Phóng to |
Hướng dẫn viên du lịch (bìa trái) đón đoàn khách du lịch Nhật tại sân bay Tân Sơn Nhất - TP.HCM |
Thiếu kiến thức, yếu kỹ năng
Mới đây, trong chuyến du lịch miền Tây, đoàn chúng tôi được cô HDV tên Thu dẫn đi tham quan làng nghề truyền thống và chợ nổi Cái Bè. Sau những lời chào thân thiện, du khách được đưa lên thuyền tham quan cảnh sông nước. Thu giới thiệu cho chúng tôi những đặc tính cũng như phong tục, tập quán của người miền Tây Nam Bộ.
Đến khúc sông gần chợ nổi Cái Bè, vẫn giọng điệu nhẹ nhàng, cô giới thiệu về chợ như một đặc trưng của người dân nơi đây. Chỉ tay vào những cây sào treo các loại củ, quả được cắm đứng trên các mũi ghe, cô cho biết: Ở đây, khi muốn bán sản phẩm gì thì chủ ghe chỉ cần treo trước ghe sản phẩm ấy. Khi cô vừa dứt lời tôi liền hỏi: “Thế khi người ta treo tấm lá lợp nhà trước ghe thì họ bán gì?”. Lập tức cô im lặng và lảng sang chuyện khác.
Theo bà Võ Thị Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, điều kiện để thực hiện tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch của nước ta cũng như đầu tư đào tạo nguồn nhân lực còn có khoảng cách khá xa so với các nước trên thế giới. Đây là vấn đề sống còn của ngành. Những năm gần đây, khi ngành phát triển nhanh thì chúng ta lại hụt hẫng nguồn nhân lực. |
Nhiều công ty du lịch cho rằng, đội ngũ HDV hiện nay chưa được đào tạo bài bản, nhiều HDV không chỉ yếu về kiến thức chuyên môn, lịch sử - văn hóa mà còn yếu kỹ năng truyền đạt kiến thức. Chính vì thế, để có được một HDV tốt, họ phải đào tạo lại từ 3-6 tháng.
Cung không đủ cầu
Hiện nay, du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy khả năng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước, giúp khôi phục những ngành nghề truyền thống, tạo nhiều việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước. Tuy nhiên, vấn đề nhân lực trong ngành vẫn còn là bài toán hết sức nan giải. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, cả nước hiện có trên 10.000 công ty lữ hành, 6.000 cơ sở lưu trú. Thế nhưng, số đơn vị đào tạo nhân lực cho ngành chỉ có 40 và hằng năm đào tạo được khoảng 10.000 người nhưng trong số này, HDV du lịch chỉ chiếm một phần.
Đào tạo không đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng, khiến các công ty du lịch lao đao trong việc tìm kiếm HDV du lịch. Không ít các công ty du lịch lớn như Lửa Việt, Vietraval, Viettour, Saigontourist... thường xuyên rơi vào tình trạng khan hiếm HDV. Do vậy, vào mùa cao điểm của du lịch, các dịp lễ, các sự kiện du lịch lớn, các công ty thường đối phó bằng biện pháp tuyển dụng thêm cộng tác viên bên ngoài.
Nhưng giữ chân nguồn HDV không chính thức này cũng không phải dễ. Bà Cao Phẩm Hằng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Dầu khí Sài Gòn, cho hay ngoài việc thưởng vào các ngày lễ, tết, công ty còn mua bảo hiểm tai nạn trong và ngoài nước cho cộng tác viên suốt 1 năm. "Phải làm thế thì mới có thể thu hút họ về với mình", bà nói.
Đào tạo chưa gắn với thực tiễn Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Lửa Việt, cho biết: Đào tạo HDV du lịch hiện nay còn bất hợp lý, chưa gắn với thực tiễn. HDV chỉ được học trên lý thuyết suông, ít được va chạm thực tế qua những chuyến đi. Thế nên, tìm một HDV có năng lực là rất khó đối với các công ty du lịch, lữ hành. Ngay tại Công ty Lửa Việt, hằng năm, công ty tiếp nhận khoảng 100 HDV vào thực tập và sau đó chỉ 5-7 người đủ điều kiện để được công ty giữ lại làm HDV chính thức. Bà Võ Thanh Hương - phụ trách hành chánh Trường TH Nghiệp vụ Du lịch và Khách sạn TP.HCM, cho hay thêm mỗi năm trường có khoảng 200 HDV tốt nghiệp trong đó hơn 90% được các công ty du lịch, lữ hành mời về làm việc. Cơ hội việc làm là rất cao, nhưng số lượng người học và cả quy mô đào tạo nguồn nhân lực này còn rất thấp so với nhu cầu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận