Phóng to |
Ông Trần Đình Thiên: “Cần đánh giá vị trí của VN trên thị trường nhôm thế giới để tránh rủi ro trong tương lai” - Ảnh: N.Triều |
Tây nguyên sẽ “chết” vì... khai thác bôxitThận trọng khi chạm vào Tây nguyênKhông thể đánh đổi tương lai
“Có những vấn đề được hội thảo chỉ ra, tôi nói mà không cảm thấy xấu hổ rằng đã vượt quá tầm nhận thức của chúng tôi. Chính vì vậy, không chỉ cuộc hội thảo này mà rất có thể sắp đến chúng ta sẽ phải còn gặp nhau để tiếp tục mổ xẻ, thảo luận những vấn đề mà các nhà khoa học hết sức quan tâm” - ông Trần Phương, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông, nhìn nhận.
Giải đáp vấn đề được đặt ra từ ngày thứ nhất của hội thảo này, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) Dương Văn Hòa cho rằng TKV nhận thức rõ những tác động tiêu cực từ dự án này chứ không phải không nghĩ tới. “Chúng tôi xác định một triết lý xanh hóa dự án để phát triển bền vững và tạo thêm việc làm với các giải pháp tối ưu xử lý ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng” - ông Hòa nói.
Ông Bùi Quang Tiến, giám đốc Công ty cổ phần alumin Nhân Cơ - thuộc TKV, khẳng định dự án khai thác do đơn vị này đang triển khai tại Đắc Nông có giải pháp bảo vệ môi trường rất chặt chẽ. Cụ thể, bùn đỏ sẽ được trữ trong bãi chứa ở một thung lũng nên rất khó xảy ra chuyện thất thoát ra bên ngoài như nhiều người lo ngại.
Phức tạp bùn đỏ
Ông ĐẶNG ĐỨC YẾN (ảnh) - chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông - cho biết: “Đúng là khi triển khai sẽ có thu hồi đất và di dời dân, nhưng phương án của TKV là sẽ làm cuốn chiếu, làm xong nơi này mới chuyển sang nơi khác nên sẽ không phải di dân đồng loạt. Riêng về môi trường họ cũng đã có tính đến các giải pháp công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm”. * TS Nguyễn Thành Sơn tuy là người của TKV nhưng đã phản bác gần như hoàn toàn các dự án khai thác bôxit ở Tây nguyên. Ông thấy ý kiến này như thế nào? - Đã là hội thảo thì phải có phản biện, trong đó có những ý kiến đúng cần phải nghiên cứu. Nhưng không phải vì thế mà anh cứ cực đoan lên, cứ vì môi trường, vì chuyện này chuyện khác mà không làm. Vấn đề chính là lợi ích lâu dài, toàn cục. Đắc Nông nếu không khai thác thì dưới tầng đất không thể tận dụng một cái gì nữa. Nếu cứ để 1.000 năm nữa thì trên đó cũng không thể mọc thành rừng, không thể trồng gì khác. Mà như thế là lãng phí tài nguyên của đất nước. Tôi không nghĩ là sai lầm, vì khai thác khoáng sản để phát triển kinh tế là việc nên làm. Với việc khai thác bôxit mỗi năm ngân sách có thêm khoảng 1.500 tỉ đồng. * Nhưng ông Sơn đã khẳng định lợi ích kinh tế của khai thác bôxit không thể sánh bằng việc phát triển các cây công nghiệp chủ lực như cao su, cà phê hiện nay? - Tôi xin nói rằng trên đất có quặng bôxit không thể trồng được gì vì bản thân dưới đó là tầng quặng dày 10m mà không loại cây gì có thể sống được. Trên đó nếu trồng được thì người dân đã trồng hết rồi. |
Trong khi đó, ông Đinh Xuân Hùng, chuyên gia dự án của Tập đoàn Alcoa (Hoa Kỳ) - đối tác của TKV, nói các nhà khoa học đã làm phức tạp hóa vấn đề bùn đỏ, vì theo ông, bùn đỏ chỉ đơn thuần là quặng thải.
Trước đó, GS.TS Đặng Trung Thuận - chủ tịch Hội địa hóa VN - cho biết việc khai thác bôxit không thể tránh khỏi việc ngăn dòng, làm hồ ở thượng lưu các con sông để lấy nước, làm giảm hẳn lưu lượng nước tưới đổ về hạ lưu. Riêng nước hồ trong những năm đầu sẽ bị ô nhiễm nặng do sự phân hủy hữu cơ lòng hồ và có thể lan tỏa ảnh hưởng các khu vực hạ lưu. “Cần lưu ý rằng Đắc Nông là nơi bắt nguồn nhiều nhánh sông, suối đổ vào hệ thống sông Đồng Nai và sông Krông Knô nên dòng bùn đỏ từ các khai trường bôxit sẽ làm ô nhiễm các hệ thống sông này” - GS Thuận cảnh báo.
Đánh giá môi trường chiến lược
Hầu hết ý kiến phản biện cho rằng với quy mô và tầm quan trọng của việc khai thác bôxit ở Tây nguyên, chủ đầu tư TKV cần phải nghiêm túc thực hiện việc đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của Luật bảo vệ môi trường. Ông Trương Văn Tấn, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường miền Trung - Tây nguyên (Bộ Tài nguyên - môi trường), khẳng định cho đến thời điểm hiện nay, TKV chỉ mới có báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hai dự án triển khai tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông).
Theo ông Tấn, dự án triển khai trong khu vực rất nhạy cảm về môi trường, kinh tế, có diện tích bị ảnh hưởng của dự án rộng gần 4.000km2 lại nằm ở thượng nguồn lưu vực sông Đồng Nai nên cần thiết đánh giá môi trường chiến lược. Báo cáo của TKV hiện chưa phân tích rõ vấn đề kinh tế và phòng chống rủi ro về tài nguyên đối với dự án này, nhất là đối với rừng phòng hộ đầu nguồn.
Trong bài kết luận hội thảo, ông Trần Phương nói do vấn đề cần thiết của việc khai thác bôxit và đặc thù của địa phương nên khi phê duyệt quy hoạch phân vùng khai thác bôxit ở Tây nguyên, Thủ tướng đã miễn cho cơ quan trình quy hoạch lúc đó là Bộ Công thương lập đánh giá môi trường chiến lược. “Thủ tướng đã duyệt rồi, bây giờ các vị bảo chủ đầu tư lập đánh giá môi trường chiến lược thì khác nào bắt phải kiến nghị Thủ tướng xin làm lại từ đầu” - ông Phương nói và đề nghị một lối thoát “thôi thì mong Viện Tư vấn phát triển (đồng tổ chức hội thảo) giúp chúng tôi tìm nguồn tài trợ để chúng tôi lập đánh giá môi trường tổng hợp cho riêng tỉnh Đắc Nông”!
Không ai phục ai
Người dân được gì, ngân sách được gì từ việc khai thác bôxit này? Đây là vấn đề không kém phần quan trọng được các cử tọa theo đuổi suốt hai ngày hội thảo. Nói theo PGS Trần Đình Thiên - viện phó Viện Kinh tế VN, thông tin mà ban tổ chức cung cấp cho đại biểu quá ít nên có cảm giác không bên nào phục bên nào.
Ông Dương Văn Hòa cho rằng TKV thực hiện dự án này không đặt lợi nhuận lên làm mục tiêu hàng đầu mà quan trọng hơn là giúp các tỉnh Tây nguyên, nhất là Đắc Nông, khai thác nguồn tài nguyên dồi dào này để phát triển kinh tế địa phương. Về phần mình, ông Trần Phương khẳng định Đắc Nông chỉ có hai nguồn tài nguyên có thể khai thác là thủy điện và bôxit. Trong khi thủy điện đã và đang khai thác nhưng trữ lượng có hạn nên hiện chỉ còn biết trông vào bôxit, nếu bây giờ dừng các dự án này lại thì không biết địa phương tìm đâu ra nguồn thu phục vụ phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, ông Trần Đình Thiên nói: “Vấn đề hiện nay của chúng ta là dựa quá nhiều vào khai thác tài nguyên, nói nôm na là đào lên để bán. Nhưng về chiến lược không thể chỉ dựa vào khai thác tài nguyên bán lúa non, để đất nước ta thoát khỏi cảnh đã nghèo mà cứ mang tài nguyên đem bán cho thế giới”. Ông Thiên cho rằng cần đánh giá vị trí của VN trên thị trường nhôm thế giới để tránh những rủi ro trong tương lai. So sánh với bài học ngành thép, ông Thiên lo ngại ban đầu các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt liên kết để khai thác, nhưng sau đó nhu cầu thị trường giảm, việc khai thác không còn “ngon ăn” và không tham gia nữa thì chỉ có chúng ta gánh chịu.
Tại hội thảo, chưa một giải pháp cụ thể cho bất cứ vấn đề nào được đưa ra, ngoài đề xuất của UBND tỉnh Đắc Nông là lấy dự án khai thác, chế biến alumin đang triển khai tại Nhân Cơ làm thí điểm để có một mẫu hình tổng đánh giá trước khi quyết định các dự án mở rộng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận