Cửa hàng Khaisilk nơi bán ra những chiếc khăn có hai nhãn mác ở Hà Nội - Ảnh: CHÍ TUỆ
Ông Hoàng Khải, chủ tập đoàn Khaisilk, cũng xác nhận: với những sản phẩm Trung Quốc do Khaisilk đã bán ra thị trường (dù đảm bảo về chất lượng sản phẩm và mẫu mã), nếu khách hàng không hài lòng thì doanh nghiệp này sẽ bồi thường nghiêm túc.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn pháp lý thì trách nhiệm của doanh nghiệp ông Khải sẽ thế nào đối với khách hàng?
Gây thiệt hại cho khách hàng
Bình luận về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Luật Dân sự trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng việc ông Hoàng Khải thừa nhận trên phương tiện truyền thông về việc bán hàng Trung Quốc dưới thương hiệu Khaisilk đã gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng.
Bởi theo TS. Đại, người tiêu dùng tin tưởng vào thương hiệu Khaisilk nên mới mua sản phẩm để sử dụng hoặc làm quà tặng. Tuy nhiên, việc khách hàng mua phải hàng Trung Quốc thì không thể hài lòng với sản phẩm mình đã mua mà dân gian thường gọi là "treo đầu dê, bán thịt chó".
Từ đây có thể thấy, doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật về quyền lợi của người tiêu dùng theo điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Điều luật này quy định khách hàng được "cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng".
Việc Khaisilk bán hàng Trung Quốc nhưng lại che giấu thông tin này là vi phạm luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Không những thế, PGS.TS Đỗ Văn Đại còn cho rằng Khaisilk còn vi phạm điều 10 quy định về những hành vi bị cấm của luật này khi gây nhầm lẫn cho khách hàng là những người mua sản phẩm của Khaisilk. Do đó, nếu không hài lòng thì khách hàng có quyền yêu cầu hủy hợp đồng mua bán đã được thực hiện giữa 2 bên, bởi hợp đồng đã bị vi phạm, người mua không đạt được mục đích khi mua hàng.
Khaisilk phải nhận lại toàn bộ lô hàng nếu lô hàng đó toàn bộ là hàng Trung Quốc. Ngoài ra, ông Đại cho rằng, khách hàng có quyền yêu cầu Khaisilk bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại đã xảy ra với khách hàng.
Tuy nhiên, ông Đại cũng cho rằng, làm thế nào để người tiêu dùng chứng minh được sản phẩm mình mua là hàng Trung Quốc khi nó đã bị cắt mác và đính nhãn mác khác vào? Hoặc sản phẩm nào thì mới được yêu cầu đổi và hoàn trả thì không thấy ông Khải nói rõ.
Cần phải lên án mạnh mẽ
Nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, khách hàng có quyền nghi ngờ về tính trung thực của các sản phẩm mình đã mua, bởi khách hàng đã bỏ tiền để mua sản phẩm của Khaisilk chứ không phải mua thương hiệu của Khaisilk.
Có dấu hiệu tội hình sự? Việc làm của Khaisilk có dấu hiệu của tội hình sự. Bởi theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi sửa cắt mác nhãn hàng và đính vào nhãn khác để bán cho khách hàng có dấu hiệu của hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả”. Đây là tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Ông Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM
Ngoài ra, ông Đại cũng đặt thêm vấn đề: Sau vụ việc này là gì? Đó là việc phải lên án đối với hành vi của doanh nghiệp bán hàng gian dối. Đây là việc làm coi thường người tiêu dùng.
Chính vì vậy, ông Đại cho rằng khách hàng cần phải kiện ra tòa để tòa ra một bản án có tính chất răn đe cả về pháp lý và đạo đức đối với các doanh nghiệp.
Ông Đại cũng có lời khuyên đối với những khách hàng đã mua sản phẩm của Khaisilk mà phải "lấy" hàng Trung Quốc thì nên ủy quyền cho luật sư để luật sư giúp về mặt pháp lý và tố tụng.
"Cần phải kiện để nhà sản xuất nâng trách nhiệm lên. Lừa dối khách hàng không chỉ bị lên án về đạo đức mà còn phải bị lên án, xử lý về mặt pháp lý. Có một bản án thì vừa mang tính pháp lý, vừa giáo dục đạo đức cho những người kinh doanh", ông Đại nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Đặng Như Quỳnh, người mua 60 sản phẩm khăn lụa của Khaisilk, cho biết đến giờ anh chưa hề nhận được lời xin lỗi nào của ông Hoàng Khải.
Trước đó, anh Quỳnh gửi khiếu nại của mình đến cơ sở bán hàng thì được trả lời không thỏa đáng. Do đó anh Quỳnh mới đăng sự việc lên Facebook cá nhân.
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
Điều 10. Các hành vi bị cấm:
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây:
a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
b) Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
c) Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận