Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề xuất này, ông PHẠM CHÁNH TRUNG, chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, nói: "Khám sức khỏe tiền hôn nhân (trước khi kết hôn) là một giải pháp cần thiết giúp cho các cặp đôi chuẩn bị kết hôn có kiến thức, tâm lý, sức khỏe sẵn sàng cho khởi đầu cuộc sống hôn nhân và tình dục khỏe mạnh, an toàn".
Kiểm tra "bộ máy sinh sản", phòng ngừa nhiều bệnh
* Ông đánh giá thế nào về đề xuất này , thưa ông?
- Rào cản lớn nhất chính là các cặp đôi vẫn chưa thực sự quan tâm, chưa có ý định khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Việc truyền thông cung cấp thông tin rõ ràng, chính xác, đầy đủ về tầm quan trọng của khám sức khỏe tiền hôn nhân thực sự cần thiết. Từ việc hiểu về lợi ích, họ sẽ sẵn sàng tự nguyện tham gia tùy theo nhu cầu và khả năng của mình.
Song song với việc cung cấp thông tin, việc chuẩn bị mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng là một thách thức.
Các cơ sở y tế tuyến quận, huyện chưa đảm bảo cho việc cung cấp dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Muốn làm tốt việc này, phải có nguồn nhân lực y tế có chuyên môn, trình độ trong lĩnh vực khám sức khỏe tiền hôn nhân, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu. Cuối cùng các danh mục kỹ thuật cung cấp dịch vụ được quy định rõ ràng với cơ cấu giá hợp lý.
* Với người Việt, yêu thì cưới, việc khám kiểm tra sức khỏe chưa thực sự được chú ý, có khi là câu chuyện hơi xa xỉ...
- Đó cũng chính là lý do mà chúng ta cần phải thay đổi nhận thức. Khám sức khỏe trước khi kết hôn mang lại nhiều lợi ích. Trước hết, giúp các cặp đôi chủ động tầm soát, phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lý liên quan đến sức khỏe của "bộ máy sinh sản", khả năng mang thai và sinh con.
Hơn nữa, thông qua việc khám sức khỏe còn giúp phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh tật. Trong đó có các bệnh lây truyền qua đường tình dục, có giải pháp can thiệp kịp thời. Vấn đề mang thai và sinh con về sau cũng được thuận lợi hơn.
Việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn còn cung cấp cho các cặp vợ chồng các kiến thức hữu ích, tâm lý vững vàng để kết hôn, mang thai và sinh con.
Nam nữ thanh niên sẽ được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh thai, kế hoạch hóa gia đình phù hợp nhất. Điều này giúp kiểm soát tốt việc mang thai và sinh con, tránh tình trạng phải nạo phá thai do mang thai ngoài ý muốn.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Hãy bắt đầu từ thay đổi nhận thức và hành vi
* Tuy vậy, các văn bản pháp lý hiện nay như Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nghị định của Chính phủ đều không quy định bắt buộc khám sức khỏe trước khi kết hôn...
- Việc ràng buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân từng được áp dụng ở một số nơi trên thế giới (ví dụ một số bang ở Mỹ, Canada, Thụy Điển...). Nhìn chung phần lớn người dân các nước này đã được cung cấp thông tin và họ tự nguyện tham gia khám sức khỏe tiền hôn nhân khi nhận thức được tầm quan trọng của việc này.
Ở TP.HCM, một trong những giải pháp mà ngành dân số đang triển khai là phối hợp với các chuyên gia "giải quyết từng bước", bằng cách truyền thông cung cấp các dữ liệu khoa học rõ ràng, chính xác, đầy đủ về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Từ việc hiểu về lợi ích, hy vọng sẽ từng bước thay đổi nhận thức.
* Ở TP.HCM, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân chắc chắn sẽ thuận lợi vì dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế. Thực tế nhu cầu này ra sao, thưa ông?
- Kết quả một khảo sát về nhu cầu của thanh niên trên địa bàn đối với việc khám sức khỏe tiền hôn nhân được tiến hành đầu năm 2023 cho thấy nhiều thanh niên thực sự chưa quan tâm đến vấn đề này. Vẫn còn tâm lý e ngại "có bệnh mới đi khám" và ngại cả chi phí của việc thăm khám, tham gia tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn.
Một trong những nhận định của nghiên cứu này cho rằng cần phải chú trọng công tác truyền thông đi đôi với công tác tư vấn, cung cấp thông tin về lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Bên cạnh đó cần mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe để đảm bảo tính sẵn có, hiệu quả và dễ tiếp cận (chi phí hợp lý và dịch vụ thuận tiện).
* Được biết, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM đang có nhiều kế hoạch phối hợp với nhiều bệnh viện đẩy mạnh việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Ông có thể nói rõ về các kế hoạch này và mong muốn đạt được?
- Chúng tôi đang từng bước thực hiện các biện pháp tăng cường khả năng tiếp cận việc khám sức khỏe tiền hôn nhân đến các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn. Chẳng hạn như chúng tôi phối hợp với Bệnh viện Bình Dân trong đào tạo, tập huấn đội ngũ nhân viên y tế ở các bệnh viện và trung tâm y tế quận - huyện, từng bước củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe ở cơ sở.
Bệnh viện Bình Dân cũng đã tham gia khám cho 200 cặp đôi tại 6 quận, huyện và TP Thủ Đức. Đây là một bước thử nghiệm chương trình hỗ trợ cung cấp dịch vụ khám nam khoa nằm trong gói khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Cùng với Bệnh viện Hùng Vương và Thành Đoàn TP.HCM, chúng tôi tổ chức sự kiện khám sức khỏe tiền hôn nhân miễn phí, cung cấp kiến thức cho 150 cặp nam nữ công nhân, người lao động trẻ. Mong muốn lớn nhất chính là người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân một cách dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi và phù hợp với tài chính.
* TS.BS Nguyễn Tri Thức (giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy):
Trách nhiệm với thế hệ mai sau
Khám sức khỏe tiền hôn nhân có tầm quan trọng rất lớn, giúp tìm ra các bệnh lý truyền nhiễm (viêm gan B, C, giang mai...), đặc biệt là các bệnh lý di truyền. Tôi đề xuất khám sức khỏe tiền hôn nhân bắt buộc. Thực tế, các bác sĩ chứng kiến nhiều phụ nữ đến lúc sinh mới biết mình bị hẹp van tim nặng, hoặc suy tim và suy thận nặng.
Khi vào cơn sinh, các bác sĩ rất đau xót khi phải đưa ra quyết định cứu mẹ hay cứu con. Thực tế các câu chuyện đau lòng này có thể tránh được nếu khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Các chuyên gia khuyến cáo cả nam, nữ nên khám sức khỏe tiền hôn nhân trước 6 tháng khi kết hôn. Nếu áp dụng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào thiểu số.
* ThS Hồ Mạnh Tường (tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM - HOSREM):
Nên có lộ trình
Tôi cho rằng việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là điều cần thiết. Tuy vậy quy định bắt buộc có lẽ sớm quá, sẽ khó khả thi và chính sách có thể thất bại.
Cần có lộ trình từng bước, đầu tiên là tuyên truyền; kế đến khuyến khích trước khi quy định. Cần cân nhắc áp dụng khám sức khỏe tiền hôn nhân tùy theo địa bàn, bởi một số vùng xa người dân khó tiếp cận dịch vụ khám, xét nghiệm. Nếu áp dụng đại trà chi phí sẽ khá cao đối với nhiều người, do đó cũng cần tính toán chính sách hỗ trợ.
* Bác sĩ Mai Xuân Phương (nguyên phó vụ trưởng Vụ Truyền thông - giáo dục, Cục Dân số, Bộ Y tế):
Luật hóa là điều cần thiết
Trên thực tế hiện nay các văn bản quy định về tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn đã đầy đủ nhưng chưa được luật hóa vì còn nhiều ý kiến trái chiều.
Về góc độ chuyên môn, tôi nghĩ nếu thật sự quan tâm đến chất lượng dân số, quan tâm đến chiều cao, cân nặng, tầm vóc, trí tuệ của người Việt và xu thế của thời cuộc thì rất cần luật hóa việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Quyết định 25 về hướng dẫn chuyên môn tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn của Bộ Y tế ban hành năm 2011 đã không còn phù hợp với thực tế. Trong hướng dẫn này chỉ có một số mục khám, tư vấn rất cơ bản. Các xét nghiệm thường quy cũ không còn phù hợp mà cần thêm những xét nghiệm khác. Cục Dân số cũng đã trình nội dung để sửa lại quyết định này cho phù hợp.
Việc cần thiết hiện nay là luật hóa tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. Có địa phương đề nghị cần có xác nhận đã tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn mới được đăng ký kết hôn. Để luật hóa việc này, các văn bản quy phạm phải được chỉnh sửa phù hợp, nếu đã luật thì BHYT cũng phải chỉnh sửa cho tương xứng, nếu không sẽ gây xung đột về văn bản.
* Anh T.T. (TP.HCM, có con từng mắc dị tật bẩm sinh):
Ba lần mất con
Năm 2006, vợ chồng tôi kết hôn. Mãi đến năm 2011 vợ chồng tôi mới có con nhưng sau sinh tròn 14 ngày bé đã mất vì mắc chứng xuất huyết não do thiếu yếu tố đông máu thứ VII. Sau lần này, vợ tôi tiếp tục có thai thêm hai lần nữa nhưng các bé lần lượt mất vì thiếu yếu tố đông máu thứ VII.
Vợ chồng tôi đã gửi các mẫu bệnh sang Pháp phân tích chẩn đoán gene bệnh, kết quả cả hai đều mang đột biến dị hợp tử gene lặn thiếu yếu tố thứ VII. Cũng nhờ chẩn đoán này, vợ chồng tôi mới biết nếu mang thai nữa sẽ có 25% khả năng di truyền cho con và con cũng không thể sống được sau sinh. Việc thăm khám tiền hôn nhân rất quan trọng, giúp phát hiện bệnh di truyền để có giải pháp điều chỉnh phù hợp.
* PGS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết (giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương):
Đến lúc tìm con, trứng không còn
Khi thăm khám, chúng tôi rất tiếc phát hiện một số bệnh mà đáng lẽ qua sàng lọc trước hôn nhân phát hiện ra để kịp thời điều trị. Chẳng hạn như bệnh suy buồng trứng, giảm dự trữ buồng trứng, nếu được khám tiền hôn nhân, các bác sĩ sẽ khuyến cáo nên có thai sớm.
Tuy vậy một phần do mải tập trung cho công việc, lo kinh tế, bỏ qua việc này nên đến lúc cần con tìm trứng không còn và bắt buộc phải xin trứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận