05/05/2019 09:04 GMT+7

Khám phá rừng đỗ quyên - Kỳ 1: Hành trình 10 tiếng leo núi

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Có một khu rừng đỗ quyên cổ nằm trên đỉnh cao nhất tuyến biên giới Việt - Lào tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam mới được tìm ra. Để đến được khu rừng này là một hành trình hành xác...

Khám phá rừng đỗ quyên - Kỳ 1: Hành trình 10 tiếng leo núi - Ảnh 1.

Hoa đỗ quyên nở trên rừng đỗ quyên

Một mùi thơm thoang thoảng trộn lẫn mùi lá mục bay lên. Trước mặt chúng tôi, những tầng hoa đỗ quyên đang khô dần trên tán lá, rụng xuống đất. Một cảnh tượng như trong phim cổ trang, lãng mạn và kỳ diệu chưa từng thấy

Đường lên rừng được vạch ra với thời gian đi bộ dự kiến 10 tiếng đồng hồ ngược núi. Để chuyến đi được diễn ra suôn sẻ, hàng chục cán bộ, nhân viên UBND huyện Tây Giang phải chuẩn bị mọi thứ trước đó nửa tháng trời.

"Khu rừng đặc biệt"

Giữa tháng 4-2019, chúng tôi nhận được điện thoại từ Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’ríu Liếc - một người đi rừng được xếp vào hạng "có số má" tại huyện biên giới giáp Lào. Qua điện thoại, ông Liếc thông báo rằng đoàn công tác của huyện sẽ trở lại khu rừng đỗ quyên để tiến hành hai công việc quan trọng: xác định tọa độ, đánh giá hiện trạng rừng đỗ quyên theo mùa và dựng một số chòi gác phục vụ tham quan ngắm cảnh về sau trên các đỉnh cao.

Chưa hình dung ra hành trình khổ ải đang chào đón mình phía trước, nhưng sự hấp dẫn kỳ thú dẫn vào khu rừng đỗ quyên đã khiến chúng tôi chỉ muốn xỏ giày để lên đường ngay. Đoán được sự háo hức đó, ông Liếc chỉ nói ngắn gọn: những người leo núi giỏi nhất của huyện đã được cử đi, nhưng chỉ có một người tìm ra rừng hoa. Đây là chuyến đi nhiều rủi ro, không đơn giản.

Hoa đỗ quyên mọc thành rừng là chuyện không hiếm ở một số khu vườn quốc gia của nước ta. Chúng tôi đã nhìn thấy loài hoa này ở một số vị trí như Vườn quốc gia Bạch Mã (Huế), Vườn quốc gia Cúc Phương. Tuy nhiên, để mọc thành rừng, ken đặc, thống trị trên bình nguyên rộng tới hàng trăm hecta thì quả thật chưa từng thấy ở đâu.

"Đó là một khu rừng hoa đỗ quyên rất đặc biệt. Chúng tôi sống ở Tây Giang bao nhiêu năm nhưng chỉ nghe rỉ tai, đồn đại từ người dân địa phương về một khu rừng đâu đó trên các đỉnh núi chứ chưa từng biết chính xác ở vị trí nào. Cho tới thời điểm Bí thư Huyện ủy Bh’ríu Liếc tình cờ đọc được một tài liệu của người Pháp ghi chép lại" - giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư du lịch Tây Giang Phạm Quốc Hường tiết lộ.

Sau nhiều ngày chuẩn bị, sáng 20-4 chúng tôi tập kết tại bìa rừng ở điểm dừng chân A Liêng, xã Tr’Hy để chuẩn bị cho hành trình ngược núi lên độ cao 2.000m vào rừng đỗ quyên cổ. Hành trang mang theo gồm gạo, xoong nồi, thực phẩm, túi ngủ, đèn pin và một thứ sẽ không bao giờ được thiếu đối với người leo núi qua đêm: rượu trắng nguyên chất.

"Vào ban đêm, nỗi sợ hãi và độ chênh nhiệt độ sẽ ập đến rất nhanh. Khi ấy chỉ có rượu mạnh mới giúp chúng tôi nhắm mắt ngủ được, giữ đủ hơi ấm trong lồng ngực" - ông Phạm Quốc Hường nói.

Khám phá rừng đỗ quyên - Kỳ 1: Hành trình 10 tiếng leo núi - Ảnh 3.

Dùng thiết bị GPS để tìm đường đi đến rừng đỗ quyên

"3 bước đi 1 bước nghỉ"

Đoàn lên rừng hoa đỗ quyên gồm 15 thành viên, ngoài những người địa phương còn có hai phụ nữ: tất cả đều là cán bộ Trung tâm Xúc tiến đầu tư du lịch Tây Giang. Trước khi chuyến đi được bắt đầu, người phụ trách đoàn đưa ra lời cảnh báo: "Đường rất xa và dốc đứng, ai không đi thì có thể quay lại". 

Tuy nhiên những tò mò về khu rừng kỳ vĩ trên đỉnh cao được chiếu trên chiếc điện thoại đã thúc giục những đôi chân nên không một ai chùn bước.

Hành lang biên giới Việt - Lào khu vực Tây Giang xuất hiện trên bản đồ với những mảng tối màu xanh sẫm. Đó là những khu rừng cổ, tuổi đời hàng ngàn năm, quây kín đặc trải trên vùng rộng 92.000ha. Rừng hoa đỗ quyên cổ nằm cách vị trí đoàn xuất phát chỉ khoảng 9,5km nhưng cho tới nay vẫn là một thử thách mà để lên được tới đó thì sự quyết tâm thôi là không đủ.

8h sáng, mặt trời xuyên qua rừng già chiếu xuống lớp thảm mục. Đoàn người cắt rừng, bước đi trong dải ánh sáng kỳ diệu ấy. Chúng tôi không thể đếm hết được bao nhiêu con suối, bao nhiêu khúc cua luồn dưới từng chùm rễ cây khổng lồ phải luồn qua. Càng đi sâu vào bên trong, rừng Tây Giang càng cho thấy sự kỳ vĩ và ma mị. 

Nhưng rồi sự háo hức của chúng tôi không kéo dài được lâu. Dù đi dưới tán rừng mát lạnh nhưng sức nóng của mặt trời đã nhanh chóng làm khô cơ thể. Những tiếng loạc soạc giữa rừng vì ngã, những âm thanh thở dốc bắt đầu xuất hiện ở các thành viên.

"Bao giờ thì đến nơi?" - một thanh niên bước sau cùng hét lên hỏi người phụ trách đoàn. Thiết bị định vị bản đồ vệ tinh được bật lên cho thấy một chấm đỏ nơi đoàn đang đứng. "Chúng ta mới chỉ 'rôđa' những bước chân đầu tiên của hành trình" - người phụ trách đoàn cho biết.

12h trưa, sức nóng từ trên tán cây đổ ập xuống từng khuôn mặt phờ phạc. Một thành viên nữ sau vài bước lảo đảo đã ngã bệt ra vực, giơ cánh tay lên cầu cứu, nói như muốn khóc: "Em không thể bước được nữa".

Thấy tình hình không ổn, ông Coor Bưir - một người Cơ Tu địa phương - quyết định hạ trại để đoàn nghỉ ngơi, tiếp nước. Bằng kinh nghiệm nhiều năm sống ở rừng, ông Bưir nói rằng rất nhiều người trong đoàn đã có dấu hiệu mất nước, cần phải nghỉ ngơi để lấy lại sức. 

Ông Bưir cho biết nếu đi rừng mà bước vội, đặt tư thế chân không đúng thì sẽ rất nhanh kiệt sức. Bởi vậy, muốn đi tới đích thì không thể đi nhanh mà phải... từ từ, ba bước đi một bước nghỉ.

18h chiều, mặt trời đỏ lựng như quả cầu khổng lồ bắt đầu khuất dần dưới từng lớp cây cổ thụ. Đoàn người bắt đầu đặt những bước đầu tiên tới bìa rừng hoa đỗ quyên. Một mùi thơm thoang thoảng trộn lẫn mùi lá mục bay lên.

Trước mặt chúng tôi, những tầng hoa đỗ quyên đang khô dần trên tán lá, rụng xuống đất. Chúng tôi có cảm giác như mỗi bước chân mình đi, hoa rơi càng nhiều. "Một cảnh tượng như trong phim cổ trang, lãng mạn và kỳ diệu chưa từng thấy" - các thành viên reo lên trong sung sướng.

Khám phá rừng đỗ quyên - Kỳ 1: Hành trình 10 tiếng leo núi - Ảnh 4.

Chạm ngõ khu rừng đỗ quyên kỳ dị

450ha

Qua khảo sát và đo đếm, UBND huyện Tây Giang xác định rừng đỗ quyên phân bố tổng cộng khoảng 450ha. Điều đặc biệt ở khu rừng đỗ quyên này là rừng mọc ken đặc trong một bình nguyên tương đối bằng phẳng trên đỉnh núi, bao trùm từ đỉnh này qua đỉnh khác ở độ cao 2.000m.

_________________________________

Kỳ tới: Lạc vào vương quốc đỗ quyên

Khám phá 'vương quốc' hoa đỗ quyên

TTO - “Vương quốc hoa đỗ quyên” nằm dưới chân đỉnh Phanxipăng trên dãy núi Hoàng Liên hùng vĩ. Nơi đây mới được các nhà khoa học Việt Nam phát hiện 30 loài cây đỗ quyên mọc tự nhiên trong rừng nguyên sinh ngàn tuổi.


THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên