09/03/2006 08:35 GMT+7

Khai sinh, khai tử... đều phải chờ!

CHI MAI
CHI MAI

TT - Tình trạng thiếu các biểu mẫu về hộ tịch đang trở thành“vấn nạn” của nhiều phường xã tại TP.HCM, người dân có nhu cầu cấp bản sao cứ phải chờ... “dài cổ”.

RELZLVpK.jpgPhóng to
Đăng ký hộ tịch tại UBND phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 - Ảnh: Chi Mai
TT - Tình trạng thiếu các biểu mẫu về hộ tịch đang trở thành“vấn nạn” của nhiều phường xã tại TP.HCM, người dân có nhu cầu cấp bản sao cứ phải chờ... “dài cổ”.

Thiếu vì sợ... thừa

Các biểu mẫu hộ tịch hiện nay như: giấy khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn... và các loại bản sao đều là mẫu thống nhất do Bộ Tư pháp phát hành. Các biểu mẫu này đã có từ năm 1998, ban hành theo qui định tại nghị định 83/CP về đăng ký hộ tịch.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành nghị định 158/2005/NĐ-CP thay thế nghị định 83/CP và qui định các biểu mẫu hộ tịch kể từ ngày 1-4-2006 sẽ thay đổi theo mẫu mới. Chính vì vậy, việc phát hành biểu mẫu hộ tịch theo qui định cũ được thực hiện... rất cầm chừng.

Theo Phòng tư pháp quận 12, trước đây Văn phòng 2 Bộ Tư pháp phía Nam lúc nào cũng có sẵn biểu mẫu hộ tịch để bán cho các địa phương. Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay tại đây không còn bán các biểu mẫu này nữa. Do vậy, các quận huyện đã đăng ký với Nhà xuất bản Tư Pháp (tận Hà Nội) để mua biểu mẫu sử dụng cho đến ngày 1-4-2006. Chỉ riêng tại quận 12, Phòng tư pháp quận đã đăng ký 30.000 biểu mẫu nhưng Nhà xuất bản Tư Pháp mới chỉ chuyển về cho quận khoảng 6.000 bản.

Huyện Hóc Môn và một số quận huyện khác cũng rơi vào tình trạng tương tự: thiếu biểu mẫu, nhất là biểu mẫu bản sao khai sinh thiếu trầm trọng. Các quận huyện đã phải tự “chạy vạy”, vay mượn của những nơi khác. Theo bà Trịnh Thị Bích, trưởng phòng hộ tịch, quốc tịch và lý lịch tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM, vừa qua sở đã phải “trích kho” cho các quận huyện mượn, mỗi quận huyện 1.000 - 2.000 bản.

Giải thích tình trạng thiếu hụt biểu mẫu này, một lãnh đạo Nhà xuất bản Tư Pháp cho rằng do các quận huyện sợ tồn đọng biểu mẫu cũ, phải hủy bỏ khi ban hành biểu mẫu mới nên đăng ký cầm chừng. Nhà xuất bản thì cũng không dám in đại trà như trước đây, chỉ khi các quận huyện gửi đăng ký, nhà xuất bản mới có cơ sở để in và gửi tới.

Theo qui định, mọi chi phí chuyên chở đều do nhà xuất bản phải chịu nên Nhà xuất bản Tư Pháp chọn phương thức gửi biểu mẫu bằng bưu kiện theo đường bưu điện. Thời gian bưu kiện được gửi tới thông thường cũng phải mất... 15 ngày, đó là chưa kể có trường hợp bưu kiện bị chậm trễ.

Nên để địa phương tự in mẫu bản sao

Về lý do phải đổi biểu mẫu hộ tịch, ông Trần Thất, vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp, cho biết: “Khi nghị định mới được ban hành, về nguyên tắc thì các biểu mẫu ban hành theo qui định của nghị định cũ sẽ không còn được sử dụng nữa. Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, lấy ý kiến về hình thức của biểu mẫu mới trên cơ sở hạn chế thay đổi nội dung biểu mẫu, chỉ cải tiến sao cho thuận tiện hơn. Chẳng hạn như giấy khai sinh có thể cải tiến nhỏ lại để có thể lưu trữ thuận tiện hơn mà vẫn đủ chỗ để cập nhật những thay đổi, cải chính”.

Cũng theo ông Trần Thất, chính vì đang lấy ý kiến nên sẽ không kịp phát hành biểu mẫu để sử dụng đồng loạt vào ngày 1-4-2006 mà có thể chậm 1-2 tháng sau. Trong thời gian này, các biểu mẫu cũ vẫn được tiếp tục sử dụng cho đến khi có biểu mẫu mới.

Ý kiến của hầu hết các bộ, chuyên viên tư pháp mà chúng tôi đã trao đổi đều đồng ý việc Bộ Tư pháp thống nhất ban hành biểu mẫu hộ tịch như khai sinh, khai tử, giấy đăng ký kết hôn... là cần thiết. Tuy nhiên, đối với các biểu mẫu bản sao thì không nhất thiết cứ phải do Bộ Tư pháp ban hành.

Bà Trịnh Thị Bích nói: “Sở Tư pháp đã có kiến nghị Bộ Tư pháp giao cho các tỉnh, thành tự in biểu mẫu bản sao, dĩ nhiên là vẫn thống nhất theo nội dung, hình thức của bộ nhưng chưa được chấp thuận. Nếu để các địa phương tự in một số biểu mẫu bản sao sẽ rất chủ động trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân trong từng thời điểm”.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên