Một góc bình yên của khu nhà vườn cổ - Ảnh: My Lăng |
“Điểm đặc biệt của ngôi nhà vườn cổ duy nhất Hà Nội này còn vì nó là nhà xuyên phố: cổng trước là 115 Hàng Bạc và cổng sau ở số 6 Đinh Liệt. Nhà xuyên phố là nét độc đáo chỉ riêng có ở phố cổ Hà Nội, rất khó tìm thấy ở Hội An và Huế thì hầu như không” - chị Lan khẳng định.
Xuyên qua con ngõ nhỏ, nơi phía cuối con đường, mắt tôi chạm vào màu xanh từ tàn cây cao vượt qua khỏi bờ tường, cổng vào; xanh từ những dây leo mềm mại bò dưới đất.
Ánh nắng vàng tươi của một buổi sáng đầu đông Hà Nội như dịu đi trước mảng màu xanh mướt mắt bao quanh khu vườn. Ngôi nhà vườn hiện ra sau những tầng lá xanh ngắt.
Ông Phạm Ngọc Giao, 73 tuổi - con trai thứ của cụ Phạm Thị Tề, chủ nhân của ngôi nhà vườn cổ - nhiệt tình dẫn khách tham quan vườn, chỉ từng cây một và giới thiệu về lai lịch, tuổi đời của nó: cây si này đã 82 tuổi, cây móng rồng kia đã 72 năm, cây cau đây đã 62 tuổi đời...
Bên phải từ ngoài cổng phố Đinh Liệt đi vào, khách sẽ gặp cây liễu, tượng trưng cho người nữ. Bên trái là cây trúc quân tử, tượng trưng cho người nam. Hai bên là cây mộc hương.
Giữa vườn cạnh tiểu đảo là cây hoa sứ Champa. “Chỉ riêng phần sân vườn này là 180m2, còn tổng diện tích đất nhà chúng tôi rộng 560m2” - ông Giao nói.
“Điều đặc biệt là vườn nhà tôi vẫn giữ được không gian hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc với tỉ lệ 1, tức vườn sân - nhà tỉ lệ là 1:1. Nhà cao bao nhiêu, rộng bao nhiêu (chiếu đứng) thì sân vườn phía trước nhà (chiếu bằng) phải tương ứng. Đây là tỉ lệ lý tưởng” - ông Giao tự hào nói.
Trên gác ba (gác thượng), nơi cao nhất của căn biệt thự, là điện thờ mẫu Liễu Hạnh. Chỉ thêm một bước chân thôi là ra khỏi cửa, đến bancông nơi có 9 giếng trời. Chín luồng ánh sáng từ nắng trời xuyên thẳng xuống 9 giếng trời tạo nên không gian vừa lạ lẫm, vừa huyền ảo thú vị.
“Giếng trời thu được ánh sáng của trời, lấy được âm khí mặt đất, là nơi âm dương giao hòa, làm cho tâm hồn con người khi bước vào đây trở nên thanh thoát, nhẹ bẫng”.
Trước đây, căn biệt thự vốn là nhà hình ống, có trước năm 1920, được bố mẹ ông Giao mua năm 1945. Ngôi nhà được sửa lại từ năm 1945 nhưng đến năm 1949 mới hoàn thành. Kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ biến ngôi nhà ống đơn thuần thành biệt thự hai tầng với 16 phòng.
Ngôi nhà là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Pháp và đình làng Việt với hành lang, cầu thang; bờ tường cao thoáng, mái nhà lợp ngói, đầu rồng cách điệu ở đỉnh mái nhà... Sau những lần vật đổi sao dời, khu nhà vườn tổng diện tích gần 600m2 nay chỉ còn 300m2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận