Mục tiêu của các chuyến đi này là ghé qua thật nhiều địa điểm du lịch, thử thật nhiều đặc sản địa phương chỉ trong khoảng thời gian ngắn và với chi phí thấp, thế nên đòi hỏi việc lên kế hoạch và thực hiện chuyến đi phải có độ chính xác cao như tác phong người lính.
Có lẽ vì thế truyền thông Trung Quốc đã đặt tên cho trào lưu du lịch mới này là "du lịch kiểu lính".
Kể về chuyến đi "kiểu lính" của mình với báo South China Morning Post, Ubon Yu, hiện là sinh viên đại học ở Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), cho biết lịch học ở trường khá linh hoạt, nên anh có thể dành những ngày cuối tuần để đi du lịch đến các thành phố lân cận.
"Chúng tôi thường khởi hành vào chiều thứ sáu, để có thể ngủ trên tàu qua đêm và bắt đầu ngày mới ngay khi đến nơi".
Tính kỷ luật, tự giác chính là yếu tố quan trọng cho những chuyến đi như thế, cậu sinh viên 22 tuổi tiết lộ.
"Nếu đi vào cuối tuần, chúng tôi sẽ chọn chuyến tàu đêm để trở về vào tối chủ nhật. Cách này giúp tiết kiệm tiền khách sạn và chúng tôi không bị lỡ lớp học vào sáng hôm sau" - Yu kể thêm.
"Chúng ta đã lãng phí ba năm vì đại dịch. Tôi muốn đi tham quan trong nước nhiều hơn khi mình vẫn còn nhiều năng lượng và thời gian rảnh" - Yu nói.
Thế nên, từ khi Trung Quốc nới lỏng các lệnh hạn chế đi lại vào đầu tháng 1 năm nay, Yu đã đi du lịch "kiểu lính" đến các thành phố như Vũ Hán, Quế Lâm và Quảng Châu, thường là một chuyến mất tầm 3 ngày.
Thử thách từ những chuyến đi này giúp cậu bước khỏi vùng an toàn của mình. Tuy đi như thế khá mệt mỏi về thể chất nhưng cậu thấy tinh thần sảng khoái hơn, Yu bộc bạch thêm.
Báo South China Morning Post dẫn số liệu du lịch từ một nguồn và chỉ ra rằng trong lễ hội Thanh minh mới đây, 62% các bạn trẻ gen Z ở Trung Quốc đã chọn đi du lịch vào ban đêm và 30% trong số họ đã đi tham quan hơn bốn danh lam thắng cảnh trong một ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận