15/10/2004 06:30 GMT+7

Khai báo hải quan điện tử: lại vướng luật

THÙY MINH
THÙY MINH

TTO - Mặc dù việc khai báo hải quan điện tử ở nước ta được triển khai từ 2 năm trước, nhưng tới nay vẫn chỉ dừng ở việc thí điểm vì các doanh nghiệp không mặn mà với việc khai báo qua mạng. Họ vẫn phải nộp hồ sơ giấy để đối chiếu vì không có hệ thống chứng thực tính pháp lý.

66QB0FvX.jpgPhóng to
Các doanh nghiệp vẫn chọn cách khai báo bình thường
TTO - Mặc dù việc khai báo hải quan điện tử ở nước ta được triển khai từ 2 năm trước, nhưng tới nay vẫn chỉ dừng ở việc thí điểm vì các doanh nghiệp không mặn mà với việc khai báo qua mạng. Họ vẫn phải nộp hồ sơ giấy để đối chiếu vì không có hệ thống chứng thực tính pháp lý.

Thử nghiệm cộng thêm hồ sơ giấy: doanh nghiệp xin thôi!

Theo kết quả thử nghiệm trong thời gian qua tại 5 đơn vị gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai và Bình Dương, khai báo hải quan điện tử giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được 30 – 50% thời gian, thanh khoản hợp đồng gia công nhanh chóng, chính xác, có thể tham khảo được các thông tin về phía hải quan (thông tin nợ thuế, chế độ, thủ tục).

Hơn nữa, thông qua khai báo hải quan điện tử, doanh nghiệp có thể lập và đưa ra các báo cáo, thống kê hàng hóa trong một thời gian bất kỳ đơn giản và thuận tiện. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn chưa có hành lang pháp lý cho giao dịch thương mại điện tử, trao đổi dữ liệu điện tử, không có căn cứ pháp lý buộc các doanh nghiệp phải khai báo điện tử... nên doanh nghiệp làm tờ khai điện tử chỉ được cấp số tờ khai tạm, và phải nộp tiếp bộ hồ sơ giấy mới được cấp tờ khai chính thức.

So với cách làm cũ, mọi công đoạn vẫn được giữ nguyên, còn doanh nghiệp lại phải mất thêm thời gian và kinh phí trang thiết bị máy tính, phần mềm để... lên mạng, nên dẫn đến việc áp dụng còn gặp nhiều hạn chế, doanh nghiệp còn ''sợ'' hình thức này.

Tình trạng công nghệ, thiết bị lạc hậu, trình độ xử lý và quản lý về CNTT yếu kém cũng là những nguyên nhân khiến việc triển khai hải quan điện tử còn yếu, làm kết quả công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của ngành hải quan không cao.

Ông Lý Ngọc Xanh, Chi cục trưởng chi cục quản lý hàng gia công Hải quan - Hải Phòng, cho biết: “Hàng ngày phải xử lý hàng trăm tờ khai vậy mà chỉ có 2 kỹ sư phụ trách. Vừa rồi phần mềm của Hải Phòng bị hỏng không có chuyên gia giải quyết đã khiến nhiều doanh nghiệp không tham gia. Do đó, nếu Hải quan không chịu đầu tư, nâng cấp hệ thống, đào tạo nhân lực để khắc phục những lỗi không đáng có như trường hợp vừa rồi thì nhiều đơn vị xin tha mạng chứ chẳng dám tiếp tục nối mạng”.

Theo một đại diện Hải quan Hà Nội, hạ tầng CNTT của ngành hải quan còn nhiều bất cập do mức độ đầu tư còn hạn cế trong những năm qua. Cụ thể mạng WAN chỉ mới triển khai tại 3 Cục Hải quan nhưng cũng không phủ hết được các chi cục TP.HCM (9/11 chi cục), Hải Phòng (4/8 chi cục). Máy móc bị thiếu, một số cục hải quan như Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương phải lấy máy trạm làm máy chủ phục vụ cho khai báo điện tử. Trình độ tin học của cán bộ còn hạn chế dẫn đến việc có tư tưởng ngại triển khai.

“Hiện nay rất nhiều lãnh đạo phụ trách CNTT về lĩnh vực này nhưng không nắm chắc, do đó khi hệ thống hỏng hóc chỉ biết nghe cấp dưới báo cáo rồi làm theo, bên dưới nói sửa thì sửa, thay cái mới thì thay, không biết đường nào để quyết định. Do đó, cần phải đào tạo cả những cán bộ lãnh đạo lĩnh vực này cũng như các kỹ sư vận hành”, một đại diện Hải quan Hà Nội phát biểu.

Tháo gỡ bằng cách nào?

Để tạo điều kiện thuận lợi cho khai báo hải quan điện tử, ngành hải quan kiến nghị Chính phủ sớm ban hành những quy định cụ thể và đồng bộ về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc xây dựng các quy chế ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia khai điện tử như việc cấp thẻ ''ưu tiên'' cho DN cũng cần được Tổng cục Hải quan sớm đưa vào thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ông Xanh có ý kiến: “Khi cơ chế chưa đủ mạnh, chưa có luật, để các doanh nghiệp tham gia đông đảo cần phải khuyến khích, động viên và tin tưởng họ. Không nên bắt các doanh nghiệp đã khai báo hải quan điện tử, được xác thực của hải quan điện tử rồi, sau đó 7 ngày lại phải khai báo trên bản giấy. Nếu như điện tử hóa các thủ tục hành chính còn mang nặng tính thủ công, nửa trăng nửa đèn, nửa bao cấp, nửa thị trường thì chắc chắn sẽ chẳng đi tới đâu. Tại sao chúng ta không áp dụng luật hải quan sau 15 ngày, doanh nghiệp không xuất nhập, máy sẽ tự hủy”.

Một đại diện Hải quan Hà Nội có chung nhận định: “Theo quy định hiện nay, nếu chúng ta nghi ngờ và muốn kiểm tra giấy tờ của một doanh nghiệp nào đó, chúng ta vẫn có thể yêu cầu kiểm tra tất cả các doanh nghiệp khi cần thiết. Chúng ta có rất nhiều cách để chứng thực giấy tờ, do đó cũng nên rút ngắn nhất mọi thủ tục, không nên bắt các doanh nghiệp làm gấp đôi mọi thủ tục”.

Trả lời cho những thắc mắc trên, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đang gấp rút mở rộng áp dụng việc khai báo điện tử đối với tất cả các loại hình xuất khẩu. Dự tính từ năm 2005 sẽ thông quan và bỏ giấy tờ khai hải quan đối với tất cả mặt hàng xuất khẩu.

Đồng thời sẽ tổ chức đấu thầu mua phần mềm, phần cứng của các công ty tin học trong nước và nước ngoài. Tổng trị giá cho chương trình này không dưới 20 triệu USD. Trong tháng 10, Tổng cục Hải quan sẽ ra mắt trang web hải quan mới tại địa chỉ: http://www.customs.gov.vn. Trang web này được xây dựng theo dạng cổng (Postal), qua đó doanh nghiệp có thể khai báo điện tử, giao dịch điện tử…và tham khảo gồm nhiều thông tin đa dạng, chứ không đơn thuần như website thông thường chỉ đăng tin.

THÙY MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên