Du khách khám phá thác Dray Nur bằng xe ôtô địa hình (Offroad) từ thác Dray Nur - Dray Sáp Thượng (Gia Long), Gia Lai - Ảnh: N.BÌNH
Chiều 11-6, hội nghị bàn về giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên đã diễn ra tại TP Kon Tum, gợi mở về những cách thức liên kết mới nhằm tăng sức bật cho ngành du lịch của 5 tỉnh Tây Nguyên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Võ Anh Tài, phó tổng giám đốc Saigontourist Group, cho biết các tài nguyên du lịch của Tây Nguyên hoàn toàn đủ sức cho ra những sản phẩm du lịch đậm văn hóa Việt Nam cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.
Tuy vậy, từ trước đến nay, đây chưa phải là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của nhiều du khách. Để nhanh chóng đẩy mạnh hồi phục du lịch sau dịch, theo ông Tài, bên cạnh tour liên tuyến hiện có, các tỉnh Tây Nguyên cũng cần chú trọng những tour đơn tuyến, tạo được bản sắc riêng cũng như tăng tính trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú cho du khách.
"Tây Nguyên có đủ tài nguyên thiên nhiên để đa dạng nhiều sản phẩm khác nhau từ du lịch văn hóa đến du lịch về với thiên nhiên, khám phá núi rừng đại ngàn, du lịch mạo hiểm… đáp ứng phân khúc khách hàng rộng. Bên cạnh những sản phẩm đã có, các tỉnh vẫn cần làm thêm sản phẩm mới đón được xu hướng của du khách. Trong đó, hoàn thiện dần các dịch vụ, đảm bảo an toàn khi đón du khách", ông Tài nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cũng cho biết trong tổng số khách đến Tây Nguyên hằng năm, hơn 60% lượng khách đến từ TP.HCM, và được khai thác từ doanh nghiệp lữ hành tại TP.
Hiện các chương trình du lịch đơn tuyến và đa tuyến, chương trình du lịch caravan… đều rất hút khách. Tuy nhiên, do công tác quảng bá còn hạn chế nên chưa nhiều du khách biết rõ những nét đặc sắc của vùng đất này.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp lữ hành Saigontourist, Vietravel giới thiệu một số sản phẩm du lịch mới đến Tây Nguyên vừa được thiết kế sau chuyến khảo sát, hứa hẹn đem đến một lượng khách lớn tới khu vực này trong mùa hè 2022.
Bà Phan Thị Thắng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết trước hội nghị, đoàn TP.HCM đã khảo sát các điểm du lịch nổi bật của 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum. Từ chuyến đi, những người làm trong ngành du lịch đều nhìn nhận đây là khu vực rất tiềm năng và có nhiều tài nguyên để làm mới sản phẩm, khách đến mà không bị trùng lắp, thêm nhiều lựa chọn.
“Nhiều điểm đến riêng lẻ đang gợi ý cho các doanh nghiệp, địa phương cùng suy nghĩ, vừa phát triển du lịch vừa mang tính chất bảo tồn, giáo dục, và phát triển kinh tế”, bà Thắng cho biết.
Bà Thắng cũng đề nghị TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên chỉ đạo các điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phục vụ khách du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực và tăng cường liên kết, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành TP và các tỉnh Tây Nguyên khai thác, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng thu hút du khách.
Sau hội nghị, các địa phương cũng đã thống nhất 4 nội dung hợp tác phát triển du lịch gồm: công tác quản lý nhà nước, công tác phát triển sản phẩm, liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch, và đào tạo nguồn nhân lực.
Trong đó, sẽ phát huy vai trò của hiệp hội du lịch các địa phương và doanh nghiệp các địa phương để triển khai các hoạt động liên kết hợp tác. Trước mắt, tập trung phát triển những sản phẩm mới được giới thiệu, công bố tại hội nghị. Thời gian tới sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giao thương và khảo sát cho doanh nghiệp lữ hành từ TP.HCM để xây dựng và khai thác sản phẩm đến các tỉnh Tây Nguyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận