27/02/2011 07:43 GMT+7

Khám phá vườn quốc gia Núi Chúa

PHÙNG MỸ TRUNG
PHÙNG MỸ TRUNG

TT - Một nửa khô hạn không khác gì châu Phi, nửa còn lại là những cánh rừng mưa nhiệt đới xanh tốt với hàng trăm loài sinh vật sinh sống. Cuối tuần này, bạn hãy cùng chúng tôi khám phá vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận).

WQAoeCCF.jpgPhóng to
Hành quân trên khu rừng bán hoang mạc -Ảnh: P.M.T.
1GWA2u5b.jpgPhóng to
Nàng chim bói cá chào đón du khách trên mỏm đá - Ảnh: P.M.T.

Từ trụ sở vườn quốc gia phải mất đến 30 phút trên con đường ngoằn ngoèo, nhiều đoạn dốc đứng men theo sườn núi ven biển, chiếc xe buýt mới đến được khu vực nghiên cứu. Mặt trời đã thức dậy ửng hồng rực rỡ phía chân trời. Những tia nắng đầu tiên chiếu vào các vách đá trơ trọi ở vùng đệm.

“Cư dân đầu tiên” chào đón chúng tôi là nàng chim bói cá Ceryle lugubris đứng trên một mỏm đá chênh vênh cao chót vót. Ẩn mình trong đám lá xanh là loài rắn roi mũi Ahaetulla prasina đang ngon giấc sau một đêm mệt nhoài tìm thức ăn.

Bao quanh một tảng đá chồng khổng lồ - “kỳ quan” của vườn quốc gia - là cả khu rừng khô hạn trải dài với nhiều loài thực vật đầy gai sinh tồn. Phía xa, những dãy núi mờ sương cao ngất nửa mời gọi, nửa như thách thức.

Vườn quốc gia Núi Chúa là khu rừng khô hạn tự nhiên nằm trong vùng khô hạn nhất của VN, có hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng hiếm thấy với nhiều tập đoàn sinh vật quần tụ rất phong phú và đa dạng về số lượng cũng như chủng loài: 1.265 loài thực vật, 306 loài động vật, đặc biệt nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Sau khi được thành lập tháng 7-2003, lâm phần của vườn quốc gia nằm trên địa giới của năm xã thuộc huyện Ninh Hải (Ninh Thuận). Tổng diện tích tự nhiên 29.865ha, trong đó diện tích trên biển 7.352ha, vùng đệm 7.350ha.

Hành trình gian nan

Vượt qua hai ngọn núi thấp, đến độ cao 180m so với mực nước biển đã bắt đầu cảm nhận sự rát bỏng của ánh nắng. Những giọt mồ hôi không ngừng lăn dài trên má mọi người.

Sự mệt mỏi cũng hiện rõ trên khuôn mặt anh dẫn đường người Raglay Cao Văn Thăm. Hành trang lỉnh kỉnh thiết bị nghiên cứu như càng nặng hơn.

Bên dòng suối nhỏ, nơi cây dẻ già nua khoe khoang bộ rễ xù xì cùng năm tháng vô tình tạo một chỗ ngồi tránh nắng. Từ đó nhìn lên, ai cũng bất ngờ khi gặp một chùm lan môi trắng Christensonia vietnamica đang khoe sắc. Đây là loài lan phụ sinh duy nhất có thể sinh sống trong điều kiện khắc nghiệt mới được nhà khoa học Hà Lan Hagger phát hiện.

Vượt qua vài đỉnh núi thấp nữa, phía trước hiện ra một thung lũng nhỏ nhiều cây cối rậm rạp, xanh tươi. Vào mùa khô, nhiều loài thực vật ở khu rừng bán hoang mạc này như chìm vào giấc ngủ. Nhưng khi thời tiết đỡ khắc nghiệt hơn, chỉ cần vài trận mưa tất cả sẽ bừng tỉnh.

Dòng suối khá lớn với nhiều tảng đá mẹ rất to nằm chất đống, chảy ngầm bên dưới là con suối đủ để những người dân Raglay đắp thành chiếc đập nhỏ. Nước dẫn vào đám ruộng lúa đang thì con gái xanh rờn của đồng bào Raglay.

Chúng tôi quyết định nghỉ ăn trưa để lấy sức đi tiếp. Bữa trưa được dọn ra khá thịnh soạn bù đắp sức lực tiêu hao. Nhưng có lẽ do nóng, mọi người chỉ ăn rất ít rồi mạnh ai nấy tìm một bóng mát ngả lưng. Tiếng suối chảy róc rách khiến cả đoàn chìm vào giấc ngủ rất nhanh...

Bị đánh thức bởi lũ chim gõ kiến ồn ào gọi bầy, kiếm ăn ngay trên cây si già nua, thấy đồng hồ chỉ 13g45, chúng tôi chuẩn bị hành lý để tiến lên độ cao 480m, nơi tập kết qua đêm.

Đêm kỳ bí

Nơi dựng trại qua đêm đầu tiên nằm bên một con suối với những tảng đá bằng phẳng rợp bóng cây. Dù rất mệt mỏi mọi người vẫn tranh thủ xếp dọn đồ đạc, dụng cụ chuẩn bị cho khối công việc khổng lồ của buổi tối.

Màn đêm trong rừng buông xuống rất nhanh. Chỉ chờ có vậy, từng đàn muỗi rừng bắt đầu tấn công một cách điên cuồng. Vừa ăn mọi người vừa phải luôn tay xua đuổi.

Đi ngược dọc con suối, những đôi giày ướt sũng sau nhiều tiếng bì bõm dưới dòng nước lạnh ngắt. Ở độ cao này càng về đêm trời càng lạnh. Chiếc áo khoác không cản nổi cái lạnh đang ngấm sâu vào da thịt. Tuy nhiên đây cũng là thời điểm các cư dân của rừng xanh náo nhiệt kiếm ăn sau một ngày lẩn trốn cái nắng.

Vợ chồng mèo rừng Felis bengalensis ngồi bên bờ suối săn mồi. Khi chiếc đèn pin cực mạnh quét qua, bốn con mắt sáng quắc nhìn thẳng về phía chúng tôi trước khi lẳng lặng bỏ đi vì biết sức mình không đủ dọa nạt. Gã rắn lục đuôi đỏ Trimesurus albolabris cuộn tròn trên nhánh cây sát bờ nước lặng lẽ rình mồi.

Ở một kẽ nứt lớn trên tảng đá mẹ, loài thằn lằn ngón cao văn sung Cyrtodactylus caovansungi - loài mới phát hiện năm 2005 ở vườn quốc gia Núi Chúa - đang thưởng thức bữa tối bằng con cào cào xanh béo ngậy...

Không kịp đưa máy ảnh lên ghi lại khoảnh khắc có một không hai trong đời khi con tắc kè Gecko sp. đang rình bắt chú bọ ngựa cánh xanh. Tôi gần như đứng ngây dại, không tin vào mắt mình khi thấy loài bọ ngựa này có thể sống và phân bố ở độ cao thấp và khô hạn như thế. Bất ngờ lớn trong đêm đầu tiên ở vườn quốc gia.

Sau khi thu hoạch một số mẫu ếch bám đá, cóc nước, chàng đài bắc... và chụp hình mẫu vật để bổ sung vào bộ từ điển sinh vật rừng còn thiếu, chúng tôi trở về trại. Đồng hồ chỉ 3g sáng, bụng đói cồn cào nhưng cơn buồn ngủ đã kéo sụp mí mắt.

Bầy chim bồ chao đánh thức mọi người bằng tiếng gọi bầy ồn ào như chợ vỡ. Sau bữa sáng, chúng tôi tiếp tục hành trình vượt dốc, lại hứng chịu những đợt nắng rang và gió phang để tiến tới đỉnh núi Chúa cao hơn 1.000m. Ở độ cao 800m, các cánh rừng gỗ lớn trước đây đã bị tàn phá để làm rẫy, thế chỗ chỉ còn đá, cây bụi lúp xúp và những đám cỏ tranh bạt ngàn.

Bất chợt cả đoàn không ai nói với nhau câu nào. Những tảng đá mẹ trơ trọi, xám xịt và từng đợt, từng đợt những cơn gió cực mạnh như muốn xô ngược bước tiến chậm chạp...

Vượt qua năm kiểu rừng khô hạn như một châu Phi thu nhỏ với thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, chúng tôi cũng đến được với một nửa “châu Á” - kiểu rừng thứ sáu đặc trưng cho kiểu rừng kín thường xanh hơi ẩm nhiệt đới. Tổ thành của rừng là các loài cây gỗ lớn họ dẻ Fagaceae và cây gỗ lá kim như kim giao, hoàng đàn giả, thông tre, thanh tùng...

Cả đoàn dừng lại phóng tầm mắt thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp nhiều gam màu. Bao nhọc nhằn, mệt mỏi như được bỏ lại ở vùng rừng khô hạn dù mồ hôi vẫn ướt đẫm lưng áo mọi người. Đêm thứ hai trên núi Chúa đã tới, chúng tôi chuẩn bị bữa tối, nghỉ ngơi để tiếp tục một đêm đầy hứa hẹn khám phá loài mới cũng như những khó khăn và hiểm nguy rình rập phía trước...

PHÙNG MỸ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên