Cảng hàng không Tân Sơn Nhất (TP.HCM) thực hiện kiểm soát thân nhiệt hành khách nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 - Ảnh: VĂN BÌNH
Thêm một ca nhiễm virus corona chủng mới, lại thêm một "núi" công việc và chồng chất lo âu liên quan đến nguồn lây mới này ở tất cả những nơi họ đi qua.
Ai ở đâu xin cứ ở yên đấy!
Nói vậy có vẻ cực đoan nhưng giảm đi xa khi không an toàn luôn là sự lựa chọn sáng suốt, nhất là đi về từ vùng có dịch bệnh. Tôi có vé máy bay khứ hồi từ Đà Nẵng đi Daegu (Hàn Quốc) hạ tuần tháng 3 và có việc ở lại đó 30 ngày.
Trước tình hình dịch bệnh leo thang ở nước bạn, tôi đành chấp nhận phương án hoãn chuyến đi. Mặc dù tôi tự tin về có ý thức chăm sóc bản thân, nhưng đây không chỉ là an toàn bản thân mình. Tôi không chắc mình sẽ an toàn trên các phương tiện di chuyển và cũng không dám chắc liệu mình có thành nguồn lây bệnh cho những nơi tôi sẽ đi về, những người tôi sẽ tiếp xúc gần.
Cách ly là giải pháp phòng dịch an toàn, chữa khỏi cho những người nhiễm bệnh là điều tốt lành. Nhưng phía sau những con số này là sự nỗ lực đến gồng mình của y bác sĩ trong điều kiện trang thiết bị y tế không phải vô hạn. Biết bao công sức, tiền của kèm theo nỗi bất an, lo lắng cho nhiều người, cho cộng đồng sau một chọn lựa đi về bất cẩn trước dịch bệnh của một cá nhân.
Một nhân viên tàu điện ngầm ở Hàn Quốc bị phát hiện dương tính với virus corona. Ngay sau hôm đó, một tiếp viên hàng không của một hãng lớn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhà chức trách đang phải xác định lộ trình di chuyển của họ kèm theo đó là số lượng lớn người từng tiếp xúc với hai bệnh nhân cần được cách ly, tầm soát bệnh. Thế mới thấy việc di chuyển đang gieo rắc nỗi sợ kinh hoàng. Mà đấy là những người bắt buộc phải đi lại vì công việc.
Mấy hôm nay, theo dõi các trang thông tin lớn của cộng đồng người Việt sinh sống ở Hàn, Nhật, tôi đọc được những lời giục giã mua vé về nước của đồng hương. Có người còn lạc quan tếu rằng họ được nghỉ 3 tuần, nếu có bị cách ly thì cũng chỉ mất có 2 tuần, vẫn thừa thời gian 7 ngày vui vầy cùng gia đình (?!).
Không ít người nóng lòng giục nhau mua vé máy bay về nước khi các đường bay vẫn tiếp tục được khai thác, rằng ở nhà, nhờ nắng nóng và công tác phòng chống tốt nên an toàn hơn. Rồi cả những cách lách quy định để có thể rời nơi nguy hiểm về đến quê nhà...
Đừng biến mình thành "kẻ gây rối"
Dịch bệnh bùng phát nhanh ở Hàn Quốc, trong nước càng lo chuyện lây lan khi việc đi và về giữa đôi bên nhiều hơn so với Vũ Hán (Trung Quốc). Cô dâu Việt (và cả thân nhân của họ) đều muốn họ về Việt Nam trong tình hình bệnh nhân COVID-19 ở Hàn tăng lên từng giờ.
Mong ước được về nhà bên người thân luôn chính đáng. Nhưng về từ vùng dịch, về giữa mùa dịch đang lây lan nhanh chóng chỉ qua tiếp xúc gần có thể vui trọn vẹn và an toàn không? An toàn cho chính mình, cho người thân, cho hàng xóm và cả những người không quen biết trên hành trình di chuyển.
Thêm người bị cách ly, thêm những ca xét nghiệm mới (dù hầu hết không có bệnh) đều gây lo lắng cho cả cộng đồng nơi những người này đi qua. Tâm trạng lo lắng của những người khi đã đi cùng hoặc tiếp xúc gần người đến từ vùng dịch hay quyết tâm cách ly của chúng ta là phòng vệ chính đáng nhằm ngăn chặn nguy cơ phát bệnh. Đây không phải là chuyện của một tỉnh thành, một quốc gia mà là chuyện toàn cầu. Và có sự an nguy trước mắt của từng cá nhân, từng gia đình trong câu chuyện đó.
Vậy nên, cộng đồng phản ứng dữ dội trước thông tin một phụ nữ Việt từ vùng dịch ở Hàn Quốc về Bình Dương bằng đường hàng không qua sân bay Tân Sơn Nhất đã lên mạng khoe chiêu khai gian để không bị cách ly phòng bệnh.
Và sau đó là thân nhân của chị này, những người từng tiếp xúc với chị đều có thể bị cách ly để được theo dõi y tế, mối nguy đã lan rộng hơn và việc cách ly, phòng ngừa sẽ mất công mất sức hơn rất nhiều. Dư luận bức xúc với nghi vấn: liệu đây có phải là trường hợp duy nhất chọn cách "lợi ít hại nhiều" này?
Lực lượng tại cửa khẩu cố gắng hết mình với việc sàng lọc nguồn (có thể) lây về từ các vùng có dịch. Toàn ngành y tế, cả xã hội tập trung ngăn chặn bệnh dịch. Những cách hành xử thiếu cẩn trọng, thiếu hiểu biết như trên càng tăng thêm áp lực cho các bộ phận chức năng.
Một người không chấp hành quy định có thể gây hoang mang, thậm chí phát tán mầm bệnh cho nhiều người, trước tiên là người thân, đối tác..., những người gần gũi nhất của họ.
Tăng cường thông điệp phòng dịch
Tôi được biết một vài cá nhân vì lý do đặc biệt phải di chuyển hay làm việc với người nước ngoài đến từ vùng dịch đã ý thức đến khu cách ly tập trung hoặc tự cách ly (khi chưa có bất cứ dấu hiệu nào) tại nhà. Họ còn cập nhật tình hình thường xuyên cho ban quản lý chung cư, bạn bè cốt để mọi người hiểu hơn công tác dịch tễ đã và đang được tổ chức cẩn trọng.
Rất mong các hãng bay, các đơn vị du lịch tăng cường thông điệp phòng dịch đến khách hàng của mình để mỗi người hiểu rõ, hiểu đúng hơn quy định phòng dịch trong nước. Thiệt hại về kinh tế vì COVID-19 không riêng quốc gia nào, địa phương nào, ngành nghề nào.
Trong sự đình trệ và thiệt hại chung, nếu từng cá nhân có nhu cầu di chuyển, từng đơn vị, doanh nghiệp vận chuyển hành khách chung tay phòng ngừa dịch bệnh cũng là cách giảm thiệt hại xã hội, giảm lo âu cộng đồng. (ÁI NHI)
Thăm dò ý kiến
Với những trường hợp khai báo y tế gian dối liên quan đến dịch COVID-19, theo bạn nên
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận