12/06/2011 14:16 GMT+7

Khám phá hang Én

TRẦN THẾ DŨNG
TRẦN THẾ DŨNG

TT - Trước khi bay ra Đồng Hới (Quảng Bình) sau đó theo đoàn khảo sát vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để tới hang Én, chúng tôi mù tịt về nơi này. Không có website nào nhắc tới nó ngoài một vài tin vắn cho biết hang Én được tạp chí National Geographic (Hoa Kỳ) đánh giá là một trong những hang động kỳ vĩ trên thế giới.

iiKTxTSI.jpgPhóng to

Thư giãn dưới cửa hang Én, bên dòng suối Rào Thương - Ảnh: T.T.Dũng

Chính vì vậy không chỉ riêng chúng tôi, nhiều người cũng khao khát khám phá hang Én để được hưởng cảm giác của kẻ chinh phục.

Sáng sớm, cả nhóm nai nịt gọn gàng, balô trên lưng, chân mang giày vải và quấn xà cạp đến đầu gối để chống vắt, rắn rết... Từ km35 đường Hồ Chí Minh nhánh tây nằm trên độ cao 553m so với mặt biển, tất cả bắt đầu theo lối mòn đi vào cánh rừng nguyên sinh trải dài đến ngút tầm mắt. Hành trình dài 9km chia ra hai chặng rạch ròi, chặng thứ nhất hầu hết là dốc cao, rừng kín trên núi đá vôi; chặng hai là rừng thưa trên thảm cỏ, cây bụi ẩm ướt vì ngập nước hằng năm và lội suối.

Bản Đoòng, một ngôi làng nhỏ gồm sáu hộ gia đình người Vân Kiều là điểm đầu tiên nhóm dừng chân sau ba giờ “hành quân”. Dù sinh sống nơi heo hút, cuộc sống giữa muôn trùng núi non còn nhiều khó khăn nhưng người bản địa rất tự hào khi nói bản Đoòng từng được đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động hoàng gia Anh chọn là nơi dừng chân, nghỉ ngơi trước khi phát hiện hang Én, đặc biệt là Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới.

txXzzxvS.jpgPhóng to

Cửa hang hướng tây bắc nhìn ra cánh rừng nguyên sinh, hướng đi Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới cách 2km - Ảnh: T.T.Dũng

Bản Đoòng cũng là khởi điểm của chặng đường toàn thảm cỏ dại đan xen rau tàu bay, chuối rừng, môn dại và cây nạng hai (lá han, một loại cây độc mà bất cứ ai đi rừng cũng phải né tránh). Ở rừng mới mấy ngày, chúng tôi đã học biết bao điều mới lạ. Học cách mang giày vừa đi dưới suối dễ dàng lại vừa đi trên thảm cỏ mục mà không bị vắt tấn công, học cách nhận ra lá tàu bay để ngắt hái nấu canh cải thiện bữa ăn, cách giăng lưới, bắt cá...

Phòng rủi ro khi đường rừng càng lúc càng rậm rạp, nhóm quyết định “hành quân” dưới suối Rào Thương để thông thoáng. Từ đây đến hang Én còn 3,5km theo lời anh kiểm lâm dẫn đường. Thỉnh thoảng lại phát hiện những dấu chân thú trên bờ cát cùng vô số đàn bướm đủ sắc màu bay rập rờn ven bờ.

Tiếp tục xuôi theo dòng suối, cuối cùng chúng tôi cũng đến được hang Én. Cảm giác choáng ngợp và xúc động như phủ trùm tất cả. Cửa hang nhìn ra hướng đông nam có bề rộng hơn 80m. Sau lớp cửa, lòng hang mở ra ba động nước khổng lồ với ba khoang được giới hạn phân chia bằng những lớp đá tầng tầng lớp lớp với tổng chiều dài đến 1.645m.

Nét độc đáo riêng của hang Én mà động Phong Nha lẫn động Thiên Đường đều không có là lẫn trong sắc màu dòng sông xanh ngăn ngắt, ánh sáng chiếu rọi từ những giếng trời trên trần hang làm cảnh vật càng thêm lung linh, huyền ảo. Trên trần, trong những hang hốc, thạch nhũ muôn hình vạn trạng là tổ của hàng vạn con én và dơi. Từ trong hang nhìn ra cửa hang hướng tây bắc với vòm hang cao hơn 70m có thể thấy cảnh quan sinh động, bãi cát rộng rãi và xa xa là cả cánh rừng nguyên sinh xanh mát...

Đêm về, sau một giờ giăng lưới nhóm đã bắt được hơn 60 chú cá với nhiều cái tên rất lạ: cá mát, cá cồ, cá leo, cá trầu đá... đủ để xiên cây nướng ăn ngay tại chỗ, chưa kể một số dành nấu cháo. Và giấc ngủ đến thật dịu dàng trong âm thanh rì rào, êm dịu của làn gió mát lạnh lùa vào hang như lời thì thầm của rừng, của núi...

TRẦN THẾ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên