Hoa đỗ quyên tán rộng nở trên độ cao 1.700m - Ảnh: B.S.
Tôi có thể khẳng định rằng đỗ quyên ở Tây Giang là khu rừng độc nhất vô nhị. Hiếm có nơi đâu mà một cánh rừng với diện tích lớn như thế, trên độ cao như vậy mà phân bố dày đặc một cách tuyệt đối toàn hoa đỗ quyên.
Bí thư huyện Tây Giang Bh‘ríu Liếc
Khu rừng kỳ lạ
Những tia sáng đầu tiên của ngày mới xuyên thẳng và làm bừng sáng lung linh lớp sương dày đặc. Chúng tôi thức giấc ngay trên từng vạt rừng đỗ quyên tím với những thân cây ở độ tuổi trung bình nhưng chen nhau hướng thẳng đứng lên trời. Đỗ quyên ở độ cao này hầu như rất ít cành con, từ lúc mọc mầm cho tới khi cao lớn chúng có xu hướng chĩa thẳng lên mặt trời để hứng sáng.
Nhưng nếu chỉ đứng ở một khoảnh rừng duy nhất để ngắm đỗ quyên thì khó có thể hình dung sự đa dạng của thế giới kỳ lạ này. Theo người đi rừng Cơ Tu kỳ cựu Coor Bưir, đỗ quyên phân bố theo từng trảng cây có hình thù khác nhau. Không ai có thể ngờ những rừng cây thẳng đuột như trúc, cao hàng chục thước đâm thẳng lên trời mà chúng tôi đang mắc hai đầu võng lại chính là đỗ quyên.
"Loài cây thẳng này phần lớn là đỗ quyên tím. Màu hoa tím tươi khi nở thì rất thơm và đẹp" - ông Văn Công Tuấn, một chuyên gia về rừng đỗ quyên, cho biết.
Chúng tôi nối gót nhau để luồn qua các trảng rừng khác. Nếu như ngày hôm trước, tất cả các thành viên vật vã vì những giờ leo núi hành xác thì khi đứng dưới rừng đỗ quyên, không ai còn có thể phàn nàn. Ai cũng hăm hở tận dụng từng giây phút trôi qua để nhìn ngắm và hít thở hình ảnh tuyệt vời của một thế giới rừng độc đáo trên độ cao 2.000m.
Điều lạ lùng là chỉ vài bước chân trước đó đoàn người đang bước dưới hàng ngàn gốc cây chĩa lên trời thì sau đó nhìn lên, trên đỉnh đầu là những cành cây phủ đầy rêu phong đang bủa vây, uốn lượn giống hình thù những cánh tay của quái vật. Rừng đỗ quyên được "đổi cảnh" chỉ trong vài bước chân.
Ông Văn Công Tuấn cho biết sở dĩ có sự khác biệt giữa hình dạng cây đỗ quyên như vậy là bởi đỗ quyên sống trên độ cao này, giao nhau giữa hai vùng khí hậu khác nhau.
Nếu như ở mạn phía đông đỗ quyên mọc trên nền thời tiết ẩm ướt, lớn lên trong những đợt mưa bão khiến cây dính rêu phong, thân cành dài và hình thù kỳ dị thì phía tây hướng giáp Lào đỗ quyên lại chịu sự khô hạn của gió Lào triền miên nên thân cây thẳng đứng.
Nhưng dù có khác nhau về điều kiện sống và hình dạng cây, lúc trổ hoa, vạt rừng đỗ quyên nào cũng là sự dâng hiến của thiên nhiên cho cái đẹp.
Rừng đỗ quyên trổ hoa vào đầu tháng 3 - Ảnh: B.S.
Kho báu giữa rừng già
Kết quả điều tra từ Viện Sinh thái học miền Nam cho thấy trong tổng số 450ha phân bố đỗ quyên, có hai loài đỗ quyên chính: loài lá rộng và loài lá kim. Điều hi hữu là hai loài này sống xen kẽ nhau mà không một loài cây nào khác có thể chen vào được. Hoa đỗ quyên ở đây có đầy đủ màu từ trắng, trắng pha hồng, tím, đỏ.
Trên khu rừng đặc biệt này, có 435 gốc đỗ quyên kỳ dị, độ tuổi hàng trăm năm được công nhận là cây di sản Việt Nam. Việc phát hiện ra rừng đỗ quyên cổ được xem là một sự kiện lớn tại Tây Giang.
Liên tiếp các chuyên gia, các nhà sinh thái học, đoàn các nhà khoa học được lên đây để trực tiếp chứng kiến một "kho báu" giữa rừng già, nơi người dân Cơ Tu địa phương thường gọi bằng cái tên "K’Lang", hàm ý rằng đỉnh núi đỗ quyên cao đến nỗi chỉ có đôi cánh của con chim đại bàng (K’Lang) mới có thể bay tới.
"Nếu có thời gian, mời bạn ghé rừng đỗ quyên vào cuối mùa đông để thấy hết vẻ đẹp của nó. Nó là vua của các loài hoa. Khi đứng giữa rừng đỗ quyên đúng thời điểm hoa trổ ngào ngạt, bạn sẽ có cảm giác rằng đó là một tấm áo thổ cẩm của người Cơ Tu, được dệt đan vô cùng tỉ mẩn với hàng ngàn chi tiết hoa văn, màu sắc sặc sỡ. Chiếc áo ấy được một người khổng lồ thần bí trải rộng ra phủ lên những đỉnh núi thiêng để hong nắng, ngậm sương" - bí thư huyện Tây Giang Bh'ríu Liếc miêu tả.
Theo giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và du lịch huyện Tây Giang Phạm Quốc Hường, sau khi phát hiện khu rừng đỗ quyên cổ vào tháng 4-2014 đến nay, ngoài đoàn chuyên gia của Viện Sinh thái học miền Nam thì số người có thể đặt chân tới rừng đỗ quyên đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một phần vì độ cao quá lớn, đường lên quá khó, nhưng một phần cũng vì huyện Tây Giang muốn giữ yên cánh rừng này để phát triển du lịch về sau.
"Không một ai có thể phủ nhận giá trị của những cánh rừng đỗ quyên như thế này. Để có được chúng, thiên nhiên có lẽ phải mất tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm. Chuyến đi lần này của chúng tôi là để khám phá, ghi chép lại hiện trạng rừng phục vụ cho công việc lâu dài" - ông Hường nói.
Khi xem lại hành trình của chuyến khám phá rừng đỗ quyên được quay trong camera gắn trên đầu mũ, nhiều người trong đoàn leo núi của chúng tôi đã reo lên sung sướng. Đầu tiên là những háo hức khi bắt đầu lên đường, kế đó là những đợt hành xác với tiếng thở dốc giữa rừng già. Và cảm giác bùng vỡ khi đặt chân tới rừng đỗ quyên. Đoạn phim được tua chậm lại với hình ảnh những cánh hoa đỗ quyên bị gió rung rồi rơi xuống đoàn người như một cơn mưa hoa đủ màu. Ấn tượng thật khó phai!
Một gốc đỗ quyên cổ thụ - Ảnh: B.S.
Cần có đánh giá khoa học để công bố ra dư luận
Đỗ quyên có tên khoa học là Rhododendron, là một chi thực vật với khoảng 850 - 1.000 loài. Đỗ quyên phân bố rất rộng, nhiều nơi được tìm thấy ở độ cao lớn như vùng núi Himalaya, Nepal, Vân Nam và Tứ Xuyên (Trung Quốc)...
Ở Việt Nam, đỗ quyên phân bố ở vùng núi thuộc Sa Pa (Lào Cai), Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng). Riêng quần thể hoa đỗ quyên tại Tây Giang (Quảng Nam) thì đến nay chưa có thông tin công bố.
Đỗ quyên có đặc điểm là cây bụi và lớn - loại này tương đối hiếm. Những loài nhỏ nhất cao chừng 10-100cm, loài lớn nhất được ghi nhận đến nay có thân cao tới 30m. Đối chiếu với những thông tin này, rừng đỗ quyên ở Tây Giang có thể sẽ ẩn chứa những thông tin bất ngờ, chắc chắn sẽ gây kinh ngạc, nên rất cần được các nhà khoa học tìm hiểu, công bố ra dư luận.
Kỳ tới: Phát hiện và xúc tiến…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận