được Bộ Y tế quy định và được xem như một loại dược phẩm. Trong khi đó, TLLN được nhận định là một sản phẩm thuốc lá vì các thành phần của chúng được làm từ nguyên liệu thuốc lá và được Bộ Tài chính kiểm soát.
Đáng chú ý, mặc dù TLLN đã được bổ sung vào trong quy định trong Đạo luật Kinh doanh Thuốc lá ra đời năm 1984, nhưng khung pháp lý quy định danh mục sản phẩm này được "ưu ái" khác xa với khung pháp lý quy định dành cho thuốc lá điếu đốt cháy, bao gồm cả về việc áp thuế, cảnh báo sức khỏe và hạn chế sử dụng.
Những thay đổi này của Nhật nhằm mục đích khuyến khích người hút thuốc lá chuyển đổi sang các sản phẩm thay thế giảm thiểu tác hại.
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, Bộ Khoa học và công nghệ đang nghiên cứu, xem xét xây dựng khái niệm và các tiêu chí kỹ thuật đối với các sản phẩm TLTHM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận