24/10/2024 11:37 GMT+7

Khai thác cát ngoài phạm vi cấp phép ở khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 3

TÂM AN
và 1 tác giả khác

Từ đầu năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu ngừng khai thác cát ở khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 3 để tiến hành đấu giá khối lượng tồn, nhưng doanh nghiệp vẫn vi phạm.

Khai thác cát ngoài phạm vi cấp phép ở khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 3 - Ảnh 1.

Dù đang phải tạm dừng khai thác, bán cát ra ngoài nhưng doanh nghiệp nạo vét trên hồ thủy điện Đồng Nai 3 vẫn có dấu hiệu hoạt động khai thác, bán cát vào chiều tối, ban đêm - Ảnh: TÂM AN

Đầu tháng 10-2024, chúng tôi theo một xe cát chạy từ tỉnh Đắk Nông sang hướng huyện Di Linh (Lâm Đồng). Xe chở cát vào nhập cát cho một đại lý nằm gần quốc lộ 28 rồi quay đầu về Đắk Nông. 

Theo đại lý này, trên hồ thủy điện Đồng Nai 3 (huyện Di Linh) có 2 doanh nghiệp được nạo vét, khai thác cát tận thu với khối lượng rất lớn, nhưng hiện lượng cát bán ra rất ít do tỉnh đang yêu cầu ngưng để chờ bán đấu giá lượng cát tồn.

Khai thác cát ngoài phạm vi cấp phép

Theo hồ sơ, tháng 3-2023, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản yêu cầu thực hiện việc đấu giá khoáng sản thu hồi từ dự án nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn. Từ đó đến nay, tỉnh vẫn chưa thực hiện cuộc đấu giá nào. Điều này đồng nghĩa với việc cát đã khai thác chưa được bán ra ngoài.

Thực tế, ngày 8-8-2024, UBND xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) phát hiện tàu sắt do Công ty TNHH Bình Minh Lâm Đồng quản lý thực hiện nạo vét cát, sỏi lên tàu sai vị trí mà Bộ Công Thương, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép.

Do vượt thẩm quyền nên xã lập hồ sơ báo cáo lên UBND huyện Lâm Hà.

Ngày 26-8-2024, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định xử phạt hành chính 160 triệu đồng đối với hành vi "hoạt động sai nội dung quy định của giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện" đối với Công ty TNHH Bình Minh Lâm Đồng (xã Đinh Tráng Thượng, Di Linh).

Theo hồ sơ, ngày 17-6-2020, Công ty TNHH Bình Minh Lâm Đồng được Bộ Công Thương cấp giấy phép hoạt động nạo vét, kết hợp thu hồi cát, sạn, sỏi xây dựng trên diện tích 5ha thuộc lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 (xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh và xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà). 

Doanh nghiệp được phép thu hồi gần 65.000m3 cát nguyên khối và gần 4.000m3 sạn, sỏi nguyên khối trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 19-10-2020.

Nói về việc này, ông Phạm Viết Bình - giám đốc Công ty TNHH Bình Minh Lâm Đồng - thừa nhận vừa rồi có "đưa thuyền xuống hồ hút cát để thử máy" và đã bị tỉnh xử phạt do hút sai vị trí được cấp phép.

Ông Bình cho biết sau khi bị lập biên bản xử phạt, doanh nghiệp đã kéo hết tàu về bãi tập kết chứ không nạo vét, hút cát lên các bãi tập kết nữa. 

"Giờ kéo máy về chứ không dám làm nữa. Chờ khi nào tỉnh thực hiện xong các thủ tục đấu giá cát mới hoạt động trở lại", ông Bình nói.

Được cấp phép, doanh nghiệp khai thác cát ngoài phạm vi trên hồ thủy điện - Ảnh 2.

Tàu khai thác cát vẫn hoạt động trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 - Ảnh: TÂM AN

Tương tự, Doanh nghiệp tư nhân Bội Dũng (xã Đinh Trang Thượng) cũng được Bộ Công Thương cấp giấy phép nạo vét, tận thu cát, sỏi trong lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 vào ngày 9-2-2021 trên diện tích 8,5ha với tổng khối lượng bùn, cát được khai thác là 125.000m3; trong đó cát 104.000m3, sỏi hơn 6.125m3 và bùn đất hơn 14.600m3.

Từ tháng 9-2023 đến nay, doanh nghiệp này được yêu cầu dừng khai thác, ngừng bán cát ra ngoài để xác định khối lượng cát thu hồi, bán đấu giá.

Ông K'Đô - chủ tịch UBND xã Đinh Tráng Thượng - cho biết từ cuối năm 2023 đến nay, xã được giao giám sát khối lượng cát đã thu hồi của Doanh nghiệp tư nhân Bội Dũng để chờ ngành chức năng xác định khối lượng, tổ chức bán đấu giá.

Tuy nhiên, ông thừa nhận cán bộ xã không thể nào túc trực 24/24 ở bãi tập kết, nên việc doanh nghiệp có lén bán cát cũng không thể kiểm soát hết được.

"Xã sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để tránh thất thoát khoáng sản", ông K'Đô nói.

Khó khăn đấu giá cát

Được cấp phép, doanh nghiệp khai thác cát ngoài phạm vi trên hồ thủy điện - Ảnh 4.

Cát vẫn liên tục được đưa về, có dấu hiệu bán ra ngoài khi chưa đấu giá tại bãi của Doanh nghiệp tư nhân Bội Dũng - Ảnh: TÂM AN

Liên quan vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết 2 doanh nghiệp nêu trên do Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng theo dõi, quản lý. Sở đã chuyển thông tin đến Sở Công Thương để phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có).

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, đến ngày 4-10, Công ty TNHH Bình Minh Lâm Đồng không phát sinh khối lượng khoáng sản thu hồi để tổ chức đấu giá.

Riêng Doanh nghiệp tư nhân Bội Dũng có hoạt động nạo vét và phát sinh hơn 11.322m3 cát xây dựng, đang chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt giá cát khởi điểm để tổ chức đấu giá.

Sở này thừa nhận có nhiều khó khăn dẫn đến việc chưa thực hiện đấu giá cát được. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 20 giấy phép nạo vét còn hiệu lực thì có 9 giấy phép có phát sinh khoảng 70.975m3 khối lượng khoáng sản cần đấu giá (chủ yếu là cát xây dựng). 

Các địa phương đang thực hiện việc xây dựng giá khởi điểm, bước giá để Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Để giải quyết dứt điểm, ngày 10-10, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Tài chính nghiên cứu các quy định của pháp luật để tổng hợp, đề xuất giá khởi điểm đối với khoáng sản thu hồi từ các dự án nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi để sớm thực hiện việc đấu giá.

Sở Tài chính và ngành liên quan phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, đơn vị hoàn thiện hồ sơ, thủ tục (để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc) về đấu giá khoáng sản thu hồi theo quy định.

Được cấp phép, doanh nghiệp khai thác cát ngoài phạm vi trên hồ thủy điện - Ảnh 5.Vì sao mỏ cát khủng đấu giá đạt 370 tỉ lại có giá khởi điểm chỉ 1,4 tỉ đồng?

Liên quan đến vụ doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát 370 tỉ đồng ở Điện Bàn (Quảng Nam), dù mức giá trúng bị đặt nhiều câu hỏi nhưng không ít ý kiến cũng băn khoăn về khoảng cách quá lớn giữa giá trúng thầu với giá khởi điểm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên