Nằm lặng giữa rừng già với bao quanh là những ngôi làng Ca Dong, điểm trường nóc Ông Bình (xã Trà Dơn, Nam Trà My, Quảng Nam) từ trước đến nay chưa từng có một lễ khai giảng đúng nghĩa. Nhưng buổi lễ khai giảng sớm vào sáng 4-9 năm nay thì khác...
Trò nghèo, thầy cô càng nghèo hơn
Nóc Ông Bình là một trong 12 điểm trường của Trường PTDT bán trú tiểu học xã Trà Dơn. Cô Nguyễn Thị Tý - giáo viên phụ trách khối mầm non - cho biết vào mỗi dịp đầu năm học mới, cô cùng thầy Nguyễn Văn Nhân - phụ trách tiểu học - ra nhà sách ghé mua một lá cờ Tổ quốc, một tấm ảnh Bác Hồ rồi bỏ vào ba lô cõng đi bộ ngược lên núi.
Vào sáng tựu trường, học sinh được đánh thức bởi tiếng xoong nồi thay vì tiếng trống trường, sau khi ngồi ngay ngắn trên lớp, cô giáo in thư chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước rồi đọc cho học sinh nghe.
Nóc Ông Bình có 45 hộ dân, 100% là đồng bào Ca Dong, cuộc sống chỉ biết nương rẫy, rừng già. Các thầy cô giáo vừa phải dạy chữ vừa phải làm cha mẹ tắm giặt, nấu cơm trưa và đêm về thì giữ học sinh lại để chăm sóc.
Lễ khai giảng đặc biệt ở nơi không điện, không Internet
Cô Nguyễn Thị Tý đã dạy chữ ở nóc Ông Bình tròn sáu năm. Tuy nhiên, tới nay cả cô và thầy Nguyễn Văn Nhân đều chưa vào được biên chế. Cô Tý có hai con nhỏ, cách đây mấy năm chồng cô bị ung thư máu rồi qua đời, một mình cô phải dựa vào đồng lương hợp đồng để nuôi hai con.
Trong khi đó, thầy Nhân cũng ái ngại khi nói rằng tới nay mỗi tháng thầy chỉ lãnh 3,8 triệu đồng, chừng ấy chỉ đủ tiền xăng xe máy đi lại.
"Còn ăn uống thì tụi em có gì ăn nấy, ở đây ăn cá khô với nước mắm là chính, rau xanh thì không tốn tiền mua vì hái được ở rừng", thầy Nhân nói.
Lễ khai giảng đẹp như cổ tích
Trong một lần lên khảo sát trường lớp, những hình ảnh kham khó, đơn sơ tới tối giản của cô Tý, thầy Nhân cùng 35 học sinh Ca Dong ở nóc Ông Bình đã chạm tới trái tim những người trẻ tại Đà Nẵng. Trở về thành phố, anh Nguyễn Bình Nam - chủ nhiệm CLB thiện nguyện Bạn Thương Nhau (Đà Nẵng) - kêu gọi bạn bè thực hiện dự án tài trợ xây mới điểm trường ở nóc Ông Bình.
Từ sáng 3-9, đoàn xuất phát từ Đà Nẵng mang theo băng rôn chào mừng năm học mới, lá cờ Tổ quốc, bó hoa tươi, một tấm ảnh Bác Hồ và thật nhiều bánh kẹo.
Do lễ khai giảng diễn ra sớm nên chưa có thư của Chủ tịch nước, đoàn phải lấy lá thư Bác Hồ từng chúc mừng năm học mới cho học sinh rồi viết tay ra đưa cho thầy giáo Nhân đọc. Chuyến đi đặc biệt của đoàn còn mang theo một chiếc trống trường.
10h sáng 4-9, toàn bộ bà con người Ca Dong ở nóc Ông Bình đã nghỉ đi rẫy. Họ bồng bế con, miệng nhai trầu đỏ quạch ngồi bao quanh khoảnh sân bùn đất, nơi con em họ được mặc những bộ quần áo mới tinh để dự lễ khai giảng.
Trước đó, từ tờ mờ sáng, 35 đứa trẻ Ca Dong được cha mẹ dẫn lên trường sớm.
Các em được thầy Nhân, cô Tý cho ăn bữa sáng tươm tất với cháo gà, rau xanh. Cô Tý đứng trên bậc thềm, dẫn từng mái đầu rối mù, khét nắng để chải chuốt, tết những mái tóc đẹp để các em dự lễ khai giảng.
Trong lễ khai giảng, hình ảnh thầy giáo người Ca Dong Nguyễn Văn Nhân mặc chiếc áo trắng, chân đi giày tây, ống quần được ủi phẳng phiu, ngực đeo cà vạt bước lên cầm tờ giấy đọc thư chúc mừng năm học mới của Bác Hồ khiến nhiều người rưng rưng.
Thầy Nhân nói bộ quần áo, cà vạt mình mặc là do nhóm bạn anh Nguyễn Bình Nam bí mật mua lên tặng trong đêm trước lễ khai giảng. "Mình rất bất ngờ, cảm giác xúc động lắm vì có quần áo mới, cũng lần đầu đeo cà vạt, sơ vin lên bục giảng", thầy Nhân ấp úng.
Giây phút liêng thiêng và tạo sự xúc động mãnh liệt nhất là khoảnh khắc chào cờ, hát quốc ca. 35 học sinh đứng ngay ngắn, hướng mắt về lá cờ Tổ quốc đỏ tươi trên sân khấu. Tiếng thầy cô cất lên giai điệu Tiến quân ca khiến cả núi rừng như chuyển động, học sinh đứng hát, những người cha người mẹ Ca Dong đứng bao quanh hàng rào khuôn viên trường cũng hát theo.
Lễ khai giảng kết thúc bằng tiếng trống giục giã được thầy hiệu trưởng đánh lên trên sân điểm trường. Đó cũng là tiếng trống đầu tiên mà lũ trẻ Ca Dong ở đây được nghe trong một lễ khai giảng năm học mới.
Dạy học "bằng niềm tin"
Thầy Trương Công Một, hiệu trưởng Trường bán trú Trà Dơn, nói rằng toàn trường có 12 điểm trường, nơi gần nhất cũng phải đi bộ 1-2 tiếng đường rừng, nơi xa nhất thầy cô giáo phải đi tới nửa ngày.
Toàn trường có 15 giáo viên diện hợp đồng, lương đúng nghĩa "ba cọc ba đồng". Trong câu chuyện buồn và đầy thương cảm như vậy, thầy Nhân nói tình yêu nghề dạy học của các giáo viên đã vượt lên tất cả để bám trường bám lớp. "Mỗi lần tôi nghĩ về giáo viên và tự hỏi không hiểu bằng cách nào các bạn có thể sống với đồng lương vài ba triệu. Để đi dạy thì họ sống đúng nghĩa bằng niềm tin", thầy Một nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận