24/12/2014 14:50 GMT+7

​Khai thác “núi vàng”

XUÂN TOÀN
XUÂN TOÀN

TT - “Núi vàng” chỉ thật sự phát huy được thế mạnh khi vướng mắc về thủ tục hành chính, những chính sách tạo ra sự phân biệt đối xử giữa DN tư nhân và các khu vực kinh tế hoàn toàn được gỡ bỏ.

Sau khi đọc bài báo trên Tuổi Trẻ đề cập về trường hợp một doanh nghiệp ở Vĩnh Long có đơn hàng lớn sản xuất linh kiện xe tải, xe buýt để xuất khẩu cho một hãng xe buýt nổi tiếng ở Anh nhưng chưa thể mở rộng nhà xưởng do không tìm được vốn, một chuyên gia kinh tế đã thở dài nói với PV Tuổi Trẻ: “Chúng ta đứng trước núi vàng mà không thể khai thác”.

Công nhân Công ty CP nhựa Sao Việt (Vĩnh Long) sản xuất linh kiện cho xe buýt xuất khẩu - Ảnh: Đình Dân

“Núi vàng” mà vị chuyên gia này ví von đó chính là khu vực kinh tế tư nhân, vốn dĩ đầy năng động và tiềm lực, nhưng giờ đây theo năm tháng đang teo tóp, thu hẹp dần. Với hàng triệu doanh nghiệp và hộ kinh doanh, sản xuất, đây là lực lượng khổng lồ tạo nên sức sống của nền kinh tế trên hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Thế nhưng, nhìn trên số liệu thống kê trong vài năm gần đây giữa ba khu vực kinh tế - doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khu vực doanh nghiệp tư nhân - tỉ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào nền kinh tế cứ tuột dần, thay vào đó là sự lớn mạnh, phổng phao của nhóm doanh nghiệp FDI.

Còn khảo sát ngoài chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... giờ đây là sự xuất hiện dày đặc của các nhãn hàng quốc tế (tất nhiên họ cũng mang danh nghĩa hàng Việt vì sản xuất tại VN) ở tất cả ngành hàng.

Thậm chí, nhóm hàng tưởng đơn giản nhất về công nghệ là mì gói, sản phẩm thuộc về doanh nghiệp Việt chính gốc cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tiếp đến là bánh kẹo, dầu ăn, nhựa, bột giặt, mỹ phẩm... đang dần bị hàng ngoại chiếm lĩnh. Một số thương hiệu của những doanh nghiệp Việt thực thụ, dù cố gắng bám víu xoay xở để tồn tại cũng bị “đánh” cho tơi tả phải dạt ra những vùng ven, các tỉnh vùng sâu, vùng xa...

Thật ra, chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân của VN có từ hàng chục năm trước.

Gần đây nhất, trong báo cáo giải trình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII ngày 19-11 cũng khẳng định: “Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh kinh tế tư nhân”. Kèm theo đó là hàng loạt chính sách, khung luật pháp được ban hành để khu vực này tăng tốc phát triển.

Thế nhưng, vài năm trở lại đây cú sốc về bong bóng bất động sản kéo những ảnh hưởng về kinh tế vĩ mô, với sức ép hội nhập buộc phải mở cửa thị trường đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể trụ vững, buộc phải phá sản hoặc thu hẹp sản xuất.

Trước thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng ngay từ bây giờ nếu không có thêm những động lực mới cho khu vực này phát triển thì chẳng bao lâu nữa nền kinh tế VN sẽ bị lệ thuộc vào nước ngoài, từ đôi đũa đến cái găng tay...

Đã có những ý kiến đề xuất cần có thêm những gói hỗ trợ về vốn với lãi suất ổn định dài hạn để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận đầu tư thay đổi máy móc. Mới đây nhất, trong phiên họp giữa Chính phủ với đại diện các nhà tài trợ, Phòng Thương mại và công nghiệp VN đã đề xuất hẳn một chương trình hành động nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong ba năm (2015-2017).

Tuy nhiên, cũng như nhiều chương trình hỗ trợ trước đó, điều mà nhiều doanh nghiệp kỳ vọng là bộ máy triển khai thực hiện như thế nào để những chương trình hành động này thật sự đến được với doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Còn nếu không sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.

“Núi vàng” chỉ thật sự phát huy được thế mạnh, tạo được động lực cho nền kinh tế khi những vướng mắc về thủ tục hành chính, những chính sách tạo ra sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp tư nhân và các khu vực kinh tế hoàn toàn được gỡ bỏ.

Thêm vào đó là sự gần gũi, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời từ phía các cơ quan quản lý, đặc biệt là trong thời điểm hết sức khó khăn như hiện nay.

XUÂN TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên