Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quy định cụ thể về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe.
Trong nghị quyết 135 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2023, Chính phủ cũng đã yêu cầu rà soát các thủ tục hành chính bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tế và điều kiện, thu nhập của người dân như khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, bao gồm cả mô tô, xe máy.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thì cho biết các nội dung liên quan đến đào tạo, sát hạch, điều kiện của lái xe do phía Bộ GTVT quản lý nên phối hợp tham gia xây dựng trong dự thảo và khi có luật thì Bộ GTVT quản lý.
Khám sức khỏe định kỳ người lái xe máy: khó khả thi
Theo ông Nguyễn Văn Quyền - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nếu dự thảo quy định chung người điều khiển xe cơ giới phải khám sức khỏe định kỳ sẽ bao gồm cả người lái mô tô, xe máy.
Như vậy, sẽ có hàng chục triệu người chịu sự điều chỉnh này nên cần nghiên cứu, đánh giá tác động. Nếu có quy định với lái xe máy, nên nghiên cứu nam giới đến tuổi 65, nữ đến tuổi 60 có thể kiểm tra sức khỏe và quy định mốc thời gian tái khám.
Còn ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao thông - vận tải, cho rằng quy định này nếu có sẽ khó khả thi. Hiện quy định chỉ yêu cầu về giấy khám sức khỏe của tài xế xe mô tô, xe máy khi thi bằng lái hoặc nâng hạng bằng lái.
Với số lượng xe máy khổng lồ hiện nay thì việc thực hiện sẽ như thế nào, ba tháng, sáu tháng hay một năm và cơ quan, đơn vị nào sẽ thực hiện, giám sát?
"Nếu không có kiểm soát, giám sát và thuyết phục được người dân về ý nghĩa, hiệu quả của việc này thì rất khó.
Chưa kể, có thể tái diễn tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe như báo chí từng phản ánh và dẫn tới việc thu thập dữ liệu sức khỏe người lái xe không chính xác, gây tốn kém thêm chi phí cho người dân, xã hội", ông Thủy nhìn nhận.
Từ đó, ông Thủy cho rằng chỉ nên giữ quy định như hiện nay và bổ sung yêu cầu tài xế xe máy phải đảm bảo sức khỏe của mình theo đúng yêu cầu của ngành y tế. Trường hợp để xảy ra tai nạn, nếu do lỗi về sức khỏe không đảm bảo thì người đó phải chịu trách nhiệm.
Đồng quan điểm, chuyên gia Bùi Danh Liên cũng chia sẻ những khó khăn như trên và cho rằng còn phải bàn tiếp, nếu có thực hiện việc này cần có thí điểm ở một số địa phương, khu vực trước, từ đó có tổng kết, đánh giá cụ thể.
PGS.TS Phạm Việt Cường - Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Trường đại học Y tế công cộng - thì cho rằng việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đều quan trọng với tất cả mọi người.
Tuy nhiên, việc đề xuất kiểm tra sức khỏe định kỳ đối với người lái xe máy thì tính khả thi có thể không cao. Lý do, bằng lái xe máy hiện nay là không thời hạn. Nếu quy định khám sức khỏe định kỳ sẽ tạo độ vênh trong các quy định.
Ông Cường cũng cho rằng việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đối với người lái xe máy chỉ mang tính khả thi khi tích hợp được tất cả dữ liệu về hồ sơ sức khỏe của người dân vào cùng trong một hệ thống.
Khi đó, mỗi năm người dân đi khám sức khỏe định kỳ thì hồ sơ sức khỏe sẽ cập nhật trên hệ thống chung, không gây phiền hà cho người dân với một lần khám sức khỏe (có thể chỉ dùng để lái xe - PV) khác.
Lái xe kinh doanh: cần thiết
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Duyên Thống - trưởng phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) - cho hay Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định khám sức khỏe định kỳ hằng năm với lái xe kinh doanh vận tải.
Lái xe không kinh doanh vận tải, hiện có quy định khám sức khỏe khi đến hạn cấp đổi bằng lái. Với người lái xe máy là khi cấp bằng hoặc nâng hạng bằng lái.
Ông Thống cho biết trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nêu Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe.
Tuy nhiên, đây mới là nội dung được dự thảo đưa ra, còn sau khi luật có hiệu lực, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng hiện lái xe ô tô cá nhân (xe gia đình) không kinh doanh vận tải chỉ khám sức khỏe khi học giấy phép lái xe (bằng lái) và khi đến thời hạn đổi bằng lái xe nhưng việc khám sức khỏe định kỳ này nên thực hiện với người lái xe ô tô.
Hiện chưa rõ khi chưa có luật thì việc khám định kỳ với lái xe ô tô hay cả xe máy khiến nhiều người hiểu theo những cách phân tán.
Với người lái xe không kinh doanh vận tải, nếu hiểu khám sức khỏe định kỳ theo chu kỳ đổi bằng lái xe thì lâu nay đã thực hiện khi đến hạn đổi bằng lái.
Nếu quy định khám định kỳ ngắn hơn chu kỳ đổi bằng thì gây nhiều phiền hà và chi phí xã hội vì đối tượng điều chỉnh rất rộng. Hiện cả nước có khoảng 3,5 triệu ô tô cá nhân sẽ tương ứng với 5 - 6 triệu người có bằng lái xe hạng B không kinh doanh vận tải.
"Nếu quy định khám định kỳ trong thời gian ngắn hơn thì cần đánh giá hết sức kỹ lưỡng, có ý kiến của Bộ Y tế là cơ quan chuyên môn. Trường hợp thực hiện với thời hạn ngắn như vậy, cần quy định ngưỡng tuổi", ông Quyền nêu quan điểm.
Với nội dung xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe, ông Quyền cho biết hiệp hội đã hai lần kiến nghị Bộ Y tế sớm có cơ sở dữ liệu về sức khỏe lái xe kinh doanh vận tải thông qua việc khám sức khỏe.
Cơ sở dữ liệu này rất cần thiết để khi doanh nghiệp tiếp nhận hồ sơ tuyển lái xe có cơ sở để tra cứu tính xác thực của giấy khám sức khỏe của tài xế.
Tương tự cơ sở đào tạo lái xe cũng cần dữ liệu tra cứu, khi đổi giấy phép lái xe, cơ quan quản lý cũng cần xác thực. Việc này giúp ngăn chặn tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe trôi nổi.
Đồng thời, lưu được hồ sơ của tài xế từng sử dụng ma túy, tiền sử sức khỏe để doanh nghiệp xem xét khi tuyển dụng.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cũng nêu rõ việc kiểm tra định kỳ sức khỏe cho tài xế là rất cần thiết. Ông nói các đơn vị vận tải mà ông biết thường định kỳ một năm thực hiện việc khám sức khỏe cho tài xế.
Tuy nhiên, ông đề nghị trong dự thảo luật cần có quy định để tạo thuận lợi cho tài xế trong việc khám sức khỏe định kỳ.
Ông dẫn chứng hiện nay các đơn vị hằng năm phải tập trung tài xế ở các tỉnh phải về Hà Nội và chỉ khám ở một số bệnh viện nhất định. Điều này dẫn đến tài xế, doanh nghiệp tốn kém chi phí, thời gian.
Theo ông Liên, hiện nay các quận, huyện đều có trung tâm y tế, bệnh viện đảm bảo đúng quy định, tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Do vậy, nên cho phép tài xế khám ở các bệnh viện này và sử dụng kết quả đó nộp lại cho doanh nghiệp để thuận lợi.
Bộ Y tế: chỉ chịu trách nhiệm ban hành hướng dẫn nếu có yêu cầu
Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay hiện nay Bộ Y tế đã ban hành thông tư hướng dẫn khám sức khỏe tại các cơ sở khám, chữa bệnh cho lái xe và một số ngành nghề.
Trong đó, dự thảo thông tư đã quy định tiêu chuẩn sức khỏe đối với người lái xe hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE gồm quy định tiêu chuẩn về tâm thần, thần kinh, mắt, tai mũi họng, tim mạch, cơ - xương - khớp, sử dụng thuốc, chất có cồn và các chất hướng thần.
Về đề xuất khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe máy, vị này cho hay việc đề xuất khám sức khỏe định kỳ của các chủ thể là do các đơn vị đề xuất.
Ví dụ như Bộ LĐ-TB&XH đề xuất khám sức khỏe định kỳ cho người lao động một năm/lần. Bộ Y tế chỉ chịu trách nhiệm ban hành các hướng dẫn chuyên môn.
Cần nhưng phải quản được
Ông Nguyễn Xuân Thủy cũng đồng tình việc tài xế xe kinh doanh vận tải phải khám sức khỏe định kỳ vì tài xế chở khách còn liên quan đến nhiều người ngồi trên xe nên phải đảm bảo sức khỏe để đảm bảo an toàn. Ông dẫn chứng lại việc gần đây đã có một số trường hợp tài xế lái xe khách bị đột quỵ.
Tuy nhiên ông cho rằng trước đây báo chí, dư luận từng phản ánh rất nhiều về tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe.
ì vậy, quy định trong dự thảo luật cần giải quyết được bài toán về vấn đề kiểm soát, giám sát việc khám sức khỏe định kỳ đối với tài xế, đảm bảo thực chất. Đồng thời, loại bỏ những tài xế không đảm bảo sức khỏe theo quy định.
Tài xế cần khám sức khỏe 2 lần/năm, phải phản ánh đúng tình trạng bệnh
Theo PGS Nguyễn Hoài Nam - nguyên phó chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật lồng ngực và tim mạch, Trường đại học Y Dược TP.HCM, hiện việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ cho tài xế ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, khi đa phần là khám cho có, hời hợt, qua loa, một phần là chi phí khám rẻ nhưng buộc phải khám hàng chục chuyên khoa.
Một điều rất quan trọng là cần quy định rõ thời gian tài xế lái xe. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, khi xe chở khách chạy được hai giờ thì sẽ tự động nghỉ 15 phút.
Tổng số thời gian xe được phép chạy một ngày là tám giờ và xe sẽ bị khóa nếu chạy quá thời gian quy định này. Còn tại nước ta, có tài xế chạy đến 16 - 17 tiếng đồng hồ. Nhiều người lái xe trong trạng thái không tỉnh táo, thậm chí ngủ gục, rồi dùng chất kích thích, gây nghiện...
Theo ông Nam, cần quy định mỗi tài xế nên khám sức khỏe định kỳ hai lần/năm và việc khám này phải kỹ lưỡng, phản ánh chính xác tình hình sức khỏe tài xế.
Đồng thời tăng thêm chi phí khám sức khỏe tổng quát để nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đơn vị thực hiện khám sức khỏe định kỳ.
Ngoài ra, các đơn vị quản lý liên quan cần tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra tại cơ sở y tế thực hiện khám sức khỏe tổng quát cho tài xế.
Với xe máy, không cần khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe máy, chỉ nên tuyên truyền mỗi người chủ động giữ gìn sức khỏe bản thân. Hiện không có quốc gia nào trên thế giới khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe máy.
* Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM): Theo tôi, nước ta chỉ nên áp dụng khám sức khỏe định kỳ đối với tài xế xe tải, xe khách mà thôi. Với điều kiện, phải khám ở các cơ sở uy tín, chất lượng khám đúng chuẩn Bộ Y tế quy định.
* PGS.TS Vũ Anh Tuấn (giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, ĐH Việt Đức): Hầu hết các nước trên thế giới đều không có quy định khám sức khỏe định kỳ đối với mô tô, xe máy.
Hơn nữa giấy phép lái mô tô, xe máy không quy định thời hạn thì sẽ khó để giám sát, quản lý việc chấp hành của người dân.
Chúng ta chỉ có quy định bắt buộc đáp ứng sức khỏe nghề nghiệp như khi làm tài xế xe tải, xe khách... có ảnh hưởng tới an toàn rất nhiều người trên xe, xung quanh.
Cho nên, theo tôi thì quy định mới này chưa thực sự cần thiết bởi các quy định trong cấp, đổi giấy phép lái xe hiện hành đã cơ bản đủ.
Các đơn vị cần nghiên cứu thêm để chứng minh được hiệu quả mà quy định này mang lại thì mới thuyết phục, tránh được phản ứng của người dân.
Nhật, Mỹ thực hiện thế nào?
Ở Nhật Bản, vì là một nước có dân số già nên Chính phủ nước này quy định người lái xe từ 75 tuổi trở lên sẽ phải làm kiểm tra y tế cứ ba năm/lần để gia hạn bằng lái. Bài kiểm tra gồm thị lực, thính giác, nhận thức và thể chất.
Người không vượt qua bài kiểm tra sẽ bị thu hồi hoặc giới hạn bằng lái. Lý do ra đời quy định này là tỉ lệ người lái xe cao tuổi gây tai nạn giao thông ở Nhật khá cao.
Theo một báo cáo của Chính phủ Nhật, tài xế từ 75 tuổi trở lên gây tai nạn nhiều gấp đôi tài xế trẻ tuổi hơn trong năm 2018.
Ở Mỹ, Cơ quan Quản lý an toàn phương tiện cơ giới liên bang (FMCSA) quy định tài xế lái xe thương mại buộc phải khám sức khỏe định kỳ mỗi hai năm/lần.
Tài xế phải khám thị giác, thính giác, huyết áp, tiểu đường và xét nghiệm ma túy. Bài kiểm tra phải do nhân viên y tế được chứng nhận và có tên trong danh sách của cơ quan chức năng thực hiện.
Thăm dò ý kiến
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang lấy ý kiến có quy định người điều khiển xe cơ giới phải khám sức khỏe định kỳ, bao gồm cả người lái mô tô, xe máy. Ý kiến của bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận