06/11/2018 11:13 GMT+7

Khán phòng chết lặng với đoạn phim ngắn đáng sợ của tuổi 15-21

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - X. sử dụng cần sa từ năm lớp 7 qua lời rủ rê của bạn bè. Cậu là một trong nhiều bạn trẻ tự chữa tâm lý bất ổn của mình bằng chất kích thích.

Khán phòng chết lặng với đoạn phim ngắn đáng sợ của tuổi 15-21 - Ảnh 1.

Các bạn trẻ sử dụng ma túy đá bị lực lượng công an bắt quả tang tại một quán bar ở TP.HCM - Ảnh: CTV

Cộng đồng cần dang rộng vòng tay, cho người nghiện có cơ hội “sống chung” để họ có thể hòa nhập

BS Nguyễn Song Chí Trung

Trong một nghiên cứu mới đây trên gần 600 thanh thiếu niên có sử dụng ma túy độ tuổi 16-24 tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM cho thấy các vấn đề rối loạn tâm thần có thể xuất hiện trước (là nguyên nhân) hoặc xuất hiện sau (là hệ quả) việc sử dụng - lạm dụng ma túy.

Lạc lối

Đoạn phim dài gần 5 phút ghi lại những trải lòng của các bạn trẻ tuổi đời từ 15 - 21 khiến cả khán phòng lặng đi. Lõi đời, ngây thơ, hối hận, trách móc... là tâm trạng của các cậu bé lạc lối trong vòng xoáy ma túy.

Tâm sự về con đường tìm đến các chất kích thích của giới trẻ - Nguồn: Trung tâm SCDI

Đoạn phim được Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) trình chiếu tại hội thảo "Sức khỏe tâm thần và sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên - thấu hiểu và hỗ trợ" mới đây, như góp thêm một hồi chuông báo động về sức khỏe tâm lý, tâm thần trong giới trẻ.

Trong đoạn phim được SCDI trình chiếu có bạn tiết lộ bí mật sử dụng cần sa từ năm lớp 7, qua lời rủ rê của bạn bè và chỉ đơn giản nghĩ rằng không gây nghiện. Cậu ta bảo rằng thường sử dụng ma túy vào các dịp cuối tuần, sinh nhật hoặc chỉ đơn giản là lúc "em hứng chơi hay có tâm lý buồn chán chuyện tình cảm hoặc gia đình". 

"Nó giúp em bớt căng thẳng, ăn được ngủ được, đầu óc hưng phấn thoải mái không còn phải lo nghĩ gì cả"- đây chỉ là một trong muôn vàn lý do giới trẻ đưa ra khi sử dụng chất kích thích.

Bà Nguyễn Thùy Linh - quản lý chương trình trẻ em và thanh niên (SCDI) - đưa ra một khảo sát online với khoảng 231 người độ tuổi từ 15-24. 

Trước câu hỏi "Bạn từng sử dụng các loại chất kích thích, chất gây nghiện?", điều khá bất ngờ là có đến 71% cho biết từng sử dụng chất kích thích và chỉ có 19% chưa từng sử dụng. 

Trong 22 loại chất kích thích được đưa ra, các bạn trẻ sử dụng nhiều nhất là rượu, bóng cười, cần sa, cỏ Mỹ, đá, thuốc lắc.

Ở câu hỏi "Vì sao lại sử dụng các chất kích thích?", bà Linh cho biết có các lý do khá phổ biến như thích cảm giác lạ, giảm căng thẳng, áp lực từ bạn bè, thoát khỏi nỗi buồn tủi thân, khẳng định bản thân...

3 triệu thanh thiếu niên có vấn đề về tâm lý

Theo SCDI, hiện nay nước ta có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên có các vấn đề về tâm lý, tâm thần nhưng chỉ khoảng 20% số này được hỗ trợ y tế, điều trị cần thiết. Số còn lại lạm dụng rượu, thuốc lá, ma túy... chữa trị các vấn đề về tâm lý, tâm thần rồi lệ thuộc, nghiện lúc nào không hay biết.

Nguy hại là vậy, thế nhưng nhận thức của một bộ phận giới trẻ còn rất thấp, xem đó là "chuyện bình thường", không thể gây nghiện. Đặc biệt, có trường hợp còn trồng cả cần sa trong nhà để sử dụng thay cho thuốc lá. 

Một số thanh thiếu niên khác nhận thức được nguy hại nhưng lại bị "kéo" vào vòng xoáy ma túy bởi tác động tiêu cực từ gia đình, xã hội.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc sử dụng rượu và ma túy gây hại trong thanh thiếu niên là vấn đề nổi cộm tại nhiều quốc gia, có thể dẫn đến các hành vi nguy cơ như quan hệ tình dục bừa bãi, điều khiển phương tiện giao thông không an toàn.

Tại nước ta, theo báo cáo mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), có 12% thanh thiếu niên độ tuổi từ 14 - 18 mắc các rối loạn tâm thần. Phổ biến là trầm cảm, rối loạn lo âu, cô đơn và tăng động giảm chú ý.

SCDI cho rằng việc điều trị rối loạn tâm thần và điều trị nghiện không giống nhau. Tuy nhiên nếu chỉ điều trị một trong hai thì kết quả hồi phục sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc điều trị cả hai cùng một lúc.

Cô lập và trừng phạt không là giải pháp

ma túy

Tang vật ma túy đá, thuốc lắc - Ảnh: CTV

ThS.BS Nguyễn Song Chí Trung - Trung tâm chuyển giao công nghệ điều trị nghiện và HIV (VHATTC) ĐH Y dược TP.HCM - cho rằng hiện nay còn rất nhiều khoảng trống về vấn đề sức khỏe tâm thần.

"Cô lập và trừng phạt không là giải pháp" - BS Chí Trung nói. Theo đánh giá của các chuyên gia, kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng có tác động một cách tiêu cực đến quá trình điều trị và phục hồi của người sử dụng ma túy, đặc biệt thanh thiếu niên.

Theo đó, có đến 60% tự kỳ thị và căm ghét bản thân dựa trên phản ứng của mọi người xung quanh, 40% thường cảm thấy cô đơn, có ý định tự tử. Kỳ thị và phân biệt đối xử là một rào cản nghiêm trọng hạn chế việc chia sẻ, tìm kiếm sự trợ giúp và tiếp cận hỗ trợ của các thanh thiếu niên sử dụng ma túy, khi có đến gần 66% lo sợ phản ứng của mọi người nếu biết mình bị nghiện và gần 54% giấu tình trạng sử dụng ma túy.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên