Sáng 13-5, ông Nguyễn Như Thanh - chủ tịch UBND xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh - cho hay chính quyền và nhân dân xã phối hợp lực lượng quân sự tỉnh Quảng Trị bắt đầu khai quật địa đạo Xóm Bợc để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và người dân.
Địa đạo bị đánh sập trong chiến tranh
Theo đó, từ tin báo của người dân, lực lượng quân sự tỉnh Quảng Trị đã tổ chức khai quật, tìm kiếm một hài cốt liệt sĩ bị chôn vùi ở địa đạo Xóm Bợc. Song song đó, chính quyền và nhân dân Kim Thạch phối hợp để tìm kiếm hài cốt 8 người dân bị chôn vùi cùng địa điểm.
Lúc 6h30, người dân đã làm lễ cúng theo phong tục địa phương. Sau đó lực lượng khai quật đã bóc phong hóa. Diện tích tìm kiếm khoảng 100m2, sâu 8 - 10m.
Theo ông Nguyễn Như Thanh, ngày 24-8-1967, trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, bom Mỹ đánh sập địa đạo Xóm Bợc, chôn vùi 2 liệt sĩ, 8 người dân. Bấy giờ, nhân dân tìm kiếm được một liệt sĩ. Số còn lại bị vùi lấp vì độ sâu, phương tiện tìm kiếm thủ công.
Sau chiến tranh, theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, bia tưởng niệm được xây dựng tại địa đạo thôn Xóm Bợc, nhưng việc khai quật tìm kiếm hài cốt thì chưa thực hiện được. Hằng năm, trong lễ kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 và các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân có nguyện vọng tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ và thân nhân.
Phấn khởi khi hay tin khai quật địa đạo tìm hài cốt
Ông Bùi Quang Hóa, 75 tuổi, trú thôn Xóm Bợc, là người tham gia đào địa đạo và nhân chứng sống trong vụ ném bom. Ông Hóa kể địa đạo được đào năm 1966, đến 1967 thì hoàn thành. Người dân xuống sinh sống, tránh trú bom đạn trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.
Địa đạo có 3 cửa lên xuống, 2 giếng tròn thông hơi, cao 1,8m, rộng 1,5m, dài hàng trăm mét.
10 ngày trước sự kiện sập địa đạo, bom Mỹ đánh trúng Xóm Bợc khiến nhiều người chết. Người dân sau đó đi sơ tán, một số ở lại bám làng xã chiến đấu.
"Đêm hôm đó, mọi người tránh trú dưới địa đạo thì nghe tiếng nổ uỳnh óc uỳnh tai. Tôi may mắn nằm ngoài vòng bị vùi lấp. Có một liệt sĩ bị vùi lấp nửa người, được mọi người cứu đưa lên nhưng bị thương nặng nên không qua khỏi", ông Hóa kể lại.
Ông Lê Văn Song, 62 tuổi, trú Xóm Bợc, là con của liệt sĩ Lê Văn Tựu, hy sinh dưới địa đạo Xóm Bợc. Ông Song kể cha mình là dân quân tự vệ xã Vĩnh Thạch (cũ), xuống địa đạo bàn kế hoạch công tác vào ngày hôm sau thì bị chôn vùi.
"Nguyện vọng gia đình muốn tìm hài cốt ông lên lâu lắm rồi, cách đây 10 năm. Nay nghe tin Nhà nước tổ chức khai quật, tìm kiếm, gia đình rất mừng, phấn khởi, hy vọng tìm được ông đưa vào nghĩa trang liệt sĩ xã hoặc nghĩa địa gia đình", ông Song nói.
Chung tâm trạng phấn chấn, ông Bùi Văn Thất, 66 tuổi, trú thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch, cho biết có mẹ ruột và một người em con cậu nằm lại dưới địa đạo. Hằng năm vào ngày giỗ, ông Thất đều đến mộ gió của mẹ trong lăng dòng họ để thắp hương, nhưng nguyện vọng tha thiết là đưa mẹ lên, chôn cất chu đáo.
"Gia đình rất phấn khởi, chưa biết kết quả nhưng nếu đưa được mẹ lên thì mừng quá", ông Thất nói.
Dự kiến, việc tìm kiếm sẽ kéo dài nhiều ngày do khối lượng đất đào lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận