Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 mở ra cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo và tạo đà thúc đẩy cho thương mại lúa gạo quốc gia. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam đưa ra thông điệp với thế giới về một quốc gia có trách nhiệm với nền lương thực, thực phẩm toàn cầu.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng “chạy gạo từng bữa” từng là nỗi lo thường trực, giờ Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về sản lượng, và cả chất lượng. Gạo Việt Nam được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới.
Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo cần có những thích ứng linh hoạt để trở nên chuyên nghiệp và bền vững.
Không chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần kiến tạo nên một hệ sinh thái ổn định, an lành. “Tôi có niềm tin vững chắc rằng, tình cảm dành cho lúa gạo Việt Nam đến từ định vị thương hiệu vì người trồng lúa, vì người tiêu dùng, vì môi trường xanh”, ông Hoan phát biểu.
Từ điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Festival lúa gạo năm 2023 nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, cần cù, mến khách… Và quảng bá nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm nay của Việt Nam.
Việt Nam cũng là nước đầu tiên xây dựng và phát triển kế hoạch 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.
“Đây cũng là một nhiệm vụ mang tính toàn dân, toàn cầu. Chúng tôi thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng quốc tế trong việc chống biến đổi khí hậu và xây dựng một nền nông nghiệp phát thải thấp”, Thủ tướng phát biểu.
Trước đó, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, dù chưa đến lễ khai mạc đã có hàng ngàn khách du lịch, người dân trong và ngoài tỉnh đã đến tham quan Con đường lúa gạo Việt Nam với chủ đề "Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt".
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết rất ấn tượng với "Con đường lúa gạo" được làm với khoảng 20.000 chậu lúa, từ giai đoạn mạ cho đến làm đòng trổ chín.
Cũng ở quê, cũng lớn lên cùng cây lúa nhưng khi đến tham quan "Con đường lúa gạo" Hậu Giang, chị Thủy rất bất ngờ và ấn tượng. "Ở mỗi không gian trưng bày, ở mỗi tiểu cảnh nhà xưa, trâu kéo lúa, cuộn rơm gợi lên trong tôi ký ức làm lúa của ông cha ngày xưa quá đỗi quen thuộc, gần gũi. Hy vọng địa phương tổ chức nhiều lễ hội như thế này để du khách biết đến nét văn hóa đất và người Hậu Giang", chị Thủy nói.
Trong chuỗi các hoạt động tại Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, sáng cùng ngày đã diễn ra lễ phát động triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; công bố quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhiều hoạt động hấp dẫn
Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 diễn ra từ ngày 11 đến ngày 14-12 với chuỗi các hoạt động triển lãm, hội nghị, hội thảo, gồm: triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam, triển lãm sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố cả nước, triển lãm chuỗi ngành hàng lúa gạo… Trình diễn máy móc, thiết bị canh tác lúa gạo, trình diễn công nghệ cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm và các hội thảo liên quan đến ngành hàng lúa gạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận