Tuy nhiên, người viết bài đã làm một thăm dò nhỏ trong phạm vi khảo sát với 100 khán giả ngẫu nhiên, kết quả là có đến 89 người xem là nữ xác nhận họ ưu ái truyền hình thực tế và đặc biệt thích “được khóc” cùng nhân vật.
Với khảo sát hẹp này, có thể thấy nhu cầu được xúc động, hay nói nôm na “được khóc” là nhu cầu có thật và truyền hình thực tế nhắm đến đối tượng - vốn bị xem là rất nhạy cảm và cả tin - là phụ nữ đã khai thác yếu tố này với những chương trình được chú trọng hết mức tìm kiếm sự xúc động, cá biệt và đẩy cảm xúc của người xem đến đỉnh điểm.
Nhưng...
Thật khó để không dùng từ “cú lừa” cho những trường hợp đã và đang diễn ra trong một số chương trình truyền hình thực tế VN thời gian qua: nhân vật Lượm trong Người xây tổ ấm, ca sĩ Anh Thúy trong Nhân tố bí ẩn và mới nhất là cặp Thanh - Ðào trong Ðiều ước thứ bảy.
Các tình tiết trong câu chuyện của từng nhân vật chính khác nhau nhưng đều có chung công thức: là một câu chuyện xúc động, tạo nên hình tượng cảm động về nghị lực vươn lên, vượt qua những cay đắng, trớ trêu của định mệnh sắp đặt.
Khán giả đã “phát cuồng” với những câu chuyện của họ, đã được “truyền cảm hứng sống tích cực” vì những tình tiết nhân văn - trong sự vươn lên của cô Lượm, vì nghị lực của cô ca sĩ có dị tật trên mặt, vì tình yêu đẹp như cổ tích của chàng trai hát hay và cô gái mù cùng đứa bé mang tên một khát vọng.
Thế rồi, sau cơn phát cuồng là sự giận dữ khi biết mình bị lừa dối, là hụt hẫng, tiếc cho những giọt nước mắt đã rơi... Và tiếc hơn cho những giấc mơ nghị lực mãi mãi là giấc mơ chứ không phải đã được có ở đâu đó trong thực tế để mình noi theo.
2 Tất cả định nghĩa về truyền hình thực tế đều nhấn mạnh yếu tố “tự nhiên”, “không sắp đặt”.
Cùng lúc với việc nhà sản xuất có tâm, có tài “cố gắng” ít can thiệp vào công tác biên tập và dàn dựng thì họ phải đối diện với áp lực tìm - cho - ra những nhân vật độc đáo có khả năng gây xúc cảm mạnh cho khán giả.
Những câu chuyện ấy càng lúc càng hiếm mà chương trình thì cứ phải đều đặn lên sóng. Áp lực phải làm cho khán giả khóc cười theo chương trình - để đảm bảo chương trình gây được tiếng vang trong dư luận và đáp ứng được các mục tiêu đặt ra về chuyên môn lẫn tài chính - đã khiến một số nhà sản xuất - cả tư nhân lẫn Nhà nước - thiếu đi sự cẩn trọng đúng mức khi quá tin tưởng vào nhân vật tham gia chương trình và thiếu sự kiểm tra về tính chân thật của những thông tin mà nhân vật cung cấp.
Một biên tập viên giấu tên chia sẻ: “Những câu chuyện quá đẹp từ người bình thường, những tình tiết làm bản thân tôi rơi nước mắt, xem bản dựng mà vẫn cứ khóc... Tôi nghĩ đến phản ứng của khán giả, tôi nghĩ đến hiệu ứng đám đông tích cực... Làm sao tôi nghĩ rằng nhân vật lừa dối tôi được khi họ là người bình thường, họ có học diễn xuất đâu...”.
Bỏ qua một câu chuyện đẹp như thế thì tiếc lắm! Nên có thể có hàng trăm lý do để biện minh cho sự buông lỏng. Nhưng dù lý do nào đi nữa thì một nửa sự thật chẳng thể nào là sự thật. Những “cú lừa” đã xuất hiện. Và nhà sản xuất - xét đến cùng - thiệt hại ít nhất: vì quảng cáo vẫn đổ về, khán giả phẫn nộ nhưng vẫn theo dõi tiếp dù cứ nghi nghi hoặc hoặc không biết “chúng nó” có “lừa” mình nữa không.
3 “Chăm chút, tỉa tót” cho nhân vật đẹp hơn, nhân văn hơn là điều mà nhà sản xuất cần làm, phải làm, nhưng khi bản thân nhân vật đã thiếu trung thực và nhà sản xuất thiếu kiểm soát về sự chân thật của nhân vật thì tất yếu, thực tế lại trở thành “thực tại ảo” và người xem bị thiệt thòi nhất.
Làm thế nào đo được độ lớn của sự hụt hẫng và nỗi buồn khi bị lừa dối của khán giả? Những câu chuyện truyền cảm hứng và giàu tính nhân văn đã và sẽ đi xa hơn chức năng giải trí của một chương trình truyền hình thực tế. Chính vì vậy mà vấn đề hết sức nghiêm túc cần đặt ra với nhà sản xuất những chương trình truyền hình thực tế đã bị lừa dối: “Xin hãy cẩn trọng, niềm tin vào giá trị nhân văn đang có nguy cơ bị sụp đổ!”.
Còn khán giả? Khán giả ơi, đừng vội khóc! Và cũng đừng khóc vì đã lỡ khóc!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận