Phóng to |
Thác Kèm như dải lụa trắng của người Thái ở miền tây xứ Nghệ - Ảnh: H.Dương |
Sự nhiệt tình của ông Tâm vẽ lại hành trình đã trải qua tại Pù Mát, cộng với đam mê khám phá cảnh đẹp thiên nhiên, chúng tôi quyết định thử một lần lạc mình vào vùng rừng núi Pù Mát.
Đắm mình trong “dải lụa trắng” của người Thái
Tiết trời đã vào thu, nhưng miền tây xứ Nghệ vẫn còn rất nóng bởi những cơn gió Lào tràn qua. Từ thị trấn Con Cuông trên quốc lộ 7, chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ chạy giữa tán rừng xanh thẳm. Càng vào sâu, mọi người đều cảm nhận tiết trời đã dịu mát. Qua mấy con suối nhỏ chảy róc rách ven đường, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những bản làng người Thái nhỏ xinh bên sườn núi.
Theo lời anh Lô Thanh Liêm (dân tộc Thái ở xã Lục Dạ, Con Cuông), người mà chúng tôi tình cờ gặp bên một dòng suối ven đường, thác Kèm còn có tên gọi là thác Bổ Bố, có nghĩa là dải lụa trắng bởi vẻ đẹp mềm mại, kiều diễm giữa núi rừng nơi đây. Khi đến dưới chân thác Kèm, một số nhóm khách đã có mặt, có cả xe máy lẫn ôtô ở Nghệ An và các tỉnh khác.
Từ đằng xa, tiếng thác nước đổ ào ào mang theo hơi lạnh lan tỏa khắp xung quanh. Leo qua những bậc đá mấp mô, rêu phong, cuối cùng thác Kèm hiện ra trước mắt. Một thác nước trắng xóa y như dải lụa trắng chảy từ đỉnh núi xuống. Tiếng nước đổ ào ào, đập vào vách đá bắn tung tóe rồi bụi nước theo gió bay khắp xung quanh. Cuối ngọn thác là một hồ nước lớn với độ sâu vào mùa hè lên đến 4-5m.
Mấy người bạn của tôi lần đầu tiên đến nơi này đã phải ngạc nhiên thốt lên: “Oa! Đẹp quá, đẹp thật đấy... Hoành tráng quá!”. Nhiều bạn trẻ đã nhảy xuống vũng nước trong veo mát lạnh dưới chân thác bơi lội. Ngay mấy cô bạn gái trong đoàn chúng tôi đã diện nguyên xiêm y rồi lao xuống nước vùng vẫy thích thú. Phía dưới chân thác là những phiến đá phẳng lì rộng bằng cả chiếc giường, làm chỗ nghỉ chân tuyệt vời cho du khách.
Anh Mai Đăng, một người ở Đô Lương, Nghệ An, cho biết: “Mùa hè nhiều người thường vào đây để...giải nhiệt, bởi nhiệt độ bên ngoài có thể lên tới 40oC, nhưng ở đây chỉ tầm 18-20oC”. Vào thác Kèm vui chơi thỏa thích, lúc ra về du khách còn được thưởng thức các món ăn rất ngon tại đây như cá mát sông Giăng rán, gà đen nướng, nộm hoa chuối và cơm lam...
Phóng to |
Bản người Thái bên dòng suối trong Vườn quốc gia Pù Mát - Ảnh: H.D. |
Bơi thuyền trên sông Giăng, tắm ở suối Tiên
Cũng từ quốc lộ 7 rẽ vào một con đường nhựa khác, chúng tôi còn tìm thấy những điều kỳ diệu khác nơi núi rừng Pù Mát. Những bản văn hóa du lịch cộng đồng của người Thái khá khang trang. Khách vào đây nghỉ trưa hay thậm chí cả tối ở nhà sàn sẽ được thưởng thức rượu cần đặc biệt và chiêm ngưỡng cách thêu váy, khăn rất đặc sắc. Ngay tại xã Lục Dạ có bản Yên Thành với làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, các cô gái Thái với bàn tay rất khéo léo của mình dệt nên những chiếc váy, khăn, túi xách... đẹp lung linh. Ai có nhu cầu học thêu, dệt ngắn hạn trong ngày sẽ được hướng dẫn ngay.
Dừng chân một lúc bên bản người Thái, theo mách bảo của mọi người, chúng tôi lại đi tìm khe Nước Mọc. Đây là một khe nước rất đặc biệt vì không có nguồn, mà dòng nước tự đùn lên từ lòng đất giống như tên gọi. Nước cứ đùn lên suốt ngày đêm, tạo thành một khe nước trong xanh mát rượi rồi chảy qua những tảng đá tạo thành con suối. Theo cách lý giải khoa học thì trong lòng đất sâu ở đây có nhiều mạch nước hợp thành, chảy qua núi đá rồi “mọc” lên ở bản Nứa thành khe Nước Mọc.
Rất đông du khách tới đây để chiêm ngưỡng sự kỳ thú ấy và cũng để tắm một lần lấy may. Chị Thanh, bán quán ở đây, cho biết tương truyền ai tắm ở khe Nước Mọc này sẽ gặp nhiều may mắn. Tại bản Nứa, xã Yên Khê, Con Cuông, từ ngàn đời nay vẫn truyền tai nhau một câu chuyện ly kỳ về khe Nước Mọc. Vào những ngày rằm (15 âm lịch) của các tháng 5, 8, 9 trong năm không ai được đến chơi chứ đừng nói gì ra khe Nước Mọc tắm rửa. Bởi đó là những ngày dành cho các nàng tiên trên trời xuống tắm. Chính vì thế khe Nước Mọc còn có tên gọi là suối Tiên.
Đến tận cuối của lõi rừng Pù Mát thuộc địa phận xã Môn Sơn, chúng tôi quyết định dừng chân bên chiếc cầu treo bắc qua sông Giăng. Mảnh đất này đã rất gần nước bạn Lào rồi. Bên đập thủy lợi Phà Lài, tên chính thức là đập thủy lợi Môn Sơn, con đập cực lớn trên dòng sông Giăng được khánh thành ngày 19-5-2002. Cảnh sắc đất trời nơi đây hiện ra trước mắt chúng tôi thật hùng vĩ.
Trên dòng sông Giăng hiện tại có rất nhiều chàng trai Thái đang tắm mát. Chị Thu, một chủ thuyền ở đập Môn Sơn, cho biết: “Bọn em có thể du thuyền ngược sông Giăng vào thăm bản của người Đan Lai hoặc ngắm cảnh núi rừng Pù Mát. Một chuyến đi như vậy có thể mất cả ngày, thậm chí ngủ đêm ở bản. Giá thuê thuyền là 1 triệu đồng/5-7 người”. Cảnh sắc sông Giăng cùng những tán rừng Pù Mát hiện ra ở một góc độ thú vị khác khi du khách ngắm nhìn từ chiếc thuyền máy chạy phành phạch.
Vườn quốc gia Pù Mát có diện tích vùng lõi rộng 94.804ha và vùng đệm rộng 86.000ha, trải rộng trên ba huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn của tỉnh Nghệ An. Theo tiếng Thái, Pù có nghĩa là đỉnh núi, Pù Mát là đỉnh núi cao nhất trong khu vực (1.841m) và được đặt tên cho vườn quốc gia. Pù Mát chính là nơi ở của người Thái - dân tộc đã sống ở đây nhiều đời. Vườn quốc gia Pù Mát có nhiều loài động thực vật rừng mới được khám phá trong thời gian gần đây: 2.500 loài thực vật thuộc 160 họ và gần 1.000 loài động vật... Đặc biệt, một khung cảnh thiên nhiên hoang sơ như chưa hề có bàn tay con người chạm đến: rừng nguyên sinh thượng nguồn Khe Thơi, Khe Bu, Khe Choăng, Cao Vều... Thác Kèm, suối Nước Mọc, sông Giăng, rừng săng lẻ và những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái, Mông, Đan Lai - nét hoang sơ là món quà của thiên nhiên ban tặng cho Vườn quốc gia Pù Mát. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận