Về ý nghĩa, BS Như chiêm nghiệm nhẹ nhàng: “Nó trả về phương cách tự nhiên nhất, để một người đàn ông hoàn toàn tự tin vào bản lĩnh của mình!”.
Kỳ 1:
Phóng to |
Nguyễn Đức bên vợ và hai con sau một ngày làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ - Ảnh: Mai Vinh |
Mở đường
Những năm 1997-1998, khi Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ thành công với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm thì bên Bệnh viện Bình Dân, BS Như và đồng nghiệp còn đang mày mò cho nền móng ban đầu của một nam khoa. BS Như chọn hướng điều trị vô sinh bởi ngoài việc cần thiết cho hàng triệu người thì ấy là trách nhiệm đương nhiên mà nam khoa phải nhận.
Trong ba phương pháp điều trị vô sinh nam (nội khoa, phẫu thuật và thụ tinh trong ống nghiệm) thì phẫu thuật chính là phương pháp thứ hai trở thành định hướng của BS Như. Ông muốn bắt tay với Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ để hỗ trợ tương tác trên con đường điều trị vô sinh của mình. Năm 2000, BS Như mổ ca đầu tiên.
Kể rằng thời ấy việc phẫu thuật điều trị vô sinh ở VN giống như một niềm tin mong manh vì bao nhiêu ca mổ đã không thành công. BS Như bảo trong các cái may của mình từ thiên thời địa lợi, thì kinh nghiệm quan trọng của những chuyến du học giống như chuyện “thấy người ta xây cao ốc mấy chục tầng thì về nhà mới tự tin là có thể xây được”.
Một trong những thất bại của phẫu thuật điều trị vô sinh trước đó là không thể nào nối được chiếc ống dẫn tinh mỏng manh, chứa mạch nguồn sự sống ẩn sâu trong cơ thể con người, bằng phương tiện và cách thức thông thường. Vi phẫu thuật, với dụng cụ cực nhỏ, những sợi chỉ li ti và độ phóng đại của kính hiển vi mới có thể giúp kết nối những tĩnh mạch đường kính chừng bằng 1/10 sợi tóc. Họ đã thành công.
Đó là một ca nối lại ống dẫn tinh sau chín năm triệt sản. Bộ mặt của điều trị vô sinh thay đổi hoàn toàn. Tắc ống dẫn tinh, giãn tĩnh mạch tinh... những ca mổ đã trở nên dễ dàng nhanh chóng hơn. Tính tiện lợi và chi phí ít của nó mang lại sự phát triển mà chính người trong cuộc cũng không ngờ.
Bắt đầu là những tuần với những con số 60-70 ca một ngày. Rồi vài năm sau, với 2.000 ca trị vô sinh mỗi năm là con số “như mơ” đối với BS Như và đồng nghiệp. Những việc khó như khôi phục tinh trùng trong điều kiện tinh hoàn teo đã lâu thì đến năm 2007 Bệnh viện Bình Dân đã làm được.
Chín năm sau, năm 2009, khoa nam học thực hiện được tất cả các kỹ thuật phẫu thuật liên quan đến điều trị vô sinh và bộ phận sinh dục. Họ đã có thể kết nối tốt việc cung cấp tinh trùng cho phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ở những trường hợp không thể sinh đẻ tự nhiên. Con đường lớn đã mở, mang lại hạnh phúc cho hàng vạn con người...
Phóng to |
TS.BS Nguyễn Thành Như |
Bác sĩ nhớ em không?
Bao nhiêu ca phẫu thuật, bao nhiêu cuộc “đổi đời”, với BS Như luôn là niềm hạnh phúc. Bệnh nhân của ông có thể là người thân, bạn bè đồng nghiệp hay những người xa lạ. Từ những cán bộ cấp cao gửi ông một lời cảm ơn: “Chú đã qua ba bốn đời bộ trưởng y tế mà không giải quyết được chuyện này!”; cho đến một công nhân một hôm đến đòi thử tinh dịch đồ rồi hỏi: “Bác sĩ nhớ em không?”. Hỏi tại sao tinh dịch đồ bình thường mà còn đi khám? Đáp: “Nếu em không đi khám sao gặp được bác sĩ để cảm ơn. Vợ em có thai hai tháng rồi!”. Một năm trước, BS Như đã phẫu thuật cho bệnh nhân này. Anh là một công nhân quê ở miền Bắc.
Và một nhân vật quen thuộc nhất và cũng ngẫu nhiên nhất đã trở thành một ca đại diện cho sự kết hợp phẫu thuật và thụ tinh trong ống nghiệm hoàn chỉnh là Nguyễn Đức - người được tách từ cặp song sinh Việt - Đức năm 1988. Đám cưới của Đức là cả một sự kiện đầy nhân ái của xã hội. Sau hai năm lập gia đình anh vẫn chưa có con.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, lúc đó là giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, khuyên Đức đến gặp BS Như. Đó là ca phẫu thuật nối ống tinh và nối mào tinh đồng thời lấy tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm. Ca phẫu thuật thứ tư trong cuộc đời Đức đã mang đến điều kỳ diệu. Ngày 25-10-2009, cặp song sinh mang giọt máu của Đức đã chào đời. Đức vỡ òa khi ôm vào lòng một bé trai một bé gái và đặt tên Nguyễn Phú Sĩ và Nguyễn Anh Đào.
Trong ngôi nhà của mình hôm nay, Đức tâm sự bình thường nhưng đầy ý nghĩa: “Vợ tôi đến với tôi đã thiệt thòi nhiều, giả sử ca phẫu thuật ấy thất bại thì người buồn nhiều nhất là vợ tôi. Tôi hiểu được niềm vui từ ngôi nhà có tiếng trẻ con mà cả tôi mà cô ấy đều khao khát”.
Cánh cửa vi phẫu thuật đã mở ra cơ hội cho con người và cho cả một ngành nam khoa Việt Nam đang mò mẫm tìm ra con đường phát triển. Ở đó, hơn một thập kỷ sau, BS Như có thể tự hào về thế đứng của mình, ngay cả với các nước trong khu vực.
Ba phương pháp điều trị vô sinh nam Hiện nay, điều trị vô sinh nam có ba phương pháp: nội khoa (dùng thuốc hay các biện pháp đơn giản không dùng thuốc), phẫu thuật và hỗ trợ sinh sản hay còn gọi là thụ tinh nhân tạo (bơm tinh trùng vào buồng tử cung và thụ tinh trong ống nghiệm). Theo nguyên tắc điều trị thì nội khoa nên là chọn lựa đầu tiên. Sau đó, phẫu thuật điều trị bệnh là chọn lựa thứ hai. Thụ tinh nhân tạo chỉ nên là chọn lựa sau cùng nếu nội khoa và phẫu thuật không thể thực hiện được hoặc thực hiện được nhưng thất bại. - Phẫu thuật: dành cho các bệnh nhân có bệnh lý. Đối với giãn tĩnh mạch tinh, vi phẫu thuật cột tĩnh mạch tinh giãn hai bên ngả bẹn - bìu giúp tỉ lệ tinh trùng cải thiện trong 60-70% trường hợp và tỉ lệ có thai là 40% trong một năm. Đối với tắc ống dẫn tinh do triệt sản, vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh có kết quả thành công đến 70-90% trường hợp và tỉ lệ có thai tự nhiên là 30-55% trường hợp. Đối với tắc mào tinh, vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh - mào tinh kiểu lồng hai mũi có kết quả thành công thấp hơn, đạt khoảng 80% trường hợp, với tỉ lệ có thai tự nhiên sau mổ vào khoảng 40-50% trường hợp. Riêng trường hợp tinh hoàn ẩn thành công rất thấp (10-15%), nếu điều trị quá trễ thì không còn hi vọng. Phẫu thuật nội soi cắt ống phóng tinh để điều trị vô sinh do tắc ống phóng tinh có tỉ lệ thành công khoảng 60% trường hợp với tỉ lệ có thai tự nhiên là 30-40% trường hợp. Thời gian cải thiện tinh trùng, có thai tự nhiên tùy thuộc từng trường hợp. Ví dụ, giãn tĩnh mạch tinh từ sáu tháng đến một năm; tắc ống dẫn tinh cần 3-6 tháng. Không ít trường hợp sau mổ 1-2 năm người vợ mới có thai tự nhiên. Chi phí phẫu thuật hiện nay khoảng 5-10 triệu đồng. Thời gian mổ trung bình 60 phút. Bệnh nhân nằm viện một đêm, hôm sau về. Bảy ngày sau được cắt chỉ. Bệnh nhân sinh hoạt trở lại bình thường sau mổ 3-7 ngày. |
__________
Nam khoa đầy mới mẻ và cũng đầy bí ẩn, vì thế có những câu chuyện có thể trở thành “bóng ma hù dọa” đối với rất nhiều bệnh nhân và thầy thuốc.
Kỳ tới: Những “bóng ma” không có thật
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận