Ly kỳ nhất là vụ diễn viên - biên kịch - đạo diễn Pháp sinh năm 1972 Judith Godrèche mới đưa đơn lên Tòa án Paris ngày 7-2, tố cáo đạo diễn Benoit Jacquot tội "cưỡng hiếp vị thành niên" lúc cô 14 tuổi, và Jacques Doillon đã "xâm hại" cô trước mặt ê kíp.
Gần 40 năm sau Judith Godrèche mới kể trên báo Le Monde, trên France Télévision, Radio France; bắt buộc giới média, trước tiên là tổng biên tập tạp chí Télérama, tự phê đã mù quáng tập thể.
Nhưng đó là khủng hoảng Me Too chúng ta sẽ trở lại sau, còn bài này chỉ nhắc tới hai phim có chủ đề "Nói ra để chữa lành".
Có chút nhẹ nhàng?
Thứ nhất là The Fabelmans mới được Quả cầu vàng 2023 phim xuất sắc nhất và đạo diễn xuất sắc nhất của đạo diễn Steven Spielberg. Sau 33 phim đình đám, ở tuổi 76, nhà đạo diễn Mỹ khơi lại thời niên thiếu và nguồn gốc đam mê phim ảnh của mình.
Trường đoạn khởi đầu The Fabelmans - tên họ trong phim của gia đình Spielberg - bắt đầu năm 1952 ở Philadelphia khi bé Steven 6 tuổi (Samuel trong phim) được ba mẹ dẫn xem phim The Greatest Show on Earth vừa đi vừa khóc sợ bóng tối.
Cảnh về tai nạn tàu hỏa trong phim gây sốc đến mức khi về nhà Steven tìm cách tái hiện bằng mô hình đồ chơi, mượn máy Super 8 của bố ghi hình để có thể xem đi xem lại. Từ đó Steven dùng máy 8 ly để quay mọi sinh hoạt gia đình.
Gốc Do Thái đến từ Đông Âu, gia đình Steven gồm có bố kỹ sư máy tính, mẹ nghệ sĩ dương cầm hy sinh sự nghiệp ở nhà nuôi con và ba em gái, thêm "chú" Bennie đồng nghiệp của bố lúc nào cũng hiện diện bên họ.
Trong khi bà mẹ với tâm hồn nghệ sĩ khuyến khích con trai đeo đuổi đam mê phim ảnh, ông bố nghiêm nghị cho đó là thú tiêu khiển.
Năm 1959, ở tuổi 12, Steven cùng bạn tự biên tự diễn bộ phim 8' đầu tiên thể loại Viễn Tây, tiếp theo là thể loại chiến tranh 40', rồi đến 135' phim khoa học giả tưởng.
Nhờ làm phim, Steven hóa giải được mâu thuẫn với các học sinh bài Do Thái. Nhưng bước ngoặt hơn, thông qua kỹ thuật zoom in, slow motion...
Steven phát hiện mẹ và chú Bennie dan díu! Trường đoạn ám ảnh nhất là khi đứa con mời mẹ xem đoạn phim chứng cớ, hứa không tố giác.
Người mẹ dù vậy không chịu nổi cái nhìn chua chát của con trai, sụp đổ khi chồng chuyển công tác đến California. Gia đình Steven tan rã, ba em gái cùng mẹ về Arizona sống với Bennie, Steven sống với bố.
Phim kết thúc tại Hollywood năm 1968 lúc Steven 22 tuổi đến Universal Studio nhận việc trợ lý - của trợ lý - của trợ lý đạo diễn trong một phim bộ truyền hình, gặp sư tổ John Ford (David Lynch đóng) thụ giáo bài học đầu tiên về bố cục chân trời.
The Fabelmans kết thúc đúng khi Spielberg khởi đầu sự nghiệp điện ảnh riêng. Dùng thể loại hư cấu kể lại câu chuyện thật chôn giấu 60 năm, hẳn nhà đạo diễn tài năng có chút nhẹ nhàng?
Thấy ánh sáng trong bóng tối
Phim thứ hai là Little Girl Blue (2023) của đạo diễn Pháp Mona Achache sinh 1981.
Được đề cử giải diễn viên chính và đạo diễn tài liệu ở Giải Cesar 2024, Little Girl Blue khiến giới chuyên môn bất nhất thể loại, bởi cùng lúc có diễn viên đóng nhưng dựa trên các dữ liệu thật: Mẹ Mona - nhà văn, nhà nhiếp ảnh Carole Achache - tự sát năm 2016, để lại hàng ngàn ảnh, thư, băng ghi âm...
Để hiểu rõ hơn về con người thực và cái chết của mẹ, Mona Achache nhờ diễn viên Marion Cotillard đóng vai mẹ trong bộ phim phong cách hỗn hợp tài liệu và tiểu thuyết, đi sâu mối quan hệ của Carole với mẹ - nhà văn Monique Lange - và sự lạm dụng tính dục mà Carole phải chịu đựng dưới những thế lực "tinh hoa" như nhà văn lớn Jean Genet.
Mona cũng đóng chính mình trong bi kịch gia đình - nơi cô bị anh bạn đồng tính của mẹ cưỡng hiếp năm 14 tuổi.
Khó kể lại chi tiết bộ phim trong ngàn chữ, trích ra đây vài phát biểu của Mona và Marion trong hồ sơ báo chí.
Mona Achache: "Mẹ tôi tự tử ngày 1-3-2016. Ở hầm kho, bà cất giữ 25 kiện nhựa chứa hình ảnh, thư tín, sổ ghi chép... - kho lưu trữ khổng lồ về một gia đình mà bà đã điều tra khi viết sách về Monique, mẹ mình.
Tôi cảm nhận sâu sắc sự thật tôi phải đối mặt nếu muốn giải phóng bản thân và không để dư âm quá khứ đè nặng lên các con mình.
Ảo giác không tưởng về cuộc nói chuyện với người đã mất đeo đuổi tôi: phục sinh mẹ, biến bà thành nhân vật kể câu chuyện của chính mình - hành trình được khắc dấu và bẻ gãy bởi những nhà văn thế lực. Jean Genet đóng vai trò chủ yếu đẩy Carole xuống địa ngục.
Tính dục giữ vai trò quyết định trong phả hệ phụ nữ của chúng tôi. Bà ngoại tôi từ bỏ giới tính, mẹ tôi có lúc làm gái điếm. Tôi đã xây dựng tính nữ của mình giữa hai thái cực này".
Marion Cotillard: "Jean Genet đã lợi dụng địa vị và uy tín để khống chế đứa trẻ 11-13 tuổi mà Monique, do mê hoặc thần tượng, đã không phản đối, thậm chí thấy con may mắn tiếp xúc với người đàn ông tài năng để định hình tâm trí (!).
Nhưng Carole nhanh chóng bị giằng xé giữa nhận thức riêng trong quan hệ với Genet - Chúa của mẹ - và kích thước loạn luân của mối quan hệ, phải đối mặt với môi trường đồng lõa kiểu "Có một thời như thế" để an phận.
Trong gia đình tôi, vấn đề tình dục và lạm dụng là quyết định, thậm chí có tin đồn về "lời nguyền của phụ nữ" - huyền thoại tai hại đã ngăn cản mẹ tôi bảo vệ con gái".
Trên Le Monde, Mona cho biết trong quá trình làm phim, cô vừa giữ quan hệ đạo diễn vừa giữ vai bản thân với người mẹ - Marion; rằng vượt qua công việc, những trao đổi của cả hai là tình tỉ muội dịu dàng.
Trong phim có cảnh cao trào cảm động khi Mona và Marion ôm nhau như hai mẹ con thật sự. Xem phim thấy chia sẻ với mục tiêu "Tôi cần hướng tới cái đẹp, vì bản thân và các con tôi"; và "Người ta không thể thoát ra khỏi nguồn gốc bản thân nhưng có thể chuyển hóa mọi thứ để truyền tải quá khứ tốt hơn. Tôi nhìn thấy ánh sáng trong bóng tối này" của Mona Achache.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận