Các nghệ sĩ hạnh phúc và lưu luyến chào tạm biệt khán giả sau đêm công diễn vở múa Hoàng hôn tối 5-11
Vở gồm 3 chương: Hy vọng, Tình yêu và Ánh mắt hoàng hôn, xoay quanh chủ đề tình yêu, lòng chung thủy và chờ đợi, là những điều từng hiện hữu sâu sắc trong những năm tháng đất nước trải qua chiến tranh.
"Phân đoạn có những khung ảnh gây ấn tượng rất mạnh với mình, vì ba mình ngày xưa từng đi chiến tranh biên giới Tây Nam và là người duy nhất trong tiểu đội may mắn được về sớm vì trúng tuyển trường y.
Tất cả đồng đội ở lại vốn là những người bạn cùng xóm thì trở thành những khung ảnh ở độ tuổi đôi mươi… Hôm nay khi được xem một vở múa đương đại truyền tải lại những nỗi niềm đó, mình rất xúc động" - là một phiên dịch viên yêu múa đương đại và đồng cảm với câu chuyện của Hoàng hôn, bạn Nguyễn Ngọc Minh Châu bày tỏ.
Phân cảnh những người phụ nữ bên những chiếc khung ảnh gây xúc động mạnh cho khán giả
Với Nguyễn Trần Thảo Quyên, một dancer tự do, bạn cho biết rất nể sự cống hiến của các nghệ sĩ trên sân khấu vì đã cháy hết mình để truyền tải cảm xúc đến người xem:
"Cảnh khiến mình rung động nhất là khi những sợi dây trắng được thả xuống, đó lẽ ra là một cảnh rất buồn, nhưng đạo diễn đã xử lý khiến mình cảm thấy có cả sự ấm cúng và những người lính được tôn vinh ở đó".
Thảo Quyên cũng bất ngờ khi thấy đề tài chiến tranh tưởng chừng đã cũ nhưng được khai thác rất "chạm" đến cảm xúc của một người trẻ.
"Làm vợ một người lính phải nằm lòng ba chữ: hai chữ thương, một chữ chờ. Nhưng, liệu có về được không?"
Dù vở múa không có lời hay phụ đề tiếng Anh, chị Bianca Greeff - khán giả đến từ Nam Phi - vẫn cảm nhận được câu chuyện về tình yêu và sự chia cắt, mất mát trong chiến tranh. Chị cũng đồng cảm với nỗi niềm của những người phụ nữ và cách họ san sẻ nỗi đau cùng nhau.
Sự đồng cảm của những người phụ nữ và phần trình diễn "Khúc mùa thu" của ca sĩ Duyên Huyền khiến cả khán phòng lắng đọng: "Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc, còn điều chi em mải miết đi tìm...”
Vở kịch múa đương đại Hoàng hôn - Sunset do hai anh em nghệ sĩ - biên đạo múa Nguyễn Phúc Hải, Nguyễn Phúc Hùng là tác giả kịch bản và đạo diễn, phần âm nhạc do nhạc sĩ Vũ Việt Anh phụ trách.
Đây cũng là vở múa đặc biệt khi có nhiều nghệ sĩ trẻ cùng tham gia trong vai trò vừa biên đạo vừa trực tiếp trình diễn là NSƯT Trần Hoàng Yến, Đặng Minh Hiền, Sùng A Lùng và Đỗ Hoàng Khang Ninh. Mỗi bạn mang đến những cảm nhận rất riêng về đề tài chung của Hoàng hôn.
Một trích đoạn trong vở là "Hai thương một chờ" đã đoạt giải A Liên hoan múa TP.HCM mở rộng lần 8.
Dành thời gian ở lại chia sẻ cùng các bạn sinh viên, NSƯT Trần Hoàng Yến bày tỏ niềm vui khi thấy các bạn ngày càng chủ động đến với múa.
"Hoàng hôn làm về đề tài chiến tranh nhưng tụi mình không cố tái hiện sự tàn khốc, mà chọn chia sẻ về tình yêu, về những nỗi niềm là góc khuất phía sau cuộc chiến. Người ra đi có những nỗi đau, và người ở lại cũng đầy những khắc khoải giày vò, bởi chiến tranh không phải trò đùa. Nhưng tình yêu thì ở mọi lứa tuổi và thời nào cũng vậy, luôn dễ gây rung cảm cho khán giả" - Trần Hoàng Yến tâm sự.
Một số khoảnh khắc ấn tượng của vở múa Hoàng hôn:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận