10/08/2005 06:04 GMT+7

Khám phá động Thiên Đường

LAM GIANG
LAM GIANG

TT - Một hang mới ở giữa rừng Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) vừa được phát hiện. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hang này còn đẹp và tráng lệ hơn cả động Phong Nha, Tiên Sơn, vì vậy mới được tạm đặt tên là Thiên Đường.

NsUV3X6t.jpgPhóng to
Một cảnh trong động

Ngày 7-8-2005, PV Tuổi Trẻ đã theo chân đoàn khảo sát vào sâu trong hang mới này...

Xuống động như xuống... cõi âm

- Xem video clip về Động Thiên Đường

Từ đường Hồ Chí Minh (nhánh tây) đoạn km 16 vào đến động mới dài khoảng 7km. Hơn 6km là đường khá bằng phẳng đi trên nền đất mịn, dưới tán rừng rợp lá với những ngọn gió thổi mát rượi.

Cách động chừng 300m là đoạn phải trèo qua những triền đá tai mèo lỗ chỗ, sắc cạnh. Hang nằm trong phân khu rừng phục hồi sinh thái, thuộc vùng lõi núi đá vôi của di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Sau gần hai giờ, chúng tôi tới cửa động. Khi nhóm kiểm lâm của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hạ balô xuống, một người hô to: “Đến rồi!”. Ngó nhìn quanh quất tôi chẳng thấy cửa động nằm đâu cả.

Trong hình dung trên đường đi, tôi cứ nghĩ ít nhất cửa động cũng to như cửa động Tiên Sơn. Một anh kiểm lâm chỉ tay vào mấy mảng đá um tùm cây leo bảo: “Cửa đó!”.

b12ZCd5v.jpgPhóng to
Một khối nhũ trên nền động có màu vàng như một khối vàng ròng
Hóa ra cửa động chỉ là một hầm nhỏ độ 3m2, nằm ngay dưới chân một ngọn núi đá vôi dựng đứng, cao gần 100m. Đứng trên cửa nhìn xuống, ánh sáng trời rọi vào động được hơn chục mét, lờ mờ những dọc đất, đá choãi xuống lòng động với độ dốc rất lớn.

Xuống động. Hai đường dây chão lớn được cột vào một tảng đá và ròng xuống động. Mọi người phải hai tay bám chặt dây, chòi chân vào từng vách đá và đu dần xuống. Qua 15m như vậy mới đến được khoảng đất thoai thoải hơn một tí và không cần dùng dây nữa.

Khoảng này dài hơn 30m, lổn nhổn đá vỡ. Tôi là người thứ ba tụt xuống trong tốp người xuống trước tiên. Những bước chân lần mò trong tranh tối tranh sáng, phía dưới thì tối thui thui, cứ tưởng như đang bước xuống một cõi âm nào vậy.

Đến đoạn bằng phẳng, nhìn lên, cửa động như một hình tam giác sáng trắng nằm trong một màn đen của các vách đá vôi trông rất ấn tượng. Ông Nguyễn Tấn Hiệp, giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hô to: “Không được đi tới nữa, phải chờ đèn đã”. Tôi nhìn vào trong chỉ thấy một màu đen kịt.

Một thiên đường dưới lòng đất

Đoạn đầu của động là một vòm hang cao vài chục mét, bề rộng khoảng 100m. Dù được chiếu sáng bằng những chiếc đèn pha công suất 1.000W từ máy nổ nhưng xem ra chẳng nhìn bao quát được là bao vì động quá rộng.

Hang động Thiên Đường khác rất nhiều so với động Phong Nha và Tiên Sơn. Động rất ẩm ướt. Nền động đầy đất pha cát dẻo quẹo, cứ như đã từng có nước chảy mang phù sa vào vậy.

Mà chắc chắn là có nước chảy vì quan sát kỹ thấy nhiều mảng nền có đất và cát dợn sóng như bị nước lùa sau cơn mưa. Đoạn đầu của động đã có nhiều thạch nhũ. Ấn tượng nhất là một khoảng nhũ trải trên nền động trông chẳng khác gì một cái sa bàn của các nhà quân sự bày ra để luận chiến sự.

Đến đoạn thứ hai, vòm hang đột ngột hất lên cao đến gần trăm mét. Đèn được tập trung chiếu lên vòm và thành động trông thật hoành tráng với nhiều thạch nhũ khối, cột. Cả một bãi với hàng chục ụ thạch nhũ cao 30-60cm nằm ngay trên nền động trông rất giống các tượng Phật.

7pTkgUa8.jpgPhóng to
Đám hạt nhũ
Vùng động nằm trong cùng (chỉ là nơi đoàn khám phá có thể tới được) có một đám thạch nhũ rất lạ lùng, chưa từng thấy ở động Tiên Sơn và Phong Nha. Đó là những hạt thạch nhũ màu trắng bạc, tròn và to cỡ đồng tiền xu, xếp nằm cạnh nhau ngay ngắn trên một triền đá nhũ rộng, có thể nhặt lên từng hạt rời nhau.
Có cả những cột nhũ lớn đường kính 1-2m không khác gì tượng Phật Bà Quan Âm. Do thiếu ánh sáng nên không thể thấy rõ hết các khối thạch nhũ, nhưng ở những khối, cột đến gần được đều có thể nhận ra hình thù của các loài vật như hổ, voi, cá...

Phần lớn nền động là đất dẻo, khá bằng phẳng nên rất dễ cho mọi người đi lại tham quan. Nhiệt độ trong động luôn ở 20-210C. Chỉ ngồi trước cửa động cũng cảm nhận được từng luồng hơi mát lạnh từ dưới động thổi ngược lên, phả vào da thịt trong cái nắng 36-370C ngoài trời.

Ông Phan Lâm Phương, chủ tịch UBND tỉnh, thấy nền động rộng rãi, hào hứng nói: “Sẽ làm được các điểm dừng nghỉ chân ngay trong động để khách có thời gian ngắm nhìn lâu hơn”.

Chưa hết điều lạ, còn có các dãy thạch nhũ cao khoảng 60cm nằm vuông góc với nhau bên một mái đá tạo thành những chiếc bể đựng nước như có ai xây bằng ximăng trắng giữa nền động.

Bên trong bể còn chứa cả nước trong vắt, cứ như ai đó đã chuẩn bị sẵn cho các nàng tiên đến tắm vậy. Thỉnh thoảng máy điện lại tắt để kéo dây vào sâu hơn. Cả động im lìm không một tiếng động, dù chỉ là một hơi thở trong màn đêm đặc quánh tưởng như cắt lát ra được.

Trong tôi mông lung cảm giác đang ở vào thuở hồng hoang, bởi cái bóng đêm hoang dại và những khối thạch nhũ ướt rượt, tí tách nhỏ nước xuống như đang trong thời đất trời sinh tạo...

Ngay giữa đoạn động này là lòng của một con sông đang còn chảy mỗi khi có mưa. Những dấu vết hằn rõ nước chảy: đất cát ẩm ướt bị dồn vào từng bãi rộng dưới nền động mà không hề có thạch nhũ như ở những chỗ nền cao khác.

Trong đó, kể từ đoạn động thứ hai vào đến đoạn cuối cùng, một con mương lớn chạy suốt qua lòng động đã làm sập nhiều khối thạch nhũ xuống nền động và còn tạo ra nhiều điểm nứt gãy lớn cho nền động cùng những hố hút nước xuống sâu hoắm.

Và có khả năng động Thiên Đường thông với một dòng sông ngầm, nhưng chỉ khi có mưa lớn hoặc vào mùa mưa lũ mới có nước tràn vào lòng động. Đến đoạn động bị nứt gãy này, đoàn khám phá của tỉnh không thể đi tiếp vào nữa.

Như vậy từ cửa động vào đến đây chỉ mới trên 500m chiều dài mà thôi. Còn biết bao đoạn với bao điều kỳ thú khác nữa chưa thể đến để khám phá.

LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên