Bến đá Cô Tô lúc nào cũng tấp nập ghe, sà lan chen vào nhận hàng chở đi các tỉnh, thành - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, đoạn kênh 13, từ cầu Sóc Chiết đến chợ Cô Tô, thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn, An Giang, hàng loạt ghe, sà lan neo đậu hơn 2,5km chờ lấy đá từ nhiều ngày qua.
Ông S., thuộc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh đá xây dựng các loại, cho biết chưa bao giờ thấy tình trạng lấy đá khó như hiện nay. Dù hiện tại ông đã chuyển tiền tạm ứng cho Công ty Khai thác đá An Giang nhưng rất khó lấy hàng.
"Chủ mỏ nói là phải ưu tiên giao đá cho các công trình trọng điểm của tỉnh nên sắp xếp giao hàng cho các đại lý kinh doanh sau. Tuy nhiên, họ giao rất chậm, lúc giao lúc không", ông S. bức xúc nói.
Sà lan neo đậu dày đặc tại kênh 13, đoạn thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ông Kiên, chủ một đại lý bán đá có tiếng ở khu vực huyện Tri Tôn, nói: "Tôi chưa nghe nói thông tin không cho bán đá xây dựng ra ngoài tỉnh, nhưng hiện nay mua đá ở Công ty Khai thác đá An Giang khó khăn hơn trước".
Tại kênh Tám Ngàn, hàng loạt sà lan cũng neo đậu tấp nập chờ lấy đá của Công ty liên doanh Antraco.
Nói về việc này, ông Võ Tấn Đỉnh - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác và chế biến đá An Giang - xác nhận đoạn kênh 13 hiện nay đông đúc ghe, sà lan neo đậu chờ lấy đá. Nguyên nhân chính là do hai mỏ đá của Công ty Quyết Thắng và Công ty khai thác đá Cô Tô đã hết hạn nên dừng hoạt động, chờ cấp phép. Vì vậy, nhiều sà lan đã tập trung về công ty để mua đá nhưng đơn vị chỉ khai thác 3.000 - 6.000m3/ngày, rất khó cùng lúc đáp ứng cho tất cả được.
"Lãnh đạo An Giang đã yêu cầu chúng tôi phải ưu tiên nguồn đá xây dựng phục vụ các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, sau đó mới bán cho các đại lý kinh doanh khác. Do đó, chúng tôi có cung cấp đá trễ cho các đại lý vì phải đưa đá cho các công trình trước", ông Đỉnh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận