Liên quan đến việc khai thác cát sông gây sạt lở nhiều nhưng thu thuế ít, ngày 19-9, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk cho biết dù quản lý thu thuế tới 25 doanh nghiệp khai thác cát nhưng số tiền thu năm 2021 chỉ được 21,18 tỉ đồng, năm 2022 chỉ hơn 18,5 tỉ đồng.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk Bùi Văn Chuẩn cho rằng tình trạng doanh nghiệp kê khai nộp thuế, phí không tương ứng với sản lượng tài nguyên khoáng sản thực tế khai thác vẫn đang diễn ra.
"Việc nộp thuế đối với hoạt động khai thác cát hoàn toàn dựa trên tính tự giác của doanh nghiệp (tự tính, tự khai, tự nộp), trong khi cơ quan chức năng không thể giám sát hết hoạt động của doanh nghiệp", ông Chuẩn nói.
Ngành thuế Đắk Nông thu từ khai thác cát trong 2 năm 2021, 2022 cũng chỉ được 18,8 tỉ đồng (trong đó doanh nghiệp còn nợ hơn 2,1 tỉ đồng).
Thế nhưng, qua theo dõi, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông phát hiện tất cả các doanh nghiệp đều khai không đạt công suất theo giấy phép, có thời điểm rất thấp (khoảng 20%).
Trong khi qua kiểm tra thực tế, lưu lượng hút cát, xe vận chuyển cát vẫn rất thường xuyên, có dấu hiệu gian lận trong kê khai, nộp thuế.
Ông Trần Văn Long, cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đắk Nông, cho biết đã lập đoàn kiểm ra liên ngành chống thất thu thuế, trong đó giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp khai thác cát. Qua giám sát, đã truy thu được hơn 1,6 tỉ đồng tiền thuế từ doanh nghiệp khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, ông Long nhận định việc thu thuế từ doanh nghiệp khai thác cát còn nhiều bất cập do liên quan đến nhiều ngành, địa phương. "Điều này dẫn đến công tác quản lý, thu thuế về khoáng sản gặp khó khăn, gây thất thoát ngân sách nhà nước", ông Long nói.
Cấm vì gây sạt lở lớn
Chiều 19-9, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết tỉnh vừa có văn bản yêu cầu dừng khai thác cát ở một số vị trí trên sông Krông Ana đoạn qua huyện Lắk. Đây là văn bản thứ 3, liên tiếp trong 2 tháng qua, để chấn chỉnh nạn khai thác cát gây sạt lở.
Đoạn sông sạt lở nặng nhất tại xã Nam Ka (huyện Lắk) với khoảng 60 hộ dân bị mất đất, nhà cửa với chiều dài sạt lở gần 3km, chiều rộng sạt lở 20 - 80m (tính từ mép sông vào phần đất bị sạt lở của người dân - PV). Nếu toàn tỉnh Đắk Lắk có 49 khu vực cấm, tạm cấm khai thác cát thì huyện Lắk có tới 18 điểm sạt lở, với chiều dài gần 12,7km.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã cho doanh nghiệp dừng khai thác cát trên sông Krông Ana đoạn qua huyện Lắk.
Trong khi đó, trên sông Krông Nô, UBND tỉnh Đắk Nông có cấp 7 giấy phép khai thác cát trên tổng chiều dài đoạn sông khoảng 39km.
Trong phạm vi được UBND tỉnh Đắk Nông cấp phép thì có 18 điểm sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài hơn 9km đã bị UBND tỉnh cấm, tạm cấm hoạt động khai thác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận