30/07/2015 14:31 GMT+7

​Khai thác dòng Mekong hay “giết chết” nó?

MINH TRUNG lược dịch
MINH TRUNG lược dịch

TT - Đồng bằng sông Cửu Long đang hứng chịu những hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu, song cũng gánh hậu quả trực tiếp do việc xây các con đập dày đặc trên sông Mekong.

Một thửa đất (xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, Cà Mau) trước đây là vườn dâu, nay bị nước mặn xâm nhập khiến dâu chết hàng loạt, đất xác xơ - Ảnh: Kiên Thành
Một thửa đất (xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, Cà Mau) trước đây là vườn dâu, nay bị nước mặn xâm nhập khiến dâu chết hàng loạt, đất xác xơ - Ảnh: Kiên Thành

Miền tây điêu đứng vì biến đổi khí hậu:

>> Kỳ 1: 

>> Kỳ 2: 

>> Kỳ 3: 

>> Kỳ cuối:

Tuổi Trẻ trích dịch bài viết mới của tạp chí National Geographic.

Cách đây 20 năm, Boontom (sống ở miền bắc Thái Lan) và cư dân trong vùng sống bằng nghề đánh bắt cá. Nhưng khi Trung Quốc hoàn thành một rồi hai, rồi bảy con đập trên thượng nguồn, người dân làng Ban Pak Ing bắt đầu chứng kiến dòng Mekong thay đổi.

Mực nước biến động bất ngờ gây cản trở cho đàn cá di cư và sinh sản. Dù ngôi làng cố bảo vệ khu vực cá cư trú nhưng không bao giờ còn đủ cá cho họ nữa. Những năm gần đây, Boontom và nhiều người phải bán tất cả thuyền đánh cá để chuyển sang trồng bắp, cây thuốc lá và đậu.

Cuộc sống mới bấp bênh và không quen thuộc đối với họ. Các cơn lũ bất ngờ càng khiến kế sinh nhai thêm khó khăn.

Làng Ban Pak Ing có thể là viễn cảnh tương lai của nhiều ngôi làng khác dọc dòng Mekong. Cuối năm 2012, giới chức Lào cuối cùng phải thừa nhận đập Xayaburi do Thái Lan tài trợ đang được xây trên một nhánh của dòng Mekong.

Bên cạnh việc ảnh hưởng không ít đến cuộc sống người dân xung quanh, cái tai hại lớn nhất của Xayaburi chính là đi tiên phong cho hàng loạt con đập khác với mức độ nguy hiểm hơn mọc lên sau này.

Về phía bắc biên giới Lào - Campuchia không xa, một con đập khác là Don Sahong sẽ sớm được khởi công.

Dù chỉ chặn dòng chảy một nhánh của sông Mekong, nhưng con đập sẽ cản trở đường di cư của cá từ hồ Tonle Sap (người Việt quen gọi là Biển Hồ), trái tim của ngư trường sông Mekong. Có đến hơn 100 chủng loài cá sinh sản ở hồ Tonle Sap rồi di cư lên thượng nguồn.

Thậm chí tại Campuchia, một mối nguy hiểm khác đang rình rập. Trên sông Sê San, một phụ lưu của sông Mekong bắt nguồn từ Việt Nam, một con đập tên Hạ Sê San 2 sắp mọc lên.

Con đập này sẽ cắt đứt hoàn toàn kết nối giữa sông Sê San và dòng Mekong. Đây là đường di cư của hàng chục loài cá, nguồn thực phẩm chính cho người dân dọc hai bờ.

Một nghiên cứu năm 2012 của nhóm các nhà khoa học ĐH Princeton chỉ ra đây là dự án có sức tàn phá về mặt sinh thái nghiêm trọng nhất trong 27 dự án đập trên các nhánh của dòng Mekong.

Từ Trung Quốc xuôi hơn 1.000 dặm về phía hạ lưu là hệ thống đầm phá, kênh rạch chằng chịt của đồng bằng sông Mekong (Cửu Long). Sau nhiều thế kỷ, nỗ lực của con người đã biến vùng đất nơi nước biển và nước ngọt giao thoa thành một nơi trù phú.

Tuy nhiên, những con đập sẽ sớm thay đổi tất cả. Trung Quốc đã xây bảy đập lớn trong 20 năm qua và 21 đập khác đang được xây hoặc đã lên kế hoạch. Dưới hạ nguồn, đoạn qua Lào và Campuchia, thêm 11 đập lớn sẽ hoặc đang hình thành.

Sự cân bằng giữa nước sông và biển đang thay đổi. Những trận hạn hán gần đây đã khiến dòng sông suy yếu và tạo điều kiện cho nước biển xâm nhập sâu lên thượng nguồn, gây khó khăn cho nông dân.

Những con đập trên thượng nguồn sẽ biến hơn một nửa phần hạ lưu sông Mekong thành các hồ chứa và thay đổi hoàn toàn dòng chảy của nó.

Không chỉ vậy, chúng sẽ chặn phần lớn lượng phù sa giàu dinh dưỡng, thứ lâu nay nuôi dưỡng các cánh đồng và đàn cá trên khắp hệ thống sông Mekong.

Để giải tỏa cơn khát năng lượng, hàng chục đập thủy điện đã và đang mọc lên trên dòng Mekong. Nhưng cá không còn, phù sa cũng hết, lũ lụt và hạn hán thay nhau, người dân vùng hạ lưu Mekong rồi sẽ ra sao?

MINH TRUNG lược dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên