Khai khoáng biển sâu: Tiên đan hay độc dược?

LÊ MY 16/10/2021 17:10 GMT+7

TTCT - Ở độ sâu hơn 4.000m, như lời dẫn dụ trong biết bao thần thoại, biển cả bao la thật sự chứa đầy kho báu và những sinh vật huyền bí. Với thế kỷ 21, kho báu hiện là hàng ngàn tỉ vật thể rắn màu đen, to bằng củ khoai tây nhưng đủ hình dạng, đang nằm rải rác khắp một vùng đáy biển rộng lớn giữa Thái Bình Dương.

 
 Một bãi kết hạch dưới đáy biển ngoài khơi Hawaii. Ảnh: ceramics.org

Khai thác chỗ kho báu thăm thẳm dưới đáy đại dương này thật ra không khó. Nhưng hệ quả sẽ nằm ngoài sức tưởng tượng của thế hệ chúng ta.

Kho báu dưới bể sâu

Những thể rắn quý giá này trông như những viên than chưa cháy hết. Chúng là những khối kết hạch, cần có một vật làm “nhân”, như vỏ sò hay xương cá, và rất nhiều thời gian để tăng kích thước. Chẳng hạn, kết hạch trong triển lãm Our Broken Planet của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh) được hình thành bao quanh chiếc răng của loài megalodon - một loài cá mập khổng lồ đã tuyệt chủng cách đây hơn 3 triệu năm. “Điều đó cho ta thấy một kết hạch mất bao lâu để thành hình dưới đáy biển - khoảng một cm trên một triệu năm” - nhà sinh vật biển Adrian Glover nói với tờ The Guardian.

Ngoại hình bình thường nhưng bản chất và giá trị của chúng thì khác thường, đủ để hấp dẫn các quốc gia và tập đoàn lao mình xuống biển. Các kết hạch đa kim (polymetallic nodules) này rất giàu nickel, cobalt, mangan và các kim loại đất hiếm khác - những thành phần hóa học quan trọng nhất để sản xuất ôtô điện, tuabin gió và tấm pin mặt trời... hứa hẹn xoa dịu Trái đất và đảm bảo tương lai của chúng ta. Các công ty khai khoáng biển sâu hớn hở gọi chúng là “con đường dễ nhất để giải quyết biến đổi khí hậu” có thể vì việc khai thác những kết hạch này từ đáy đại dương thật sự “dễ” như hút thạch trân châu ở đáy ly trà sữa.

 
 Vô số kết hạch đa kim nằm lặng im trên đáy biển sâu suốt hàng triệu năm. Vì nằm ở hải phận quốc tế, nguồn tài nguyên này không thuộc sở hữu của bất kỳ quốc gia nào. Ảnh: Rov Kiel

Ý tưởng đó không còn trên giấy mà đã trở thành một cuộc đua. Hồi tháng 4, robot Patania II, do Công ty khai khoáng Global Sea Mineral Resources (GSR) ở Bỉ phát triển, đã được thả xuống vùng Clarion-Clipperton (CCZ) để thử nghiệm khả năng “hút hạch”. CCZ nằm giữa Hawaii và Mexico, là một trong những khu vực sâu nhất Thái Bình Dương và là điểm nóng của khai khoáng và cả nghiên cứu.

Được đặt theo tên loài sâu bướm nhanh nhất thế giới, Patania II là một cỗ robot nặng 25 tấn. Sau khi được thả xuống nước, nó chạy ngoằn ngoèo dưới đáy biển để hút hạch khoáng giữa áp suất nước cực lớn (như thể nằm bên dưới một chồng máy bay Boeing 747) và được cột vào tàu mẹ đang nổi trên mặt biển cách nó 4,5km theo phương thẳng đứng!

Tại sao con người phải đến một nơi xa xôi và khắc nghiệt như vậy để khai thác kim loại? Theo báo cáo hồi tháng 5-2021 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tổ chức thúc đẩy việc ban hành các chính sách năng lượng toàn cầu, thế giới đang không khai thác được đủ lượng khoáng sản cần thiết để sản xuất pin cho các xe chạy bằng điện. Như vậy, việc thiếu kim loại sẽ cản trở quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.

Còn khi nhắc đến các hầm mỏ trên đất liền, người ta lại thở dài trước các vấn đề muôn thuở như ô nhiễm môi trường, bóc lột phu khai khoáng, hay chất lượng quặng suy giảm... Giữa phông nền xám xịt đó, hàng ngàn tỉ kết hạch đa kim dưới đáy biển không khỏi tỏa sáng lấp lánh, hứa hẹn đáp ứng nhu cầu khoáng sản của thế giới mà chỉ “gây tác động rất nhỏ” - theo những người ủng hộ mô hình này.

 
 Patania II, mẫu robot 

Tiên đan hay độc dược?

Ngay trong tháng 5, cuộc thử nghiệm Patania II được “giật tít” là thành công và mẫu robot này được liệt vào hàng tân tiến nhất hiện nay. Hiện tại, khai khoáng biển sâu thương mại vẫn chưa được cho phép ở hải phận quốc tế. GSR nói với báo Time nếu chính thức đi vào hoạt động, họ sẽ có thể khai thác 3 triệu tấn hạch đa kim mỗi năm chỉ với hai cỗ robot (phiên bản thương mại sẽ to gấp 3 lần Patania II). Tuy nhiên, để tới được ngày đó, áp lực nước biển có lẽ chẳng thể so với áp lực từ phe bảo vệ môi trường.

Năm 1989, khi con người đã biết đến sự tồn tại của các kết hạch, và tất nhiên đã tính cả chuyện khai thác chúng, một nhóm nhà khoa học Đức đã thực hiện một thử nghiệm mà lực lượng bảo tồn biển ngày sau rất biết ơn. Nhóm này đã mô phỏng hoạt động khai khoáng biển sâu và theo dõi quá trình thiên nhiên tự phục hồi từ đó đến nay tại một khu vực khá tương đồng với CCZ nằm ngoài khơi Peru, phía nam Thái Bình Dương.

Thời đó, người ta chưa chọn được loại phương tiện nào sẽ dùng để khai thác kết hạch, nên nghiên cứu mô phỏng quá trình đó bằng cách cày xới đáy biển ở độ sâu 4.150m rồi quay lại đánh giá vào các năm 1989, 1992, 1996 và gần đây nhất là năm 2015. Kết quả là vết cày vẫn còn in trên đáy biển, trong khi đó quần thể bọt biển, san hô mềm và hải quỳ vẫn chưa quay trở lại. Như vậy, sau 26 năm, hệ sinh thái đáy biển tại đó chưa bao giờ hồi phục - công bố trên tạp chí Scientific Reports kết luận. Nếu dùng nghiên cứu trên để suy ra những gì sẽ đến với CCZ, các tác giả cảnh báo “tác động của việc khai thác hạch đa kim ở đó có thể lớn hơn dự kiến và có thể dẫn đến mất mát không thể phục hồi được” về mặt sinh thái. Thật không may, chưa có nhiều nghiên cứu dạng này để minh chứng cho rủi ro của khai khoáng biển sâu.

 
 Minh họa một robot khai thác kết hạch ở đáy biển sâu. Ảnh: DW

Hãy để đáy biển được yên!

“Truy tìm kho báu” ở một nơi ta hầu như chưa biết rõ - đã có bao nhiêu nhân vật trong thần thoại bỏ mạng theo cách này? Bóng tối vĩnh cửu, cái giá lạnh dữ dội cùng áp suất nước sẵn sàng bóp nát mọi thứ - tập hợp những điều kiện chết chóc nhất lại nuôi dưỡng nên những sự sống đa dạng và độc nhất vô nhị nơi đáy biển. Chẳng hạn “gia phả” các loài bạch tuộc Dumbo hiếm thấy của biển sâu, những tưởng “hiếm” thì “ít”, nhưng năm 2021 lại bổ sung thêm một loài mới - “dumbo hoàng đế”. Đấy là chưa kể hàng tỉ tỉ vi sinh vật, động vật không xương sống nhỏ bé đang tham gia lưới thức ăn của toàn đại dương.

Bản thân các kết hạch cũng chứa đựng vô vàn sự sống mà các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu nghiên cứu, theo nhà sinh vật học biển sâu Diva Amon. Lấy đi các kết hạch vào lúc này chẳng khác gì một người ngớ ngẩn giật một vài sợi dây điện ra khỏi thùng máy vi tính chỉ vì anh ta không biết chúng dùng để làm gì. Amon nói với Time: “Vô số sự sống ở CCZ trông rất nhỏ bé nhưng không có nghĩa là chúng không quan trọng... Hãy nghĩ về thế giới của chúng ta khi thiếu lũ côn trùng: Nó sẽ sụp đổ”.

Thế giới dưới biển ngày nay vốn đã chịu nhiều “sóng gió”: biến đổi khí hậu, ô nhiễm vi nhựa, dầu loang, tận diệt sinh vật biển... Chưa ai có thể đảm bảo rằng những cỗ máy hàng chục tấn - nào hút nào thổi, khuấy trộn lớp trầm tích hàng triệu năm tuổi - sẽ không phải là “giọt nước tràn ly”. Hơn nữa, bao quanh các lục địa của Trái đất thật ra là một đại dương duy nhất. Thế nên, những gì xảy ra ở vùng này có thể gây ra hiệu ứng khôn lường ở những vùng khác trên hành tinh.

Như vậy, việc khai thác kết hạch đa kim có thể tàn phá các hệ sinh thái đáy biển. Nhưng một khi chúng ta không kịp giảm phát thải vì thiếu hụt các kim loại cần thiết, tình trạng nóng lên toàn cầu cũng đâu làm an lòng biển cả. Thêm một quan điểm khác: chính mối quan tâm về kết hạch đa kim sẽ khiến những vùng biển bí ẩn được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Những tranh luận về khai khoáng biển sâu - là phương thuốc giải cho các khủng hoảng khí hậu hiện nay, hay là liều thuốc độc khiến tình hình thêm nghiêm trọng - vẫn chưa ngã ngũ. Có lẽ thời gian sẽ trả lời.

Còn ngay lúc này, một số chính phủ và Nghị viện châu Âu, các tập đoàn lớn đang kêu gọi tạm hoãn khai thác dưới đáy biển sâu cho đến khi ta hiểu rõ hơn những hậu quả sinh thái của nó. Hơn 570 chuyên gia chính sách, nhà khoa học biển thuộc hơn 44 quốc gia đã ký vào đơn kiến nghị qua trang seabedminingsciencestatement.org, và đây không phải là kiến nghị duy nhất. 

Đảo quốc Nauru nhỏ bé ở Thái Bình Dương, nơi phải hứng chịu biến đổi khí hậu, đã có quyết định tạo ngay một làn sóng chấn động thế giới hồi tháng 6: cho Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế của Liên Hiệp Quốc (ISA) 2 năm để đưa ra bộ quy tắc để kiểm soát và điều phối khai khoáng biển sâu. Nếu không, ISA phải cho phép các nhà thầu Nauru được khai khoáng dưới đáy biển theo “bất kỳ quy định nào đang được áp dụng”. Động thái này có thể tạo tiền lệ để các công ty hoặc quốc gia khác làm theo, khiến nỗ lực đặt ra luật lệ cho ngành khai khoáng biển sâu khó khăn hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận