Cùng ngày 10-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội đề án của Chính phủ bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Doanh nghiệp muốn làm những dự án lớn
Tại cuộc gặp của Chính phủ với các DN, Chủ tịch Tập đoàn THACO Trường Hải Trần Bá Dương cho hay sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu và các cấu kiện thép.
"Chúng tôi cũng hứa sẽ đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, sẽ giúp cho các DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm", chủ tịch THACO nhấn mạnh.
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long thì kiến nghị cần triển khai việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê có quy mô 500 triệu USD để giải quyết cơ bản nguồn nguyên liệu hằng năm, tiết kiệm ngoại tệ. Đồng thời, ông Long bày tỏ dự định sẽ đầu tư 10.000 tỉ đồng nhà máy sản xuất ray, cung cấp thép chế tạo để làm các dự án đường sắt.
"Đây là một sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai. Cho nên chúng tôi rất mong có một văn bản như một nghị quyết để các DN yên tâm đầu tư sản xuất sản phẩm phục vụ dự án.
Theo dự kiến cần khoảng 10 triệu tấn thép, Hòa Phát cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn với chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu", ông Long nói.
Nhiều DN làm dự án hạ tầng giao thông cho hay cũng cần tháo gỡ các vướng mắc thể chế để triển khai dự án hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Viết Hải, chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải, mong muốn xem xét hoàn thiện cơ chế, pháp lý phù hợp để DN có thể tăng thời gian bảo hành, yên tâm hơn trong đầu tư, áp dụng công nghệ cao, bảo dưỡng...
Bày tỏ sẵn sàng nhận dự án lớn sắp tới, ông Hồ Minh Hoàng, chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, kiến nghị cần giải quyết bất cập từ thể chế để xử lý triệt để dự án đình trệ, lãng phí, tạo niềm tin cho DN kiên định đồng hành cùng đất nước.
Cùng với đó, cần xác định giá trị mà các DN tư nhân đóng góp cho đất nước thông qua dự án hợp tác công tư (PPP) cũng như tạo điều kiện và đồng hành cùng DN tư nhân trở thành DN dân tộc.
Ông Đỗ Quang Hiển, nhà sáng lập, chủ tịch điều hành Tập đoàn T&T Group, chia sẻ việc hợp tác đầu tư vào lĩnh vực hàng không - gồm: sân bay, đô thị sân bay và tổ hợp hàng không - khi đầu tư 75% vào Hãng hàng không Vietravel Airline, làm việc với Hãng Boeing.
Chủ tịch T&T Group cũng kiến nghị đầu tư vào dự án hạ tầng đường vành đai 4, xử lý vấn đề đàm phán giá điện và đẩy nhanh cổ phần hóa DN nhà nước.
Trong khi đó, bà Lê Thị Nga, chủ tịch Tập đoàn BRG, cam kết xây dựng thành phố thông minh Bắc Hà Nội. Đây sẽ là thành phố trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới, với giải pháp giảm 50% chi phí năng lượng cho các hộ gia đình.
Vì vậy, bà kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ tiền thuê đất, thuế phí và đề xuất có chương trình quốc gia về đổi mới sáng tạo...
Có cam kết cụ thể hợp tác với tư nhân
Lắng nghe các ý kiến đề xuất của DN, Thủ tướng nhấn mạnh kinh tế tư nhân là một động lực, thành phần quan trọng để phát triển kinh tế.
Do đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, tới đây các cơ quan sẽ xây dựng đề án về phát triển các DN dân tộc phát huy vai trò đầu đàn, dẫn dắt và đề án về phát triển DN nhỏ và vừa.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc bứt phá để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo đà tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.
Đây cũng là năm thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy và đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Vì vậy, ông mong muốn các DN, doanh nhân tiên phong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đóng góp hiệu quả cho ba đột phá chiến lược: thể chế, hạ tầng, nhân lực; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, tích cực tham gia đảm bảo an sinh xã hội...
Với các băn khoăn và kiến nghị của DN, Thủ tướng cam kết rà soát lại để xây dựng thể chế thông thoáng; cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí tuân thủ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phối hợp, trao đổi với DN để có bàn bạc, cam kết triển khai công việc cụ thể, tham gia thực hiện những nhiệm vụ và dự án lớn của đất nước.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt, phù hợp, hiệu quả. Phát triển hạ tầng chiến lược để tăng tính cạnh tranh, giảm chi phí logistics và đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng:
Đưa kinh tế tư nhân thành động lực tăng trưởng quan trọng
Để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, cần thực hiện đồng bộ 6 định hướng, giải pháp.
1. Thống nhất cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của DN nói chung, DN tư nhân nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội. Xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng nhất đóng góp vào tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
2. Tập trung hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là "đột phá của đột phá", tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho DN. Ngay trong năm 2025 phải thực sự đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng "kiến tạo phát triển", từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Đề cao phương pháp "quản lý theo kết quả", chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra giám sát.
3. Khơi thông mọi nguồn lực, lấy nguồn lực Nhà nước để khơi dậy, dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội. Tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược và quan trọng, nhất là các tuyến đường cao tốc, ven biển, liên vùng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, mở ra không gian phát triển mới; các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi, trung tâm dữ liệu quốc gia. Đồng thời có cơ chế, chính sách để DN trong nước tham gia vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.
4. Thực hiện quyết liệt nghị quyết số 57-NQ/TW; xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại. Hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), các phòng thí nghiệm, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, robot, công nghệ sinh học, vật liệu mới, nguyên liệu mới.
5. Xây dựng cơ chế chính sách hình thành và phát triển DN dân tộc, quy mô lớn để dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước và mở rộng tham gia thị trường quốc tế, phát huy hiệu quả quỹ hỗ trợ đầu tư.
6. Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường cho DN. Tạo điều kiện cho DN nội địa sản xuất những mặt hàng trong nước có thế mạnh, có khả năng duy trì và chiếm lĩnh dần thị trường trong nước. Hỗ trợ DN khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 FTA đã ký kết; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là các nước mới nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện, các thị trường mới và tiềm năng.
Tăng trưởng và kiểm soát lạm phát phải song hành
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh đầu năm 2025 chưa có nhiều khởi sắc, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của đề án. Ủy ban Kinh tế lưu ý cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công.
Về chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc điều chỉnh chỉ tiêu CPI là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của DN. Do đó đề nghị Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025, bên cạnh các giải pháp Chính phủ đưa ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục tăng cường năng lực nội sinh; chú trọng củng cố quan hệ thương mại quốc tế, khai thác sự dịch chuyển thương mại và công nghệ trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn.
Chính sách tiền tệ, tài khóa cần tiếp tục được điều hành chủ động và linh hoạt, trong đó điều hành chỉ bám sát dự toán, tiết kiệm để dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, an sinh xã hội và đảm bảo cân đối ngân sách.
Chính phủ đang sắp xếp tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Ủy ban Kinh tế lưu ý thêm không để việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đề nghị Chính phủ ban hành những cơ chế có thể quyết nghị được ngay, như chính sách miễn thị thực (visa), hàng không... để mang lại tác động tức thì tới nền kinh tế.
Khơi thông động lực tăng trưởng mới bằng thúc đẩy công nghệ
Cùng với phát triển các dự án hạ tầng, nhiều DN mong muốn đẩy mạnh đầu tư vào các dự án công nghệ, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)... để khơi thông các động lực tăng trưởng mới.
Nhắc đến nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học và đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Trung Chính, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn công nghệ CMC, cho rằng Nhà nước cần sớm hoàn thiện thể chế và hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi khi dự án mà CMC đang triển khai có quy mô đầu tư từ 700 triệu USD đến 1 tỉ USD, gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Ông Nguyễn Việt Quang, tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, khẳng định không ngừng nỗ lực đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực mang tính chiến lược như hạ tầng năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, công nghiệp hỗ trợ nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững. Vì vậy, mới đây Vingroup đã đặt chân vào lĩnh vực sẽ là xu hướng của tương lai là robot học, người máy đa năng.
Theo đó, Vingroup thành lập hai công ty mới và VinRobotics, VinMotion để phát triển các giải pháp tối ưu cho DN, tạo ra những lợi ích thiết thực bền vững và nhân văn cho con người.
Ông Quang chia sẻ Vingroup xác định việc nghiên cứu và đổi mới công nghệ là yếu tố cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định DN sẽ cam kết đóng vai trò tiên phong thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của đất nước.
Còn ông Trương Gia Bình, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, đề nghị cần phải giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ bởi tăng trưởng GDP thì trình độ khoa học đi lên. Vì vậy, để tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn" là khoa học công nghệ, ông Bình đề nghị cần "bình dân AI vụ", tiếp nối tinh thần "bình dân học vụ".
Đồng tình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng khuyến nghị các DN cần tập trung cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, tiên phong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo tinh thần nghị quyết 57 của Bộ Chính trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Tích cực tham gia thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Chủ động khai thác các động lực tăng trưởng mới, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; phát triển các lĩnh vực mới nổi như chip và công nghệ AI để tăng tốc, bứt phá, phát triển một cách bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận