Phòng bếp tại Viện Goethe trở thành sân khấu của vở kịch "Độc thoại xanh" - Ảnh: T.ĐIỂU
Một buổi xem kịch "kỳ lạ" như thế đã diễn ra tại Viện Goethe Việt Nam tại Hà Nội tối 10-8. Phòng hội thảo, thư viện, sân vườn và phòng bếp ở Viện Goethe trở thành sân khấu của 4 tiểu phẩm chung chủ đề Happy@Home? (Ở nhà là hạnh phúc).
Đêm diễn duy nhất này nằm trong dự án sân khấu Happy@Home? do viện Goethe và Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện, với 4 vở kịch ngắn cùng phản ánh câu chuyện từ một thế giới bị biến đổi bởi đại dịch và kĩ thuật số trong các gia đình.
Đó là 4 câu chuyện khác nhau từ 4 ngôi nhà, nhưng tất cả cùng cho thấy những "phát hiện" về tình cảm gia đình và những tầng sâu khuất trong mỗi con người. Tình cờ, 4 tác giả kịch bản đều là 4 cây viết nữ, NSƯT Sĩ Tiến làm đạo diễn.
Khán giả thì được bố trí ngồi nép vào tường của căn bếp chật hẹp, hoặc đứng ngoài cửa sổ xem kịch - Ảnh: T.ĐIỂU
Tầng tum của Hoàng Trang kể câu chuyện một gia đình có cô con gái trẻ trước đây chỉ coi nhà là nơi để về ngủ, vì COVID-19 mới ở nhà. Rồi cô nhớ ra căn phòng tầng tum rất "có view" của gia đình bao năm bị bỏ hoang, và quyết xắn tay cải tạo thành không gian ấm cúng cho cả gia đình.
Trên trời cao bầy chim vẫn hót (tác giả Mỹ Linh) là cuộc đối thoại giữa mẹ và con gái trong một ngày không như mọi ngày vì giãn cách xã hội.
Dịch bệnh đến, cô con gái phải đối diện quãn thời gian tưởng như vô nghĩa khi chỉ được quanh quẩn ở nhà với mẹ, nhưng kỳ thực lại là một sự trở lại với những gì thực sự có nghĩa. Cô bắt đầu nghe thấy tiếng chim hót và "phát hiện" ra chậu hoa cô mua cho mẹ từ lâu vẫn được mẹ chăm sóc tươi tốt, còn cô lâu nay chỉ mải mê chạy theo lối sống ton hót xu nịnh ở văn phòng để tìm kiếm thành công.
Sân khấu kịch là một góc sân vườn, bục sân khấu là... gốc cây - Ảnh: T.ĐIỂU
Độc thoại xanh (tác giả Maik Cây) là một câu chuyện phức tạp khai thác những tầng sâu của khát vọng trong 4 người nữ, là bà, mẹ, hai con gái bỗng dưng phải tụ vào nhau trong một căn bếp bởi giãn cách xã hội.
Hạnh phúc giản đơn (tác giả Huệ Ninh) lại là câu chuyện giản dị với nhiều tình huống hóm hỉnh và xúc động giữa đôi vợ chồng nông dân nghèo, là cuộc đấu tranh giữa người vợ muốn bỏ lên thành phố, mặc kệ lệnh giãn cách xã hội, để kiếm tiền nuôi gia đình, và người chồng ốm yếu chỉ khát vọng vợ chồng no đói có nhau.
Nghệ sĩ Bá Anh, Ngọc Ánh của Nhà hát Tuổi trẻ rời sân khấu đầy ảnh đèn để diễn vở "Hạnh phúc giản đơn" ở ... gốc mít - Ảnh: T.ĐIỂU
"Đây là những câu chuyện đánh thức mối quan tâm lẫn nhau, sự chia sẻ trong gia đình", NSƯT Sĩ Tiến - đạo diễn của 4 vở kịch chỉ dài 10 phút mỗi vở - chia sẻ.
Về sân khấu đặc biệt của đêm diễn, NSƯT Sĩ Tiến cho biết, các nghệ sĩ muốn mang đến một không gian kịch nghệ gần gũi nhất với khán giả, sân khấu tối giản, tận dụng luôn các không gian trong đời sống để tập trung tất cả cho câu chuyện.
Việc khán giả phải di chuyển liên tục qua 4 không gian để xem 4 vở kịch của 4 nhóm khán giả, trong khi diễn viên phải diễn 4 xuất liên tục trong một đêm diễn, là những điều rất mới mẻ cả với diễn viên và khán giả.
Điều này để phù hợp với yêu cầu giãn cách xã hội là các không gian không quá 20-30 người, nhưng khắc phục hạn chế của giãn cách xã hội được tận dụng để tạo hứng thú cho người xem, khi lần đầu tiên được "đi tour" xem kịch, hay lần đầu tiên được xem kịch theo cách đứng ngoài cửa sổ nhìn vào trong bếp.
Vở "Trên trời cao bầy chim vẫn hót" được diễn tại phòng thư viện của Viện Goethe - Ảnh: T.ĐIỂU
Khán giả Hải Hà nhận xét, việc di chuyển qua các không gian khác nhau để xem các vở kịch khác nhau, liên tục trong một buổi tối, là trải nghiệm rất thú vị với bạn.
"Mỗi lần di chuyển đến một không gian mới là một lần được làm mới tâm trạng, để đón nhận một câu chuyện mới, rất thú vị", Hải Hà nói.
Bích Phượng cũng rất thích thú với cách xem kịch lạ lùng này. Trước đây cô chưa bao giờ đi xem kịch, nhưng với trải nghiệm xem kịch lần này, cô nói sân khấu kịch hoàn toàn có thể hấp dẫn các bạn trẻ.
Vở "Tầng tum" được diễn trong phòng hội thảo của Viện Goethe, nơi có một tầng tum thật sự cho các diễn viên diễn xuất - Ảnh: T.ĐIỂU
Trương Ngọc Phương trước đây thường xuyên xem kịch tại các nhà hát và ở các trung tâm văn hóa của nước ngoài tại Việt Nam. Tuy thế, trải nghiệm xem kịch thời giãn cách xã hội vì đại dịch rất độc đáo lần này vẫn khiến cô rất bất ngờ.
"Rõ ràng vẫn có những cách để sân khấu vẫn đến được với khán giả theo một cách hào hứng, thú vị, ngay cả lúc phải giãn cách xã hội", Ngọc Phương nói.
NSƯT Sĩ Tiến cho biết, đêm kịch chỉ diễn một đêm duy nhất vào 10-8. Tuy nhiên, thời gian tới có thể nhà hát sẽ tiếp tục làm dày thêm những câu chuyện về đề tài gia đình trong thời giãn cách xã hội này để diễn phục vụ công chúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận