Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Gia Lai cho biết mới đây, qua đợt khám sàng lọc bệnh tật học đường cho học sinh 5 trường học, cơ quan này ghi nhận một kết quả bất ngờ khi số học sinh mắc bệnh cong, vẹo cột sống quá nhiều.
Hơn nửa số học sinh được khám bị cong cột sống
Theo kết quả được công bố, CDC Gia Lai khám cho 1.921 học sinh của 5 trường tiểu học, THCS ở các huyện Chư Păh, Chư Prông và Ia Pa.
Kết quả, có tổng cộng 1.139 em trong số này bị cong, vẹo cột sống. Cụ thể là có 967 học sinh bị cong cột sống, chiếm tỉ lệ 50,3% số học sinh được khám và 172 học sinh bị vẹo cột sống, chiếm 8,95%.
Bác sĩ Vũ Phương Việt Hằng ở khoa sức khỏe môi trường - y tế trường học - bệnh nghề nghiệp thuộc CDC Gia Lai cho biết có rất nhiều nguyên nhân gây cong, vẹo cột sống. Một trong những nguyên nhân chính là tư thế như ngồi học không đúng, mang vác quá nặng, hoặc kích thước bàn ghế học không phù hợp với lứa tuổi, do bệnh còi xương, suy dinh dưỡng...
"Đoàn khám sàng lọc ghi nhận có mối liên quan giữa bệnh tật học đường với điều kiện vệ sinh lớp học. Ánh sáng không đủ, quy cách và kích thước bàn ghế không còn phù hợp với sự phát triển thể lực của học sinh đã trở thành một phần nguyên nhân dẫn đến phát sinh một số bệnh tật học đường, đặc biệt là tật khúc xạ và cong, vẹo cột sống", bác sĩ Hằng cho hay.
Đoàn kiểm tra sàng lọc sức khỏe học đường đã kiến nghị ban giám hiệu các trường cũng như gia đình trẻ cần có các biện pháp can thiệp sớm và lâu dài nhằm giúp các em cải thiện tình trạng cong, vẹo cột sống và giảm các tác hại do cong, vẹo cột sống gây ra.
Học sinh THCS mắc nhiều hơn tiểu học
Theo đại diện CDC Gia Lai, các bệnh tật học đường không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động và ngoại hình của học sinh, mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sau, như biến dạng lồng ngực, suy giảm chức năng tim, phổi, khung chậu gây khó khăn trong sinh sản với nữ giới…
Ông Hồ Ngọc Gia - giám đốc CDC Gia Lai - đánh giá bệnh học đường liên quan đến cong, vẹo cột sống là vấn đề đáng báo động, cần được quan tâm, phòng ngừa và can thiệp kịp thời.
Qua các đợt khám sàng lọc tại các trường học trong suốt thời gian qua, đáng chú ý là học sinh ở các trường THCS mắc cong, vẹo cột sống chiếm tỉ lệ cao so với các trường tiểu học. Vì vậy, nhà trường và cha mẹ học sinh cần quan tâm, nhắc nhở, điều chỉnh tư thế ngồi học cho các em.
Thủ phạm: bàn ghế kiểu xưa cũ
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, việc trang bị thiết bị bàn ghế học sinh lâu nay đều theo quy cách áp dụng theo hướng dẫn tại thông tư liên tịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Y tế.
Ông Trần Bá Công - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai - cho biết nhiều trường ở các địa phương hiện vẫn sử dụng các bộ bàn học được đóng bằng gỗ từ 20 năm trước. Trong khi đó, đời sống hiện tại đã thay đổi, thể chất của các em học sinh ngày một cải thiện nên những bộ bàn ghế đó không còn phù hợp nữa.
Một số nhà trường cũng chủ động cải tạo bàn ghế bằng cách đóng thêm vào chân bàn, chân ghế một số khúc gỗ ngắn để các em có thể ngồi học thoải mái hơn...
Theo ông Công, để giảm thiểu các bệnh tật học đường, Chính phủ đã có chủ trương nâng cao chất lượng học đường, trong đó có vấn đề về thay đổi cơ sở vật chất trường học.
Theo lộ trình, tỉnh Gia Lai cũng dần dần thay thế, thay đổi cơ sở vật chất trang bị cho các trường học cho phù hợp trong thời gian tới.
Song song với lộ trình thay đổi cơ sở vật chất, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cũng đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức các buổi tập huấn giảm thiểu bệnh học đường như tập huấn giáo viên, nhân viên y tế trường học hướng dẫn học sinh về cách ngồi, đứng, nâng vác đồ vật, cũng như hướng dẫn các bài tập thể dục phòng ngừa và hỗ trợ điều trị cho học sinh bị cong, vẹo cột sống.
Bàn ghế, ánh sáng lớp học không phù hợp
Theo bác sĩ Vũ Phương Việt Hằng, có những quy cách trong học đường được xây dựng từ chục năm trước nay không còn phù hợp nữa, ví dụ như việc sử dụng bàn ghế trong lớp học không tương ứng với sự phát triển thể chất của học sinh.
"Do vậy, chúng tôi đề xuất cần thiết phải xây dựng lại bộ quy cách mới để phù hợp với môi trường dạy và học. Bên cạnh đó, việc cải thiện không gian trường học, lớp học cũng cần phải chú ý hơn, nhất là bố trí không gian, ánh sáng trong phòng học. Có như thế mới góp phần tạo môi trường tốt, một nguồn năng lượng tốt giúp các em thoải mái trong những giờ lên lớp", bác sĩ Hằng đề nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận